Tin tức - Sự kiện

Nghị định chờ Thông tư, doanh nghiệp "dò dẫm"

Gần một năm sau thời hạn chót, Bộ NNPTNT vẫn chưa ban hành danh mục các loại hàng hóa XNK thuộc diện quản lý chuyên ngành theo mã số HS trong biểu thuế XNK.

Ảnh minh họa.

 

Tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NNPTNT ban hành danh mục trên. Nghị định cũng chỉ rõ những nguyên tắc được kỳ vọng là sẽ chấm dứt tính trạng quy định không rõ ràng, không đầy đủ, chưa thống nhất, bất hợp lý về hàng hóa quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực này.

Cái ghế cũng phải kiểm dịch


Thực tế, từ trước khi Nghị định 187 của Chính phủ ra đời, các bộ ngành nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng cũng đã có các quy định về hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, những quy định này có rất nhiều bất cập.

Chẳng hạn, sản phẩm gỗ ép đã qua xử lý nhiệt không phải thực hiện kiểm dịch thực vật khi thông quan, nhưng còn bàn ghế, giường, tủ… làm từ gỗ ép thì sao? Trên thực tế, để thông quan hàng hóa, doanh nghiệp vẫn phải xin cấp giấy “thông báo miễn kiểm dịch thực vật” cho các sản phẩm này từ cơ quan chức năng.

Theo bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trước đây Bộ NNPTNT yêu cầu gỗ và sản phẩm từ gỗ phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, do đó có thể doanh nghiệp chỉ nhập khẩu cái ghế cũng bị kiểm tra.

Tương tự, theo bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Thông tư 40 năm 2012 của Bộ NNPTNT quy định sản phẩm sợi nói chung phải kiểm dịch. Điều này dường như vô lý bởi sợ là mặt hàng đã qua quá trình chế biến công nghiệp, khó có thể ảnh hưởng đến cây trồng, thực vật trong nước. Thông tư 30 năm 2014 của Bộ thay thế Thông tư 40 đã quy định rõ ràng hơn là sợi tự nhiên dạng thô, nhưng vấn đề vẫn còn đó.

Nhưng có danh mục dù bất cập vẫn còn hơn không. Chẳng hạn, Nghị định 187 quy định với “côn trùng các loại chưa có ở Việt Nam”, “giống vật nuôi ngoài danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam”, Bộ NNPTNT phải cấp giấy phép nhập khẩu hoặc giấy phép khảo nghiệm, quy định rõ điều kiện và thủ tục cấp phép. Nhưng hiện do Bộ chưa có danh mục với các thông tin cụ thể, rõ ràng, cơ quan Hải quan chưa biết căn cứ vào đâu để giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, mới đây, một chương trình hợp tác nuôi tằm biến đổi gen (tằm lai nhện) giữa tỉnh Lâm Đồng và Tập đoàn Kraig Biocraft Laboratores (KBL) của Mỹ đã bị đình lại sau khi Bộ NNPTNT gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tạm thời chưa triển khai dự án. Lý do của Bộ là “Việt Nam chưa có khung pháp lý và không đủ năng lực quản lý đối với lĩnh vực mới” như vậy.

Yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định 187 được kỳ vọng sẽ giải quyết các vướng mắc nói trên. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ.

Đáng tiếc là sau gần một năm Nghị định 187 có hiệu lực (20/2/2014), danh mục vẫn chưa được Bộ NNPTNT ban hành. Trong khi, nhiều đơn vị Hải quan cho rằng nếu có được một danh mục cụ thể, rõ ràng sẽ tạo thuận lợi cho cả Hải quan và doanh nghiệp, tránh được những tranh cãi không đáng có giữa hai bên.

Sẽ có Thông tư trong tháng 2/2015

Tổng cục Hải quan cho biết cuối năm 2014, đại diện Tổng cục đã trao đổi với lãnh đạo Bộ NNPTNT về việc ban hành danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã bày tỏ quyết tâm cao độ, yêu cầu các đơn vị tham mưu, nghiệp vụ khẩn trương xây dựng, ban hành  danh mục trên.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cũng cho biết trong lĩnh vực hải quan, Bộ đã tiến hành thí điểm việc sửa đổi, bổ sung các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với Cục Bảo vệ thực vật.

Kết quả cho thấy, với một lô hàng nhập qua đường hàng không thì trước đây kiểm tra mất 11 giờ, nay chỉ còn 5 giờ. Với lô hàng nhập qua đường biển cũng chỉ còn 10 giờ, trước đây là 25 giờ. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai với Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản…

Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, hiện các đơn vị trong Bộ NNPTNT đã xây dựng xong dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 187. Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về việc đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách hành chính và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, các đơn vị trong Bộ đang rà soát lại dự thảo Thông tư để giảm thời gian làm thủ tục, đơn giản hóa hồ sơ cấp phép.

Chia sẻ thêm về những khó khăn của Bộ NNPTNT trong quá trình xây dựng danh mục, ông Võ Thành Đô cho biết một nguyên nhân là số lượng chủng loại hàng hóa thuộc diện đưa vào quản lý khá nhiều và phức tạp về mặt phân loại mô tả.

Ví dụ, danh mục động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm theo các Phụ lục của CITES và theo Nghị định số 32 năm 2006 của Chính phủ là rất lớn (trên 35.000 loài), nên không thể quy định mã HS cho từng loại hàng hóa đối với các loài động thực vật hoang dã. Một số lĩnh vực khác như chăn nuôi, phân bón, thú y… cũng trong tình trạng tương tự.

Bộ NNPTNT đã cử cán bộ đầu mối thuộc các đơn vị quản lý chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan để rà soát, áp mã HS cho các hàng hóa xuất nhâp khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành. Dự kiến, Thông tư hướng dẫn Nghị định 187 kèm danh mục sẽ được ban hành trong tháng 2/2014.
 

 

    Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định: Bộ NNPTNT công bố danh mục các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành theo mã số HS đúng trong Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và hình thức quản lý theo nguyên tắc sau:

    a) Đối với loại hàng hóa mới lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam và hàng hóa ngoài danh mục được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng hoặc lưu hành tại Việt Nam, Bộ cấp giấy phép nhập khẩu hoặc giấy phép khảo nghiệm.

    b) Đối với các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện nhưng không cần cấp giấy phép, Bộ ban hành danh mục và quy định cụ thể điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, các đơn vị trực tiếp làm thủ tục xuất nhập khẩu với cơ quan Hải quan, không cần xin giấy phép.

    c) Đối với các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể về điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu; các trường hợp nhập khẩu để khảo nghiệm, nội dung giấy phép khảo nghiệm, thời hạn khảo nghiệm.

    Căn cứ kết quả khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định cho phép hay không cho phép hàng hóa được sử dụng, lưu hành tại Việt Nam. Khi được phép sử dụng, lưu hành tại Việt Nam, hàng hóa được nhập khẩu theo nhu cầu, không bị hạn chế về số lượng, trị giá, không phải xin giấy phép nhập khẩu.

 

Chinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo