Thị trường

Nghịch lý giá nhập khẩu giảm, xăng vẫn tăng!

Thuế nhập khẩu giữ nguyên và giá nhập khẩu giảm nhưng giá xăng trong nước vẫn liên tục tăng khiến nhiều chuyên gia cho rằng động thái tăng giá xăng là vô lý.

 

Liên bộ Tài chính-Công Thương quyết định từ 20h ngày 20/5, tăng giá xăng A92 và xăng sinh học E5 thêm 1.200 đồng/lít; dầu mazút và diesel tăng 500 đồng/lít, dầu hỏa giảm 64 đồng/kg. Với quyết định này, sau khi tăng giá, xăng A92 bán lẻ có giá bán 20.436 đồng/lít; dầu diesel 16.383 đồng/lít; dầu mazút 13.153 đồng/lít và dầu hỏa 15.751 đồng/kg.

 

Cùng với tăng giá bán lẻ, liên bộ cũng thống nhất giảm 2% thuế nhập khẩu dầu diesel từ 12% xuống còn 10%. Thuế nhập khẩu dầu hỏa giảm từ 20% xuống còn 13%, trong khi thuế nhập khẩu dầu mazút giảm từ 13% xuống còn 10%.

 

Lý do được cơ quan quản lý đưa ra trong quyết định tăng giá là do giá xăng dầu thế giới gần đây tăng liên tục. Giá xăng A92 thế giới ngày 18/5 đã lên mức 83,97 USD/thùng, khiến giá cơ sở các mặt hàng tăng đáng kể. Với biến động này, mỗi lít xăng A92 bán ra, doanh nghiệp lỗ 2.254 đồng/lít, xăng sinh học E5 lỗ 2.089 đồng/lít, dầu diesel 0,05S lỗ 1.070 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 782 đồng/lít, trong khi dầu mazút 3,5S lỗ 1.127 đồng/kg.

 

“Việc tăng giá xăng dầu nhằm thực hiện quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ để giá bán xăng dầu trong nước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới cũng như nhằm hỗ trợ chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân và hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới”, Bộ Công Thương thông báo.

 

Nghịch lý giá nhập khẩu giảm, xăng vẫn tăng!

 

Tuy nhiên, theo tin tức trên báo Tiền phong cho hay, thông tin từ Bộ Công Thương, giá xăng A92 tại Campuchia hiện là 22.344 đồng/lít, tại Lào là 22.988 đồng/lít, tại Trung Quốc là 20.296 đồng/lít. Tuy nhiên, thông tin từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho thấy, trong tháng  4, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại đạt gần 1,08 triệu tấn với tổng trị giá 612 triệu USD, tăng 4% cả về lượng và giá trị so với tháng trước.

 

Các số liệu cũng cho thấy, trong 4 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu chủ yếu từ các thị trường: Singapore (1,74 triệu tấn), tăng 82,8%; Trung Quốc (572 nghìn tấn), tăng 8,9%, Thái Lan (375 nghìn tấn), tăng gấp 2,8 lần… so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong 4 tháng đầu năm, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 3,58 triệu tấn, tăng 22,5%. Đáng chú ý, đơn giá nhập khẩu bình quân giảm tới 41% so với cùng kỳ năm trước nên giá trị nhập khẩu là gần 2 tỷ USD, giảm 27,7% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Một yếu tố đáng chú ý trong điều hành xăng dầu, ngày 22/4/2014, thời điểm Bộ Tài chính quyết định tăng 214 đồng/lít với xăng A92, lên mức 24.900 đồng/lít, giá xăng A92 thành phẩm thế giới (tính bình quân 30 ngày) ở mức 116,49 USD/thùng; dầu diesel 0,05S ở mức 122,15 USD/thùng; dầu hỏa có giá 119,95 USD/thùng, dầu mazút 180 cst 3,5S có giá 597,64 USD/tấn.

 

Theo Người lao động, ngoại trừ dầu hỏa được giảm giá 60 đồng/lít từ 0h ngày 21/5, các mặt hàng dầu khác cũng tăng giá nhưng thấp hơn nhiều so với xăng: 500 đồng/lít đối với dầu diesel và ma dút. Riêng thuế nhập khẩu các loại dầu được xem xét giảm đáng kể, 2%-7%. Thậm chí, quỹ BOG cho mặt hàng dầu cũng được nhích lên chút ít.

 

Chia sẻ trên Người lao động, một chuyên gia xăng dầu cho hay, để không tạo gánh nặng cho người tiêu dùng, nhà nước cần cân nhắc hai yếu tố “tăng giá” hay “giảm thuế”. Trong đó tăng giá phải được coi là giải pháp cuối cùng, chứ sao tại tăng giá trước trong khi thuế suất nhập khẩu thì giữ nguyên?!

 

Theo tính toán của các doanh nghiệp (DN) xăng dầu, cả nước hiện nay tiêu thụ bình quân mỗi tháng khoảng 45 triệu lít xăng dầu các loại. Trong đó, riêng các mặt hàng xăng chiếm tới 40%. Như vậy, khi xả quỹ BOG xăng dầu thì mặt hàng này sẽ ngốn quỹ nhiều nhất. Nếu giảm thuế để giảm áp lực lên giá xăng thì cũng chính mặt hàng này sẽ khiến nhà nước hụt thu nhiều nhất.

 

“Bởi vậy, giá xăng đã bị hạn chế chia sẻ gánh nặng về giá, trong khi các mặt hàng khác có vẻ được ưu ái hơn, nhằm bảo toàn lợi ích cho nhà nước thông qua thuế và cho DN, thông qua quỹ BOG”, một chuyên gia xăng dầu bình luận.

 

Trên một phương diện khác, theo giới chuyên gia và doanh nhân, việc tăng giá xăng, dầu cùng áp lực tăng giá điện trước đó sẽ tạo ra những vòng xoáy tăng giá tiêu dùng mới.

 

Chia sẻ trên báo Tiền phong, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho biết, tính cả lần liền kề trước đó, giá xăng tăng gần 20%. Trong khi đó, xăng chiếm khoảng 40% chi phí của hoạt động taxi nên giá cước taxi sẽ tăng khoảng 8% so với hiện nay (tương đương khoảng 1.000 đồng/km). “Một số hãng vừa qua đã tăng 500 đồng/km; hãng nào chưa tăng lần này chắc chắn sẽ tăng”,  ông Thanh nói.

 

Trong khi đó, ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Cty CP Thức ăn Chăn nuôi Thái Dương, cho biết, đợt tăng giá xăng vừa rồi, doanh nghiệp (DN) chưa kịp “hoàn hồn” thì lại đến lượt tăng giá tiếp, tạo sức ép rất lớn đến chi phí vận tải.

 

“Vừa rồi, bị siết về vấn đề quá tải, DN phải nghiến răng chịu giá vận tải gần như tăng gấp đôi. Trước đây, chi phí vận chuyển hàng từ Hải Phòng về Hưng Yên chỉ mất khoảng 100 nghìn đồng/tấn, nay lên 200 nghìn đồng/tấn. Chi phí chuyển hàng đi các tỉnh cũng tăng từ 200-300 nghìn đồng/tấn lên 500-600 nghìn đồng/tấn, tùy từng tỉnh”, ông Thành nói.

 

Theo ông Thành, DN như đang chịu trận vì những đợt tăng giá. Cùng sức ép về giá điện, xăng tăng, giá thuê đất của các nhà máy ở các tỉnh cũng tăng 10-20 lần. Trước kia giá thuê 1.750 đồng/m2, nay tăng lên 27 nghìn đồng/m2, tăng gần 16 lần. Ông Thành cho biết, giá xăng, điện… tăng, nhiều chi phí DN đội thêm trên 10% so năm ngoái. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trong ngành thức ăn chăn nuôi rất lớn, nhất là với các DN đầu tư nước ngoài có nhiều lợi thế.

 

Lan Hương (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo