Nghịch lý giá xăng giảm, giá hàng hóa… bất động
Khi giá xăng vừa tăng, giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ngay lập tức gần như tăng theo. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng 5 lần và giảm 4 lần, trong đó có 3 lần giảm trong tháng 8.
Sau khi giảm 470 đồng/lít vào ngày 28/8, hiện giá xăng đã bằng với mức giá đầu năm 2014. Tuy nhiên, giá hàng hóa thì vẫn "bất động".
Tăng dễ, giảm khó
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, ở thời điểm hiện tại, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả vẫn giữ nguyên mặt bằng giá. Mặc dù đầu tháng 7 với lý do giá xăng tăng, giá trứng gia cầm đã tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/chục quả.
Hiện nay giá xăng đã giảm tổng cộng 2.000 đồng/lít nhưng giá mặt hàng này chưa có dấu hiệu giảm. Hiện, trứng gà công nghiệp giá 22.000 đồng/chục, trứng gà ta là 35.000 đồng/chục, trứng vịt: 32.000 đồng/chục.
Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm khác như thịt lợn, hải sản… cũng trong tình trạng tương tự, giá thịt lợn, gà trước đây tăng 10.000 đồng/kg vì lý do xăng tăng giá, nhưng hiện nay, giá bán vẫn giữ nguyên. Cụ thể, thịt lợn tùy vào thịt nạc thăn, nạc mông, vai, ba chỉ… có giá từ 85.000 - 100.000 đồng/kg, riêng mặt hàng gà ta sống được bán với giá 150.000 - 160.000 đồng/kg. Giá các loại rau xanh, theo thông tin từ Ban Quản lý chợ Ngã Tư Sở, Kim Liên, Châu Long… cũng vẫn giữ nguyên giá bán sau khi đã tăng mạnh từ cuối tháng 7 đến nay.
Hàng hóa trong siêu thị cũng trong tình trạng tương tự. Mặc dù trước đó khi giá xăng tăng, nhiều nhà cung cấp ngay lập tức điều chỉnh tăng theo nhưng hiện chưa thấy nhà cung cấp nào thông báo sẽ giảm giá sản phẩm, nhất là những mặt hàng thiết yếu hoặc hàng hóa có nhu cầu lớn. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông, Hà Nội: Mỗi lần tăng giá xăng, nhiều nhà cung ứng sản phẩm cho siêu thị lấy lý do tiền công vận chuyển hàng hóa tăng nên buộc phải tăng giá bán. Tuy nhiên, hiện chưa thấy nhà cung cấp nào lên tiếng về kế hoạch giảm giá.
Đâu là nguyên nhân?
Tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội), các tiểu thương cho biết, tình hình mua bán vẫn chưa trở về mức ổn định như trước, lượng tiêu thụ vẫn chậm và ít. Nguyên nhân là phần lớn người dân vẫn phải "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu vì kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn cả là do giá cước vận chuyển hàng hóa vẫn chưa giảm dẫn đến việc người kinh doanh khó giảm giá bán hàng hóa.
Giải thích việc giá hàng hóa trong siêu thị chưa giảm, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và đại diện một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TP cho biết: Việc giảm giá xăng chủ yếu tác động trực tiếp đến DN sản xuất, trong khi DN phân phối không quyết định ngay được việc hạ giá sản phẩm.
Còn theo lý giải của ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Mặc dù giá xăng đã giảm gần 2.000 đồng/lít trong vòng một tháng qua, nhưng mức giảm giá này chưa đủ mạnh để các DN vận tải điều chỉnh giá cước. Nguyên nhân là do thời gian qua, DN vận tải đã phải gánh chịu những tác động từ việc giá xăng dầu từng có thời điểm liên tục tăng nhưng DN kinh doanh vận tải nhiều lần trì hoãn điều chỉnh giá cước. Thêm vào đó, nếu so sánh với những lần tăng giá xăng từ đầu năm đến nay thì mức giảm thời gian qua chưa đủ để DN bù lỗ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng: Việc các DN kinh doanh vận tải chưa giảm giá là bởi họ không muốn chia sẻ phần lợi nhuận của mình khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Điều đó dẫn đến việc giá hàng hóa được điều chỉnh rất nhanh khi giá xăng dầu tăng nhưng giảm chậm khi mặt hàng này giảm giá. Đây là nghịch lý tồn tại khá lâu nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để xóa bỏ.
Kinh tế Đô thị
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo