Thị trường

Nghịch lý ôtô Việt Nam: Khi có xe lại không dám đi!

(DNVN) - Mua ôtô để rồi không dám đi ra đường vì sợ bị cảnh sát bắt phạt khi không có bản chính đăng ký xe, đó chính là điều trớ trêu mà rất nhiều người dân đang mắc phải và cũng điều này khiến người Việt đang "sợ" mua ôtô.

Có ôtô cũng không dám đi

Nhu cầu sử dụng ôtô trong sinh hoạt và trong kinh doanh của người dân gần đây tăng cao nhất là tại các thành phố lớn khi xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh, khiến thị trường cho vay mua ôtô phát triển rất mạnh. Người mua có thể vay tiền ngân hàng hoặc trả góp nhưng phía ngân hàng sẽ giữ giấy tờ gốc và cung cấp cho chủ phương tiện bản photo có công chứng bằng các thoả thuận dân sự.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông đang khiến nhiều chủ xe lo lắng, thậm chí có ôtô cũng không dám đi ra đường bởi trước đó khi vay tiền ngân hàng mua xe trả góp, họ đều bị ngân hàng bắt thế chấp giấy đăng ký xe bản chính.

Tài xế khi vi phạm giao thông, không xuất trình được với cảnh sát giấy tờ xe bản gốc sẽ bị xử phạt 200.000-400.000 đồng theo Nghị định 46. Ảnh minh họa.

Anh Nguyễn Văn H. (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Hồi trước, khi tôi lái taxi thuê, thấy có vẻ có lợi nhuận nên sau một thời gian tôi quyết định mua một chiếc ô tô trả góp để tự trang trải cho công việc của mình và khi vay tiền mua xe, ngân hàng yêu cầu tôi có nộp lại bản chính đăng ký xe để làm tài sản đảm bảo. Những tưởng khi có xe thì công việc sẽ được thuận lợi thì có một số anh em nói rằng, ra đường phải có bản chính đăng ký xe, nếu không sẽ bị cảnh sát giao thông kiểm tra xử phạt nên từ khi mua xe đến giờ tôi cũng mới chỉ được mấy lần và để nằm ở bãi gửi xe cả tháng nay".

"Giờ mua xe không dám đi làm, lại phải lo tiền trả lãi, trả tiền gửi xe, ăn uống... bao nhiêu thứ đổ dồn khiến tôi chán nản không muốn làm gì. Bây giờ có muốn rẻ cho người người khác cũng phải có giấy đăng ký xe bản chính mà giờ lại không có tiền thì tôi cũng chả biết phải làm thế nào", anh H. tâm sự.

Cùng hoàn cảnh, anh Trần T. (Hà Đông, Hà Nội) cũng chia sẻ: "Trước có chút vốn thấy anh em khuyên nên mua trả góp một chiếc ôtô để lái taxi cho Grab kiếm thu nhập nên tôi thử xem. Tuy nhiên, có lần đi trên đường bị mấy anh cảnh sát giao thông kiểm tra và yêu cầu phải có bản chính giấy đăng ký xe tôi mới ngớ người ra, không biết làm thế nào nên tôi xin mãi người ta mới cho đi và nhắc lần sau phải có đầy đủ giấy tờ".
Cũng chính bởi điều này, mà hiện tại doanh nghiệp kinh doanh xe cũng như "ngồi trên đống lửa" vì doanh số bán hàng sụt giảm trầm trọng, thậm chí có tháng cũng không bán được chiếc nào.

Chủ một Đại lý phân phối xe tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Thời gian trước, việc kinh doanh của chúng tôi rất ổn định. Tuy nhiên, sau thông tin xử phạt xe không có bản chính đăng ký xe thì doanh số của chúng tôi giảm hẳn. Trước đó, một tháng chúng tôi cũng phải bán được đến cả chục chiếc, nhưng giờ thì cả tháng chỉ lẹt đẹt 1, 2 cái, thậm chí là không có người mua".

Hỏi lý do vì sao thì người này chia sẻ: "Cửa hàng chúng tôi chủ yếu phân phối loại xe tầm trung, nên người mua chủ yếu là những khách hàng có thu nhập không cao, họ phải vay ngân hàng để có tiền mua xe phục vụ kinh doanh. Giờ họ mua xe mà không được cầm bản chính đăng ký xe, khi lưu thông thì sợ bị phạt thế thì dám mua xe nữa".

 

"Cả tháng nay thị trường ôtô chững lại, người dân sợ chả dám mua ô tô nữa vì có mua cũng để ở nhà không dám đi ra đường. Chúng tôi cũng đang rất lo lắng bởi tình hình này cứ kéo dài thì chúng tôi sẽ sớm phải đóng cửa bởi không có doanh thu để trả lương cho nhân viên, thuê địa điểm... Vì vậy, chúng tôi mong các Bộ ngành, cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp", một chủ Đại lý hãng ôtô khác cũng tâm sự.

Ngân hàng cũng lo sốt vó

Không chỉ người dân, doanh nghiệp kêu cứu và cả các ngân hàng cho vay cũng đang trong cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, hiện nhiều ngân hàng đã có khách hàng yêu cầu được nhận lại bản chính giấy đăng ký xe đang thế chấp do bị xử phạt khi sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp.

Tuy nhiên, các ngân hàng lại không thể trả lại bản chính đăng ký xe cho khách hàng bởi đó là giấy tờ có giá trị nhất, là tài sản đảm bảo để thế chấp, nếu không các ngân hàng sẽ gặp nhiều rủi ro.

Theo ông Thắng, khi thực hiện các thủ tục cho vay mua ôtô, giữa ngân hàng và bên thế chấp luôn có thoả thuận dân sự, cho phép bên nhận thế chấp (phía ngân hàng) giữ bản chính, việc giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác nếu không ngân hàng sẽ có khả năng gặp rủi ro và sẽ không chịu trả giấy tờ xe gốc.

 

"Khi phương tiện giao thông đã được thế chấp cho tổ chức tín dụng nhưng khách hàng vẫn được giữ bàn chính giấy đăng ký xe trong tay, khách hàng có thể tự động chuyển nhượng, mua bán, cầm cố... mà tổ chức tín dụng không thể biết được, vì thế phía chúng tôi sẽ gặp rủi ro rất lớn", vị này cho hay. Ngoài ra, khách hàng không bị áp lực với phía ngân hàng nên việc ngân hàng kiểm tra tài sản đảm bảo định kỳ, theo dõi biến động của xe và quản lý tài sản bảo đảm là việc không thể thực hiện được.

Theo phản ánh của một số tổ chức tín dụng, khoảng một tháng nay, doanh số vay mua xe của một số đơn vị giảm khá mạnh bởi người dân dường du không dám mua vì sợ phạt, số khác thì cầm chừng để nghe nghóng thị trường. Trong khi đó, phía ngân hàng thì không muốn mạo hiểm để khách hàng giữ giấy tờ xe gốc.

Vì thế, đề xuất giải pháp cho người mua, các ngân hàng đang có hướng xử lý là đề nghị người vay bổ sung tài sản thế chấp khác như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm,… để lấy giấy tờ bản chính ra. Hoặc, các khách hàng có thu nhập khá và phải chứng minh thu nhập nhưng giải pháp này thì hơi khó bởi đa số người mua xe vay ngân hàng chủ yếu là thu nhập thấp, muốn có xe để phục vụ kinh doanh.

Để tháo gỡ các vướng trên, mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã gửi công văn kiến nghị lên 3 Bộ (Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông Vận tải), trong đó đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông chấp nhận và không xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp khi cho vay.

Trong khi đó, phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao Vụ Pháp chế khẩn trương xem xét, tìm giải pháp để sớm có văn bản gửi Bộ Công an và Bộ Tư pháp theo quan điểm tạm thời gỡ vướng, tạo điều kiện không xử phạt người dân, doanh nghiệp.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo