Nghìn tỷ cho giảm nghèo: Số liệu vênh, gạo chưa tới dân
Đại diện Bộ Lao động thương binh xã hội khẳng định, không có chuyện chi 76.000 tỷ đồng cho bộ máy giảm nghèo.
Bao nhiêu tiền đã chi cho giảm nghèo?
Trước thông tin cho rằng hàng năm số tiền chi vào bộ máy giảm nghèo là gần 76.000 tỷ đồng (3,5 tỷ USD), ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội khẳng đinh trên tờ Vietnamplus rằng, thông tin này không chính xác về công tác chỉ đạo giảm nghèo của Việt Nam từ trước đến nay.
Theo ông Đàm, Việt Nam không có bộ máy riêng chuyên trách làm công tác giảm nghèo mà đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị cùng phối hợp thực hiện.
Ông Đàm cho biết, tại tỉnh, các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cấp huyện là phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, cấp xã là các công chức phụ trách từng lĩnh vực là thành viên của ban chỉ đạo giảm nghèo.
Tất cả cán bộ làm công tác giảm nghèo đều là kiêm nhiệm. Không có ngân sách riêng cho hoạt động này mà đây là kinh phí thường xuyên của bộ máy hành chính hiện có. Thời gian qua, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác xóa đói giảm nghèo.
"Nếu nói rằng Việt Nam phải nuôi bộ máy riêng làm công tác giảm nghèo là rất sai lầm, dẫn đến cộng đồng quốc tế hiểu sai về công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam", ông Đàm nói.
Đây không phải lần đầu tiên những con số đưa ra liên quan đến việc thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo khiến dư luận phải đặt nghi vấn và lãnh đạo Bộ Lao động phải đứng ra bác bỏ thông tin.
Chính Bộ Lao động đã từng thông báo số tiền thực hiện chính sách giảm nghèo là 120.000 tỷ đồng. Tong khi Bộ Tài chính lại cho biết, từ năm 2005 đến 2012 hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo là khoảng 734.000 tỷ đồng (bình quân trên 90.000 tỷ đồng/năm), chiếm trên 12% tổng chi ngân sách nhà nước.
Vì vậy, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cho rằng "độ chênh quá lớn".
Làm rõ thêm những băn khoăn về nguồn lực, một vị phó vụ trưởng trực thuộc Bộ Tài chính đã giải thích rằng có nhiều chương trình được thống kê trong chính sách giảm nghèo nhưng đối tượng được thụ hưởng không chỉ là người nghèo. Và với nhiều chương trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chắc chắn không phân định được số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo.
Gạo cứu đói vẫn không đến tay dân nghèo
Thông tin trên tờ Tuổi trẻ ngày 7/2, ông Nguyễn Văn Lãng, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Phú Yên đã thừa nhận vẫn còn 444 tấn trong tổng số 676 tấn gạo mà Chính phủ hỗ trợ cho tỉnh trước Tết Giáp Ngọ 2014 vẫn chưa cấp phát cho người dân.
Như vậy, trong dịp tết vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên chỉ phân bổ 232 tấn gạo cho các địa phương trong tỉnh để cứu đói cho người dân. Khi hỏi tại sao lại giữ phần lớn số gạo cứu đói cho dân trong dịp tết và giáp hạt 2014, ông Lãng cho biết tỉnh phải lo cho dân khi đói giáp hạt nữa nên tạm thời giữ lại gạo.
Trong khi đó, Phú Yên vốn vẫn là một tỉnh được mệnh danh là “vựa lúa của miền Trung” luôn dẫn đầu về năng suất. Cụ thể, năng suất lúa vụ đông xuân 2013 của Phú Yên đạt cao nhất từ trước đến nay với 67,5 tạ/ha.
Cũng tại Phú Yên, đầu năm 2013, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa đã xảy ra tình trạng Bí thư chi bộ là bà Huỳnh Thị Bằng và trưởng thôn Phú Hòa ông Huỳnh Ngọc Thanh xắt xén 500 kg gạo từ năm 2009 đến 2011.
Còn tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị số gạo cứu đói cho dân nghèo cũng bị sử dụng sai mục đích khi chính quyền tại đây đã cào bằng, chia cả cho người không nghèo, mỗi hộ chỉ còn được 6 kg gạo thay vì 15 kg/nhân khẩu/tháng (tối đa không quá 3 tháng).
Mới đây, một cán bộ xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam cũng đã bị cách chức vì xà xẻo tiền, quà của Chủ tịch nước.
Cụ thể, ngày 15/12/2013 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về địa phương này để tặng quà cho bà con bị thiệt hại do lũ lụt gây ra, phần quà là 10 con bò cùng 100 suất quà, gồm 900.000 đồng tiền mặt và hiện vật song tiền lại không đến tay người nghèo mà chảy thẳng vào quỹ của thôn Đại Mỹ để cho người nghèo vay trả lãi, phần quà bằng hiện vật lại bán cho người dân với giá 95.000 đồng/phần.
Trước đó, dịp Tết Kỷ Sửu, Chính phủ đã chi 3.800 tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo ăn tết, mỗi nhân khẩu 200.000 đồng hoặc 1 triệu đồng/hộ. Thế nhưng chủ trương hợp lòng dân đó đã bị một số nơi làm méo mó. Phổ biến nhất là tình trạng tiền cho dân nghèo bị xà xẻo hoặc lấy của người nghèo chia cho người không nghèo.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo