Ngỡ ngàng với dịch vụ gửi vàng tại Việt Nam
Một nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đặt chân tới Việt Nam đã bất ngờ khi phát hiện ra rằng, các ngân hàng ở đây vẫn đang huy động vàng. Trong khi đó, trên thế giới, dịch vụ gửi vàng tại các nhà băng đã là chuyện của quá khứ từ rất lâu.
Sự ngỡ ngàng trên được ông Tim Staermose, chiến lược gia trưởng thuộc bộ phận đầu tư của quỹ đầu tư Sovereign Man, chia sẻ với độc giả của trang Business Insider.
Trong bài viết có tựa đề “There's still a place where they will pay you to store gold” (tạm dịch: “Vẫn có một nơi mà người ta sẽ trả tiền cho bạn để giữ vàng hộ bạn”), đăng trên blog kinh tế này hôm nay (14/4), ông Staermose cho biết, hiện nay, không có nơi nào trên thế giới lại có dịch vụ gửi vàng trong ngân hàng như ở Việt Nam.
“Đây là chuyện hiếm gặp. Các ngân hàng ở Việt Nam sẽ thực sự trả tiền cho BẠN để được giữ hộ vàng của bạn trong những két sắt an toàn của họ. Tôi khá là ngạc nhiên khi tự mình phát hiện ra sự thật này. Cả tôi và sếp tôi chưa từng thấy điều này ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, ngoại trừ ở Việt Nam”.
Nhìn lại lịch sử của ngành tài chính thế giới, nhà đầu tư đã từng đi khắp thế giới này cho biết, thực ra, dịch vụ gửi vàng trong các ngân hàng đã “xưa như trái đất”. “Đây là việc mà các ngân hàng trước đây thường làm. Ban đầu, các ông chủ nhà băng cũng chỉ là các thợ kim hoàn giàu có, ngày nào cũng làm việc với vàng. Họ có một hệ thống an ninh kiên cố, và nếu bạn trả phí, thì họ sẵn sàng giữ hộ vàng cho bạn trong két của họ”, bài báo viết.
Về sau, các thợ kim hoàn này nhảy sang lĩnh vực cho vay tiền. Bởi thế, thay vì bắt người gửi vàng phải trả phí, họ sẽ trả người gửi vàng một mức lãi suất nhất định và cho vay số vàng đó, thu về mức lãi cao hơn và đương nhiên hưởng phần chênh lệch.
Theo ông Staermose, danh tiếng của người thợ kim hoàn ở vào thời kỳ sơ khai của ngành tài chính đó sống chết cùng chất lượng danh mục cho vay, cũng như khả năng thanh toán đúng hạn lãi và gốc đối với khoản tiền, vàng mà khách hàng gửi vào chỗ họ.
“Ngày nay, tất cả những việc đó đã trở thành lịch sử, ngoại trừ ở Việt Nam”, ông Staermose hài hước.
Theo đánh giá của ông Staermose, chính mức lạm phát cao đã đẩy nhu cầu giữ vàng để bảo toàn giá trị tài sản của người Việt Nam gia tăng, và các ngân hàng không bỏ lỡ cơ hội để phổ biến rộng rãi dịch vụ tưởng chừng như đã cổ xưa là huy động vàng.
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng bùng nổ vào giữa những năm 2000 nhờ quá trình tự do hóa kinh tế và các dòng vốn ngoại đổ vào. Trong vòng vài năm, nền kinh tế rơi vào trạng thái phát triển nóng và lạm phát ồ ạt leo thang. Rồi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ập đến.
Cũng giống như nhiều chính phủ khác trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với khủng hoảng bằng cách in tiền để cứu tăng trưởng. Chính cách làm này đã làm vấn đề lạm phát trở nên trầm trọng hơn và xói mòn niềm tin của người dân vào tiền giấy.
Trong ba năm qua, đồng VND của Việt Nam đã mất giá khoảng 30% so với USD. Nếu so với những đồng tiền mạnh lên so với USD như Đô la Australia và Đôla Canada, thì đồng VND còn mất giá mạnh hơn. Ông Staermose cho rằng, trên đồng tiền của Việt Nam đang có quá nhiều con số 0.
“Bởi vậy, không có gì là ngạc nhiên khi người Việt Nam suy giảm lòng tin vào đồng nội tệ. Họ thích giữ USD và vàng hơn. Các ngân hàng vào cuộc, khuyến khích người dân gửi vàng bằng cách đưa ra mức lãi suất hấp dẫn”, ông Staermose viết.
Nhà đầu tư này còn bất ngờ trước việc giá nhà đất ở Việt Nam thường được quy đổi ra “lượng, chỉ” và việc hầu hết người dân ở đây đều để ý đến vàng và biết giá vàng.
Theo nhận định của ông Staermose, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để chống tình trạng “vàng hóa” và “đô la hóa” nền kinh tế, trong đó có các biện pháp chống đầu cơ vàng. “Về mặt kỹ thuật, các ngân hàng Việt Nam hiện không được phép trả lãi suất cho các khoản gửi vàng, nhưng trên thực tế, điều đó vẫn đang diễn ra”, ông Staermose viết.
Theo lập luận của bài viết, với những gì đang xảy ra ở Việt Nam, thì lời khẳng định của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett - rằng vàng chỉ là một khối kim loại ngớ ngẩn không có khả năng sinh lời - bỗng trở nên vô nghĩa.
“Thật phi lý khi mà người phương Tây vẫn xem Việt Nam là nghèo, lạc hậu và chậm phát triển… Ở nơi này người dân vẫn đủ thông minh để ‘xa lánh’ tiền giấy và tìm đến với một loại tài sản khan hiếm về mặt tự nhiên và có mức độ rủi ro thấp hơn”, bài viết của ông Staermose kết luận.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo