Quốc tế

Ngoại trưởng Kerry: Mỹ không muốn “đối đầu” ở Biển Đông

(DNVN) - Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố muốn tránh "đối đầu" ở Biển Đông, sau khi Tòa Trọng tài bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết vùng biển.

Ngày 27/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Washington không muốn tranh chấp ở Biển Đông trở thành một cuộc đối đầu, sau khi Tòa án trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh hòng nuốt trọn hầu hết Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ở Manila hôm 27/7. 

Phát biểu trên được Ngoại trưởng Kerry đưa ra sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ở Manila nhằm thảo luận về phán quyết của PCA.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington muốn Trung Quốc và Philippines tham gia thảo luận và có "biện pháp xây dựng lòng tin".

"Bản thân quyết định của PCA là một quyết định mang tính bắt buộc nhưng chúng ta không nên cố tạo ra đối đầu. Chúng ta nên cố gắng tìm ra một giải pháp quan tâm đến quyền lợi của người dân được xây dựng trên nền luật pháp" - ông Kerry nhấn mạnh.

Hôm 12/7, PCA đã phán quyết rằng yêu sách "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra nuốt gần trọn Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói Mỹ thấy "cơ hội" sau phán quyết để các bên có thể giải quyết hoà bình tranh chấp ở biển Đông. "Chúng tôi thấy một tiến trình mà có thể thu hẹp lại các tranh chấp trên biển, tạo ra chuẩn mực cho hành vi ứng xử trong các khu vực tranh chấp, dẫn tới các giải pháp có thể chấp nhận được," ông nói. 

 

Trước đó, hôm 26/7 sau khi tham sự hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Lào, Ngoại trưởng Kerry cũng đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte. Tại cuộc gặp, ông Kerry khuyến khích Tổng thống Duterte tham gia đối thoại và "lật trang mới" trong quan hệ với Trung Quốc.

Tòa Trọng tài tại The Hague, Hà Lan hôm 12/7 ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò". "Đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương đưa ra đi ngược lại với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc.

Nên đọc
Thu Phương (Theo AFP)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo