Tin tức - Sự kiện

Ngư dân đắp chiếu thiết bị vệ tinh hiện đại vì không hiệu quả

Sau một thời gian triển khai lắp đặt tại một số địa phương, hệ thống công nghệ vệ tinh Movimar đã bị ngư dân từ chối vì hoạt động không hiệu quả.

Thiết bị vệ tinh của Pháp và giấc mơ quản lý đội tàu

Theo Quyết định số 453/QĐ-BNN-TCTS ngày 14/03/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 3.000 tàu cá được lựa chọn lắp đặt miễn phí thiết bị kết nối vệ tinh Movimar.
 
Movimar được hiểu là Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh. Đây là dự án có quy mô lớn được hợp tác ký kết bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp, khoảng 40 triệu USD.
 
Hệ thống định vị vệ tinh Movimar gồm 2 thành phần chính là thiết bị vệ tinh lắp đặt trên tàu và hệ thống giám sát trên bờ.
 
Thiết bị vệ tinh Movimar được lắp trên tàu cá của ngư dân
 
Mục đích của dự án này giúp ngư dân nắm bắt được thông tin cần thiết cho mỗi chuyến vươn khơi dài ngày trên biển, như: Định hướng cho tàu thuyền trở về bờ hoặc vào nơi tránh bão an toàn gần nhất; xác định chính xác ngư trường có nhiều thủy, hải sản; tin dự báo thời tiết biển, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới; giúp các cơ quan quản lý nghề cá cũng như cơ quan phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn có giải pháp xử lý nhanh, chính xác các tai nạn, sự cố kỹ thuật đối với tàu cá trên biển.
 
Tuy nhiên sau vài năm triển khai, 3.000 bộ thiết bị Movimar này gần như được đắp chiếu trên các tàu cá của ngư dân bởi đơn giản, thực tế không giống như trên quảng cáo của nhà thầu.
 
Ngư dân đắp chiếu tiền trăm triệu
 
Xung quanh hiện trạng sử dụng thiết bị vệ tinh này, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), Ủy viên ban chấp hành nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam cho biết trên địa bàn huyện Lý Sơn đang có khoảng 20 thiết bị Movimar được lắp đặt trên các tàu cá của ngư dân, trong đó có 2 thiết bị đã hỏng.
 
Ông Chinh ngán ngẩm: “Từ khi lắp vào sử dụng đến nay, thiết bị chập chờn, gần như không sử dụng được. Không ít lần ngư dân đang ra khơi phải gọi qua Icom về đất liền xin hướng dẫn cách sử dụng chiếc máy này, hoặc hướng dẫn cách sửa chữa.”
 
Ông Nguyễn Quốc Chinh, chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn
 
“Thiết bị vệ tinh này âm thanh nhỏ; chỉ dự báo chính xác ngư trường, còn bản tin nhận được rất chậm, đặc biệt là mức gió báo cũng không chính xác, thông tin thời tiết báo sai lệch hoặc chậm. Nhiều tàu tuy có máy Movimar nhưng ngư dân chỉ dựa vào máy thu phát tầm xa Icom, máy định vị mà thôi. Còn với Movimar tỏ ra không mặn mà, giữa việc có mà không có chẳng ảnh hưởng gì.” – Ông Chinh nhận định.
 
Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn cho biết thêm: “Ngư dân bây giờ đi biển cần nhất mấy chiếc máy sau, trước hết là máy liên lạc Icom, máy định vị, máy dò. Với tổng chi phí hết khoảng trên dưới 50 triệu đồng. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là máy Icom 801 của Nhật Bản, nó có bước sóng cao hơn những loại Icom cũ, Trung Quốc không thể phá sóng của mình được.”
 
Trong khi đó, theo thông tin từ ông Dương Quang Thạch, nguyên giám đốc của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) thì một thiết bị Movimar như vậy có giá khoảng 100 triệu đồng. Đồng thời chi phí hàng năm bỏ ra để chi trả tiền cước vệ tinh cũng vô cùng đắt đỏ.
 
“Movimar là một thiết bị đắt đỏ và không hề tiện dụng với ngư dân, nó chỉ phù hợp với những loại tàu lớn, đi viễn dương chứ không hợp với tàu cá của Việt Nam. Có nhiều cách để giải quyết vấn đề định vị, quản lý tàu cá rất rẻ mà đơn giản, thay vì lãng phí như với Movimar.” – Ông Thạch cho biết.
 
Theo thông tin từ Tạp chí Thủy sản Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Hội nghề cá Việt Nam, mới đây, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Chính phủ bổ sung kinh phí 44 tỷ đồng/năm, bao gồm kinh phí cấp sau đầu tư cho ngư dân trả phí dịch vụ vệ tinh đối với tàu cá lắp thiết bị đầu cuối kết nối vệ tinh duy trì hoạt động của trạm bờ; nhằm tiếp tục triển khai hoạt động dự án.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo