Ngư dân miền Trung: Những cột mốc sống trên vùng biển động
Để chống lại sự gây hấn của các tàu Trung Quốc đang án ngữ lối ra ngư trường, ngư dân các địa phương: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... đã liên kết thành các tổ đội tàu vươn khơi thẳng tiến ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt. Những đội tàu đánh cá của ngư dân đang đóng vai trò là những cột mốc của tổ quốc trên vùng biển chủ quyền của đất nước.
Những cột mốc sống
Mặc dù hàng chục tàu của Trung Quốc đang cách bờ biển miền Trung chưa đầy 220km để bảo vệ giàn khoan trái phép, án ngữ cửa ra ngư trường, nhưng những ngày qua, hàng trăm tàu cá của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã cùng thẳng tiến Hoàng Sa đánh bắt hải sản.
Ra khơi lần này, những ngư dân đã liên kết nhau thành nhiều tàu cá đi theo tổ đội, cùng nhau bám biển, phối hợp với lực lượng chấp pháp Việt Nam, bảo vệ lẫn nhau.
Ngư dân Trần Em (50 tuổi, trú tại thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam, thuyền viên tàu QNa 90659) khẳng khái: "Tàu Trung Quốc liên tục rượt đuổi, dùng vòi rồng tấn công nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam. Nhưng chúng tôi không nao núng.
Biển của ta, là nơi chúng tôi mưu sinh hằng ngày nên chúng tôi kiên quyết bám biển làm ăn, không để Trung Quốc càn rỡ mãi được. Rút kinh nghiệm những lần trước, các tàu cá đi lẻ thì dễ bị tàu Trung Quốc gây hấn. Lần này, chúng tôi đi thành tổ đội từ 5-10 tàu, đoàn kết, sát cánh bên nhau, cùng với lực lượng chấp pháp, họ sẽ chẳng thể làm gì chúng tôi được".
Ông Trần Anh - chủ tàu cá QNa 90659 ở xã Tam Hải - nói thêm: “Với tinh thần đoàn kết, 15 chiếc tàu của xã Tam Hải và xã Tam Quang chuyến này cùng nhau ra khơi đánh bắt, bảo vệ lẫn nhau và giữ vững ngư trường Hoàng Sa”.
Phối hợp với lực lượng chấp pháp
Vừa treo lại lá cờ trên cột tàu, ngư dân trẻ Trần Văn Thôi (24 tuổi, thuyền viên tàu 90244) vừa nói: “Khi hay tin Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển nước ta, tôi rất nóng lòng ra khơi để tăng cường sự hiện diện trên biển, vừa đánh bắt vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Thường thì chúng chỉ hay bắt nạt các tàu cá đơn độc. Còn chúng tôi đi theo tổ đội 5-10 tàu, dễ thông tin ứng cứu cho nhau”.
Ông Ngô Tấn - Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam - cho biết, hiện Quảng Nam đã có đến hơn 120 tổ, đội đoàn kết được thành lập với sự tham gia của 8.000 lao động trên 873 tàu cá. Cạnh đó, 6 tổ chức nghiệp đoàn nghề cá đóng vai trò kết nối, đảm bảo sự đoàn kết, tương hỗ lẫn nhau giữa các ngư dân đánh bắt trên biển. Trong những ngày qua, lực lượng kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển đã sát cánh, đồng hành trợ giúp ngư dân khi đối mặt với các tình huống gặp phải trong quá trình khai thác.
Tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), cũng có đến 72 tàu công suất lớn của nghiệp đoàn An Hải vừa ra khơi, bất chấp khó khăn trên biển. Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (Lý Sơn) - cho biết, hàng trăm tàu cá công suất lớn của nghiệp đoàn luôn ra khơi theo mô hình tổ đội, mỗi tổ đội từ 5-15 tàu cá, để chống lại sự gây hấn của tàu Trung Quốc.
Các tổ đội hoạt động trên biển theo mô hình đoàn kết, cùng nhau đánh bắt và ứng cứu lẫn nhau khi bị tàu Trung Quốc uy hiếp. Mỗi khi xảy ra sự cố gì hoặc theo giờ nhất định, các tàu đều cùng bật Icom theo cùng tần số để giữ liên lạc, thông báo tình hình lẫn nhau theo tổ đội và giữa các tổ đội, cũng như với Icom trạm bờ của nghiệp đoàn.
Ông Chinh khẳng định: “Với lực lượng hùng hậu, đoàn kết nhau thành một khối trên biển cũng như với bờ, mỗi khi có sự cố thì các tàu đều biết và quây lại để ứng phó. Nhờ vậy chúng tôi có thể vượt qua mọi khó khăn, phản ứng hiệu quả với sự khiêu khích, gây hấn của tàu Trung Quốc, bám biển dài ngày, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc”.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo