Ngừng bán cá ngừ cho Nhật để ngư dân 'thư thả' học?
Ngừng xuất khẩu để "từ từ" học công nghệ Nhật
Trao đổi với Đất Việt ngày 19/9, ông Nguyễn Hữu Hào, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, mùa đánh bắt cá ngừ đại dương kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4, hiện đang là cuối vụ đánh bắt, nước biển nóng hơn nên sản lượng và chất lượng cá ngừ thấp.
Đặc biệt, ngư dân vẫn chưa tuân thủ các quy trình kỹ thuật câu, xử lý, bảo quản cá ngừ đại dương như hướng dẫn nên chất lượng sản phẩm chưa đạt chất lượng xuất khẩu qua thị trường Nhật.
Ông Hào thống kê, trong chuyến đánh bắt đầu tiên vào tháng 7/2014, các tàu đánh bắt được 54 con cá ngừ đại dương, kiểm tra 10/37 con đạt chất lượng khá tốt được lựa chọn bán đấu giá tại Nhật Bản với giá bình quân là 249,461 ngàn đồng/kg, trong đó có một con đạt hơn 430.000 đồng/kg, tổng doanh thu trên 114,253 triệu đồng.
Chuyến đánh bắt thứ 2 kéo dài từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, các tàu khai thác được 57 con, trong đó có chỉ có 4 con đạt chất lượng xuất khẩu.
Nguyên nhân của hiện tượng ngư dân chưa tuân thủ đúng quy trình của công nghệ Nhật, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho rằng, đó là do các ngư dân đã quá quen với cách đánh bắt, bảo quản cá truyền thống, trong một thời gian ngắn chưa thể thay đổi ngay cũng như thuần thục các quy trình câu, xử lý và bảo quản của Nhật.
Ông lấy ví dụ: "Ngay như thao tác cầm cần cũng đòi hỏi phải đúng cấp độ, thời gian. Đằng này ngư dân mình chưa quen với từng cấp độ, muốn mau kéo cần câu lên. Chính vì thế, trong quá trình hướng dẫn phải từ từ ngư dân mới nắm bắt được".
"Cần câu" như ông Hào nói chính là bộ thiết bị câu cá của Nhật Bản gồm máy thu câu và máy tạo xung. Máy thu câu MSW-1DR 130, dùng động cơ điện 24 V - 130 W, gồm 5 bộ phận chính: hộp điện điều khiển, thân máy, hộp số, tang thu câu và thanh định hướng. Máy có tốc độ quấn dây nhanh, chậm khác nhau, 22 - 36 m/phút hay 32 - 53 m/phút, theo 2 chế độ thu và giữ dây; tự thả dây khi lực kéo của cá dính câu lớn và tự thu dây khi cá có xu hướng đến gần tàu; khi cần thì giữ chặt dây như bộ thắng của tang quay, với nhiều mức độ khác nhau.
Máy tạo xung Tuna Shocker, gồm các bộ phận chính: bộ biến đổi điện, từ 24 V - DC thành 100 V - AC, bộ tạo xung, hộp cung ứng điện, công tắc điều khiển, hệ thống đèn và chuông báo, hệ thống dây dẫn và vòng điện. Khi cá mắc câu được máy thu câu kéo gần thuyền khoảng 25 - 35m, thì vòng xung điện được đưa xuống theo dây câu và khi vòng xung điện chạm vào mỏm đầu cá, thì lập tức bấm nút công tắc điện, giữ trong khoảng 3 - 5 giây, lúc này cá bị ngất, thì ngắt nguồn điện, và đưa cá lên tàu. Lập tức sau đó dùng dao, thiết bị chuyên dụng chọc tiết, chọc não, chọc tủy sống, moi lấy hết ruột, cắt vây đuôi... và đưa vào hầm ngâm lạnh chuyên biệt. Hầm này có tỷ lệ đá lạnh trên nước biển là 80/20. Ngâm lạnh trong vòng 4 tiếng đồng hồ để cá hạ nhiệt, sau đó đưa cá vào hầm đá lạnh thông thường.
Chính vì đã quen với cách làm truyền thống mấy chục năm nay nên khi tiếp cận với công nghệ mới, ngư dân chưa thể thực hiện chuẩn xác các thao tác.
Theo ông Hào, Nhật Bản là thị trường cực kỳ khó tính về tiêu thụ sản phẩm cá ngừ đại dương nên việc tạm ngừng xuất khẩu để ngư dân học thêm là cần thiết. Thời gian tạm ngừng sẽ kéo dài đến tháng 11.
"Trong thời gian chuẩn bị vào mùa, chúng tôi tiếp tục triển khai đào tạo hỗ trợ ngư dân khắc phục khuyết điểm để họ có thể thực hiện đúng các động tác hơn vào mùa tới, đặc biệt là khi sắp tới tỉnh sẽ mở rộng thêm mô hình này lên 20 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật. Hiện mới có 5 tàu cá huyện Hoài Nhơn thí điểm sử dụng công nghệ này", ông Hào nói.
Trước đó, Sở NN&PTNT Bình Định đã cử 4 cán bộ kỹ thuật sang Nhật, trong đó 2 cán bộ chủ yếu học về kỹ thuật khai thác, 2 cán bộ học về chất lượng, kiểm tra chất lượng cá, rồi về truyền đạt lại cho ngư dân. Ngoài ra, chuyên gia Nhật cũng trực tiếp sang hướng dẫn kỹ thuật cho ngư dân.
"Nhưng muốn thì muốn, vẫn cần có thời gian. Có những cái đã là truyền thống thì khó thay đổi", ông nói.
Vẫn mua cá của ngư dân để động viên
Ông Nguyễn Hữu Hào cho biết, trong thời gian tạm ngưng xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hỗ trợ mua cá của ngư dân với giá cao. Tỉnh không có chủ trương hỗ trợ mà các doanh nghiệp phải tự cân đối, đồng thời có thông báo õ ràng về giá cả để khuyến khích ngư dân bán cá cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, đơn vị ký hợp đồng tiêu thụ cá ngừ đại dương với Nhật Bản, cũng cùng chung nhận định: “Nguyên nhân chất lượng cá ngừ không đảm bảo là do ngư dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đá lạnh để ướp cá chất lượng kém và ngư dân có tư duy muốn làm theo cách đánh bắt cũ”.
Hiện Công ty CP Thủy sản Bình Định thu mua trên 50% sản lượng cá đánh bắt được của tỉnh. Khi tạm ngừng xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật, theo bà Lan, công ty vẫn hỗ trợ 3.000 đồng/kg cho ngư dân.
"Trước đây chúng tôi mua cá với giá cao hơn 20% so với giá thị trường. Tuy nhiên bây giờ không xuất khẩu sang Nhật nữa thì không trợ giá cho ngư dân được. Chúng tôi chỉ hỗ trợ 3.000 đồng/kg để động viên ngư dân tiếp tục sử dụng công nghệ Nhật. Cá không đạt tiêu chuẩn đi Nhật công ty sẽ sử dụng làm hàng fi lê, chất lượng kém hơn hàng đi Nhật một chút".
Theo bà Lan, với mức hỗ trợ trên doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng gì.
"Do mới làm thí điểm nên lượng cá ngừ đại dương xuất sang Nhật chưa nhiều. Khi nào sản phẩm đạt chất lượng cao thì mới xuất. Vì thế cứ thư thả để ngư dân thuần thục quy trình đánh bắt", bà Lan nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao