Tin tức - Sự kiện

Người bị bản 'án oan' 12 năm nhiễm HIV: Tôi sẽ kiện ra tòa

Anh Hoàng Khắc Sửu (42 tuổi, ngụ thị xã Cửa Lò, Nghệ An), người phải gánh 'án oan' nhiễm HIV suốt 12 năm ròng, cho biết 'nếu không cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường và trả lại danh dự cho tôi, tôi sẽ khởi kiện ra tòa'.

 Anh Sửu cho biết anh chưa chấp nhận cách giải quyết của Sở Y tế Nghệ An khi chưa xem xét việc bồi thường cho anh  - Ảnh: Phạm Đức

 

Trưa 12.4, trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, anh Sửu cho biết anh đang làm đơn để gửi Tổng cục 8 (Bộ Công an) đề nghị làm rõ vì sao lại có kết quả xét nghiệm sai sót năm 2003 và trách nhiệm của những đơn vị liên quan. “Trong trường hợp không cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường và trả lại danh dự cho tôi, tôi sẽ khởi kiện ra tòa”, anh Sửu nói. 
 
Tháng 4.2003, khi đang thụ án tại Trại giam số 3 (Bộ Công an) đóng ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An, anh Hoàng Khắc Sửu được yêu cầu lấy máu xét nghiệm HIV. 
 
Kết quả, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An thông báo anh đã bị nhiễm vi rút HIV.
 
Cuối tháng 8.2013, anh Sửu mãn hạn tù, về nhà, anh thuộc đối tượng bị nhiễm HIV nên phải chịu sự quản lý, chăm sóc của Trạm y tế phường Nghi Thu, nơi anh sinh sống.
 
Do nghi ngờ kết quả xét nghiệm HIV năm 2003 bị sai, nên ngày 8.9.2014, anh Sửu đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An để xét nghiệm lại. Ngày 9.9.2014, Trung tâm này kết luận, anh Sửu âm tính với HIV.
 
Ngày 16.9.2014, anh Sửu đến Bệnh viện Đa khoa Nghệ An để xét nghiệm máu và cũng cho kết quả âm tính với vi rút HIV.
 
Ngày 12.12.2014, anh Sửu lại đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An để xét nghiệm lại theo yêu cầu của Trạm y tế phường Nghi Thu, kết quả lần này cũng được kết luận âm tính với vi rút HIV.
 
Sau đó, anh Sửu làm đơn gửi Sở Y tế Nghệ An đề nghị làm rõ kết quả xét nghiệm năm 2003 kết luận anh bị nhiễn HIV và có trách nhiệm bồi thường vì những tổn hại do kết quả xét nghiệm này gây ra cho anh (tổn hại về tinh thần và vật chất) nhưng không được hồi âm.
 
 
 
 
 
 
Các kết quả xét nghiệm không bị nhiễm HIV của anh Sửu - Ảnh: Phạm Đức
 
 
Anh Sửu sau đó gửi đơn đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An kêu cứu. Ngày 1.4 vừa qua, Sở Y tế Nghệ An mời anh Sửu đến làm việc, lãnh đạo sở này đã xin lỗi anh Sửu, mong được anh Sửu thông cảm, bỏ qua sai sót của lần xét nghiệm năm 2003 nhưng không xem xét việc bồi thường cho anh vì “chưa có qui định và những người liên quan đến việc xét nghiệm nói trên đã nghỉ hưu nên khó xác định trách nhiệm”.
 
Liên quan đến trường hợp của anh Sửu, thạc sĩ Huỳnh Văn Út, TAND TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau, nhận định: "Cần bồi thường thiệt hại cho anh Sửu". 
 
Thạc sĩ Út nhận định: Vấn đề là sửa sai như thế nào mới là điều cần bàn, khi mà hậu quả thiệt hại của người bị “kết án oan” phải gánh nỗi hoang mang, khổ sở, dằn vặt, cô đơn, vì tuyệt vọng, vì bị xa lánh… suốt 12 năm trời... Cũng may anh Sửu không chết, dù trước đó anh đã nhiều lần nghĩ đến cái chết. Đến khi anh Sửu hỏi vợ, buổi đầu cũng chẳng xong, vì ai đâu chịu làm vợ một người mang chứng bệnh quái ác, chờ chết…
 
Sở Y tế Nghệ An cũng nhận trách nhiệm về mình, nhưng cho rằng "do ngành không có quy định cụ thể và những người có trách nhiệm liên quan đến việc xét nghiệm hồi đó đã nghỉ hưu nên rất khó xác định trách nhiệm để bồi thường cho anh Sửu" là một lý giải không được thuyết phục, có phần né tránh trách nhiệm…
 
 
Anh Sửu có quyền khởi kiện 
 
Năm 2014 anh Sửu đi xét nghiệm lại mới biết mình không bị nhiễm HIV thì anh Sửu vẫn có quyền khởi kiện Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An theo chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự năm 2005, và vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện (do trở ngại khách quan mà trước đó anh Sửu không thể biết mình bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp). Cụ thể là bồi thường thiệt hại do người của pháp nhận gây ra (Điều 618), dù lỗi cố ý hay vô ý vẫn phải bồi thường (Điều 604).
 
Thiệt hại của anh Sửu ở đây được quy định là thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (Điều 611), theo đó anh Sửu có thể yêu cầu bồi thường về chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thức tế bị mất hoặc bị giảm sút… Đồng thời, nếu anh Sửu bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì anh còn được bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. 
 

Mặc dù những người có trách nhiệm liên quan đến việc xét nghiệm hồi anh Sửu đã nghỉ hưu, vẫn không làm mất đi trách nhiệm bồi thường của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An, vì đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. 

 

Thạc sĩ Huỳnh Văn Út, TAND TP.Cà Mau, Cà Mau
Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo