Tin tức - Sự kiện

Người bõ già của thế kỷ

Trước năm 1975, khi còn ở Sài Gòn rồi sau đó về Miền Tây làm việc, tôi chưa hề được tiếp xúc với ông Phạm Duy. Tuy nhiên tôi học hỏi được trong những ca khúc của ông khá nhiều điều bổ ích về cách viết ca từ và khai triển quãng âm. Đặc biệt tôi thẩm thấu được kỹ năng phát triển và nâng chất được giai điệu dân ca vốn rất dễ rơi vào đơn điệu thành những quãng âm mới mẻ nhưng vẫn giữ được hồn tình của âm nhạc dân tộc.

Nhạc sĩ Phạm Duy (nguồn internet)

Ngày xa xưa, lứa tuổi chúng tôi lớn lên trong miền quê kháng chiến của liên khu 5 không thể quên được ca khúc Bà mẹ Gio Linh, Quê nghèo, Về miền Trung, Người về, Ngày trở về, Nhớ người ra đi... “ Đường ta cứ đi/ Nhà ta ta cư xây/ Ruộng ta ta cứ cày ngày đợi ngày. Ngày mai bao ấm êm/ Ngày mai ta hát câu tự do”. Tôi vẫn không quên những lời ca hào hùng, tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng ấy. Tôi lớn lên thành thanh niên; tác phâm âm nhạc của Phạm Duy là một biểu tượng mà tôi học hỏi để trở thành người viết nhạc.

Tôi đặc biệt thích bài "Tình ca chiều về trên sông" của ông. Tôi gọi ca khúc này là một sonate sang trọng, kinh điển về đồng bằng Sông Cửu Long. Ông  khai thác giai điệu Nam Bộ một cách tài hoa bằng cách thăng quãng 6 của ca khúc lên một bản âm nhưng nghe vẫn sang như nhạc cổ điển. “Chiều buông trên dòng sông Cửu Long, như một cơn ước mong, ơi chiều/ về đây bọt bèo muôn khắp nơi, vui buồn cho có đôi, không nhiều/ Ngày mai, sông về quê miến yêu”, ca từ viết như vậy. Tôi nhận ra được một Phạm Duy cực kỳ cô đơn qua bài hát. Đêm nào nghe "Chiều về trên sông" truyền qua radio là tôi cứ thao thức. Tôi dạy triết học nên rất thích nghe ca khúc về muôn màu triết lý về sự cô đơn của kiếp người.

Mãi đến năm 1996 lần đầu tiên Phạm Duy viết thư gửi về địa chỉ tòa soạn cho tôi. Thư ông viết trên Carte postale, sau lưng tấm ảnh của ông với mái tóc bạc trắng, ông viết “26/6/96. Anh V.Đ.S. Biển. Cảm ơn anh đã viết thư với rất nhiều cảm tình đối với kẻ hát rong của thế kỷ! Tôi đã thôi không đi lại trên hai hành trình nhạc tình cảm và nhạc xã hội nữa rồi. Từ 1988 tôi trở về với dòng nhạc tâm linh mà tôi đã khởi sự với Lữ hành, Xuân hành…. Tôi mong những tình nhân của tôi tìm ra tôi trong Rong ca, Thiên ca, Trường ca, Hàm Mặc tử… Thằng mõ trong làng đã trở thành bõ già của thế kỷ. Thân mến”.

Tôi đọc kỹ 98 chữ của ông viết trong thư và hiểu Phạm Duy đang trả lời bài báo của tôi viết năm 1988 trên phụ san của báo. Khi ông xác định “không đi lại trên hành trình… nhạc xã hội” là muốn rói rằng ông không viết những bài hát mang màu sắc chính trị nữa. Tôi hiểu ra tâm trang của ông khi ông viết “Thằng mõ trong làng” sôi động, tạo ra nhiều tranh luận trái chiều kia “đã trở thành bõ già của thế kỷ” hai mươi. Và cuối đời ông chỉ mong được sống yên bình, lặng lẽ giữa cái đền thờ âm nhạc của mình.

Nghe lại ca khúc "Nắng chiều rực rỡ" của ông, tôi lại càng nhận ra sự khao khát trở về quê nhà của ông. Ông ước nguyện tình yêu của tuổi già vẫn rực rỡ như thời đôi mươi bởi cái chết đang cận kề: “Chớ buồn gì khi ông sắp qua đời/ Anh chỉ còn bên em chút thôi/ Ước nguyện rằng khi đêm chết chưa về/Trong chiều đời yêu nhau rất lâu…/Thế kỷ này đang trong nắng ban chiều/ Cho lòng người bâng khuâng nhớ nhau/ Trước cửa vào trăm năm rất mơ hồ/ Còn một ngày vui bao nỗi vui/ Cuộc tình anh với em/ Chỉ còn giây phút thôi/ Thì tình xin sáng tươi/ Tựa ngàn tia nắng rọi”.

Năm 2005, Phạm Duy chính thức về nước sinh sống. Ông được đối xử tốt, được phục hồi quốc tịch và tiếp tục hoạt động âm nhạc tại TP.HCM. Những tác phẩm âm nhạc giá trị của ông được dựng lại, làm băng đĩa và biểu diễn trên sân khấu, báo chí trong và ngoài nước đưa nhiều thông tin về ông với nhiều tình cảm.

Tôi đã chính thức gặp và nói chuyện với ông lần đầu tiên năm 2008. Một đêm tháng 12, Sofitel Sài Gòn tổ chức Đêm an bình vinh danh 6 nhạc sỹ gồm Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Chây Kỳ, Tô Vũ, Vũ Đức Sao Biển và Nguyễn Ánh 9. Khi mọi người giới thiệu tôi, ông đứng lên bắt tay tôi thật chặt. “Mãi đến bây giờ tôi mới gặp anh. Tôi muốn cảm ơn anh”. Đêm ấy Vũ Đức Phước hát "Thu hát cho người" và Hồng Vân hát "Đêm gành hào nghe điệu hào lang" của tôi. Xong chương trình ông nói “Giai điệu và ca từ hai bài đều rất đẹp” tôi chỉ nói “Cảm ơn Phạm Duy, chúc ông khỏe” Lần thư hai tôi đến thăm ông tại nhà và hỏi ông về bài tình ca buồn Szomoru Vasarnap của nhạc sĩ Hungary Rezso Seress lời của Javor Laszlo (Pháp: Somber Dimanche, Anh: Gloomy Sunday, Hoa: Thương cảm tình Kỳ Thiên). Phạm Duy phóng tác ra lời việt, tựa đề Chủ nhật xám. Hôm đấy ông nói với tôi nhất nhiều điều về những ca khúc phát triển dân ca và tình cảm của mình.

Lần thứ ba tôi gặp lại ông tháng 5-2012 tại cuộc triển lãm Tâm và Tài – họ là ai? Của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á ở nhà văn hóa Thanh niên. Không khí sôi động, chúng tôi chẳng nói được gì ngoài thăm hỏi nhau.

Ngày ông qua đời vào tháng 1-2013. Tôi đi công tác về Miền Trung, không đến viếng ông được. Ông ra đi thanh thản ung dung. Quả thật, người bõ già của thế kỷ đã không đi lại trên hành trình của nhạc xã hội nữa như bức thư ông đã viết. Mãi mãi, ông vẫn còn trong tâm hồn công chúng yêu nhạc một Phạm Duy tình ca.

Như Trâm - Thanh Niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo