Tin tức - Sự kiện

Người cha tàn tật mong có đôi chân giả để nuôi hai con mồ côi mẹ

Căn nhà tối om, tuềnh toàng ở xã miền núi Sàng Tủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) vốn đìu hiu giờ càng thêm cô quạnh vì người phụ nữ duy nhất trong nhà đã ra đi mãi mãi. Đêm đêm, bên cạnh tiếng khóc của con trẻ đòi mẹ là tiếng thở dài bất lực của người đàn ông tàn tật.

Ba cha con anh Sùng Chứ Lùng đang rất khốn khó trước mùa đông giá lạnh.
Ba cha con anh Sùng Chứ Lùng đang rất khốn khó trước mùa đông giá lạnh.

Tai họa liên tiếp
Ông Sùng Chủng Hờ, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND xã Sàng Tủng đưa chúng tôi tới nhà anh Sùng Chứ Lùng, 24 tuổi, dân tộc Mông – người đàn ông tàn tật vừa mất vợ, đang nhọc nhằn nuôi hai đứa con thơ. Trên đường đi ông Hờ cho biết: “Tới làng này chỉ cần hỏi bất kỳ ai về nhà cháu Pó mẹ chết, bố tàn tật họ sẽ dẫn tận nơi. Nhà nó khổ lắm. Vợ mất, nuôi hai con nhỏ nhưng giờ nó tàn tật, không lên nương rẫy được. Bà con ở đây ai cũng thương nó lắm”.

Trong gian nhà ẩm thấp, tối om, chúng tôi không cầm được nổi nước mắt khi thấy người bố gầy gò, đen đúa đang dỗ dành hai đứa con trai Sùng Mí Lô (5 tuổi), Sùng Mí Pó (3 tuổi) với gương mặt đẫm nước mắt vì nhớ mẹ. Nhà chẳng có gì ngoài chiếc giường xập xệ, luộm thuộm – có lẽ trước kia là giường cưới, giờ là nơi ăn ngủ của ba cha con.

Sáu năm trước, anh Sùng Chứ Lùng (24 tuổi) lấy vợ là chị Ly Thị Dính (25 tuổi), vợ chồng trẻ, tuy chưa có của ăn của để nhưng ấm áp với hai đứa con khỏe mạnh lần lượt ra đời. Từ khi có con, chị Dính ở nhà chăm con, nuôi con lợn, con gà. Anh Lùng đi làm nương, làm rẫy. Sau 6 năm anh chị đã mua được một con bò làm vốn riêng. Nhưng tai họa bất ngờ giáng xuống, đẩy gia đình lâm vào cảnh thiếu ăn khi 3 năm trước, anh Lùng bị một tảng đá đè vào chân khi đi khai rẫy lật đá làm ruộng bậc thang. Tuy được cứu sống, nhưng anh vĩnh viễn mất một chân và từ đó trở thành người tàn tật, không thể trèo núi đi làm nương rẫy được nữa.

Thương chồng, sợ con không có ăn, chị Dính để chồng làm việc nhà, chị thay chồng gánh trên vai gánh nặng mưu sinh lên nương cuốc rẫy trồng ngô. Sau 3 năm lao động vất vả, sức vóc yếu ớt nên cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy gia đình. Một sớm lên núi, chị choáng váng và ngất lịm. Khi dân bản phát hiện đưa vào bệnh viện, anh Lùng và dân bản mới vỡ lẽ, chị Dính chết vì lao lực.

Mong có chân giả để lên nương

 

 

Ông Sùng Chủng Hờ.
Ông Sùng Chủng Hờ.

Người Mông có phong tục người chết được chia của cải, con bò duy nhất của cả nhà được chia và làm ma tươi cho vợ. Anh Lùng chia sẻ: “Nhà cũng chỉ làm được như thế, không biết đến bao giờ mới có tiền để làm ma khô (tương tự như bốc mộ làm mộ tròn của người Kinh) cho vợ”.
Trong gian nhà nhỏ đơn sơ, những manh quần tấm áo, vật dụng vương vãi đều nhuốm màu bi thương cũ nát vì không có đôi bàn tay của phụ nữ thu vén. Thứ Bảy, bé Lô và bé Pó được nghỉ học, ở nhà lủi thủi ngồi chơi. Anh Lùng lò cò chuẩn bị bữa cơm đạm bạc để thắp hương cho vợ. Anh cho biết, việc nương rẫy trước phải trông nhờ vào bà nội. Nhà ông bà nội cùng trên một chỏm đồi đá này, nhưng đường khó đi và cách nhau khá xa nhưng bà vẫn cố giúp. Tuy nhiên, gần đây ông nội đổ bệnh nên bà không sang giúp bố con anh được. Anh có người chị gái đi lấy chồng xa và ở miền núi con gái đi lấy chồng là chỉ được biết nhà chồng. Họ hàng ít, gia đình vợ cũng ở xa nên chẳng ai giúp đỡ bố con anh cả.
“Gia đình anh Lùng đói khổ càng thêm đói khổ. Bà con dân bản cũng rất thương hoàn cảnh bi đát của bố con anh Lùng, đến nhà ai cũng không cầm được nước mắt. Nhưng bản này thưa người, dân đều nghèo quá, bà con cũng chỉ giúp làm hộ việc 1 – 2 ngày chứ không ở lại làm hộ được lâu, cũng không có gì mà cho cả!”, ông Hờ ngậm ngùi chia sẻ.
Chính anh Lùng cũng không biết mùa đông rét mướt này không biết sẽ sống ra sao, bởi ở miền xuôi cứ rét 10 độ thì ở trên núi đã xuống tới 4-5 độ không thể đi ra ngoài mà chỉ có thể ngồi bên bếp lửa tránh rét. Giờ bé Pó 3 tuổi vừa được đi học mẫu giáo. Bé Lô thì vừa được cô giáo đưa vào lớp 1 từ tháng 9/2015, hàng ngày đến lớp nhưng Lô chưa có cái cặp đựng sách. Ngay bộ quần áo hai anh em mặc cũng là quần áo do đoàn từ thiện ở Thái Nguyên lên tặng, chứ bố tàn tật, mẹ mất nên chẳng ai mua quần áo cho chúng.
Ở cái tuổi được bố mẹ chăm lo cho từng bữa cơm, giấc ngủ nhưng hai anh em Lô và Pó đã tự lo toan mọi việc cá nhân, tự đến điểm trường đi học. Thời tiết miền núi mùa này đã phải mặc áo chống rét, hai anh em bé tí, lũn cũn chân đất trèo non, xuống núi đi học hàng ngày. Đã thế trước đây dù nghèo khó, nhưng hai con hôm nào cũng được mẹ chăm bẵm, tắm rửa, nấu ăn rồi canh cho ngủ… Giờ đêm đến không có mẹ, chúng rất nhớ và cứ khóc đòi mẹ. Có hôm đi học về, con khoe các bạn được bố mẹ mua cho áo ấm mới, quàng thêm chiếc khăn ấm, hai đứa càng nhớ mẹ, lại khóc làm anh Lùng thêm buồn lòng. Mấy ngày rét đậm, bé Lô, bé Pó đứng trước bàn thờ mẹ mếu máo: “Mẹ không thương con nữa, mẹ bỏ con đi rồi!  Năm ngoái mẹ hứa mùa đông này sẽ mua cho con cái áo ấm hơn vì trời lạnh lắm! Con không muốn mặc áo nữa, con chỉ cần mẹ về với con thôi!”. Nghe con đòi mẹ, anh Lùng như xát muối vào lòng. Anh chỉ ao ước có tiền lắp một cái chân giả để còn làm vườn, chăm sóc hai con.
“Từ ngày vợ mất, bản thân bị tai nạn nên sức khỏe anh Lùng rất yếu, chỉ luẩn quẩn ở trong nhà, đi lại phải chống gậy. Cây ngô không trồng được mà ăn nên mẹ già và bà con thay nhau nương rẫy giúp. Bà con nghèo nên không giúp mãi được. Các thầy cô lên đây dạy học cũng khó khăn  lắm, chỉ cho ít sách vở cho hai đứa học. Xã có hỗ trợ hộ nghèo, đã xin Sở LĐ,TB&XH Hà Giang cứu trợ, nhưng chưa thấy trả lời”, ông Sùng Chủng Hờ cho biết.

Nên đọc
Theo Báo Giadinh.net.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo