Tin tức - Sự kiện

Người chăn voi cuối cùng ở Gia Lai

Hoàng hôn xuống nhanh, thoáng chốc tất cả chìm trong mù sương. Ksor Chăm xoa tay lên làn da thô ráp của con voi già Ya Tao tạm biệt, cùng chúng tôi bước nhanh ra khỏi cánh rừng già ở xã Chư Mố, H.Ia Pa (Gia Lai.

 Ya Tao cùng người quản tượng cuối cùng ở bắc Tây nguyên Ksor Chăm (đứng) và con rể Siu Kiêm - Ảnh: Trần Hiếu

Bắc Tây nguyên mấy trăm năm trước là vùng thuần dưỡng voi có tiếng ở cao nguyên. Những địa danh như Plei Lao, Plei Thơ Ga ở xã Nhơn Hòa, H.Chư Pưh và một số làng ở xã Chư Mố, H.Ia Pa thuộc Gia Lai đã hằn in dấu vết của những đàn voi hùng tráng. Quản tượng già Nay Tơr ở xã Nhơn Hòa nhớ lại: “Mỗi năm, cứ đến dịp là cả làng rộ lên lễ cúng tuổi mới cho voi. Nhà mình cùng những người anh em trong làng có 5 con voi. Nhưng rồi cũng hết voi, con thì chết vì bệnh, chết vì bom đạn chiến tranh. Chúng cũng chả có đẻ con, rừng bị băm nát, vậy là hết”.

Làng voi ở Chư Mố cũng lụi tàn nhanh chóng. Ksor Chăm, người quản tượng cuối cùng ở Chư Mố, kể năm 1973, ông mang 1,5 triệu đồng (một số tiền lớn lúc bấy giờ, tương đương với khoảng 150 con bò - PV) lặn lội sang buôn Đôn (Đắk Lắk) mua con voi đực 3 tuổi, đặt tên là Bak Xom về nuôi. 30 năm sau, vì muốn se duyên cho Bak Xom, ông lại sang Đắk Lắk mua tiếp một con voi cái, đặt tên là Ya Tao. Niềm mong đợi của Ksor Chăm đã bị dập tắt khi Bak Xom ngã bệnh lăn ra chết. Từ đó, Ya Tao trở thành con voi duy nhất ở vùng bắc Tây nguyên.

Để đến được chỗ voi Ya Tao, chúng tôi phải theo chân Ksor Chăm vào tận rừng sâu. Con rể ông, Siu Kiêm, độ một tuần lại mang thức ăn vào cho Ya Tao. Cứ tết đến, cả voi và người lại cùng nhau về nhà. Một nghi lễ cúng được thực hiện để cầu sức khỏe cho mọi người, cho voi.

Ngọn núi Chư Cố gần lại theo mỗi bước chân băng rừng của chúng tôi. Đột ngột, Siu Kiêm dừng lại, gọi lên thành tiếng vang núi rừng prừ, prừ... Rồi từ trong khoảng rừng cách chỗ chúng tôi đứng hơn 100 m, Ya Tao lừng lững bước ra, tai phe phẩy. Rất thành thục, Siu Kiêm tiến tới, đưa mấy cây mía chuẩn bị sẵn, Ya Tao mừng chủ đưa vòi đón mía bỏ vào miệng. Ksor Chăm đưa tay vuốt ve tai voi, cúi xuống tháo khóa sợi xích dài hơn 30 m ở chân voi, ra hiệu cho voi cúi xuống rồi nhảy lên bành.

Suốt nhiều năm nay, Ya Tao phải làm những việc vất vả như kéo gỗ, thồ nông sản từ rừng ra... Sức voi cũng đổ theo những bước chân. Cách đây hơn chục năm, trong một lần thồ hàng như thế, Ya Tao bị trượt chân trật khớp lúc xuống con dốc trơn. Tai nạn để lại di chứng đến ngày nay cho voi qua những bước chân khập khiễng. Năm 2000, Ya Tao bị kẻ xấu bắn, trúng hơn 20 viên đạn chì ở má phải, nhưng nhờ Ksor Chăm chạy chữa và nhờ sức... voi, Ya Tao cũng qua khỏi.

Hơn 60 tuổi, con voi già ngày càng lầm lũi giữa khoảng rừng cô quạnh. Ksor Chăm chia sẻ: “Mình già rồi. Con Ya Tao đã đi với mình gần cả quãng đời. Nhiều quản tượng ngày xưa đã bỏ nghề vì vắng bóng voi trong các buôn làng. Mình còn may là có Ya Tao. Tiếc rằng con voi đực mình mua về để cho chúng gặp nhau đã không thành hiện thực. Ý yàng đã vậy, chịu thôi”. 

Gia đình Ksor Chăm đã từ chối cái giá gần nửa tỉ đồng để bán Ya Tao bởi ông nói rằng “nó như là thành viên của gia đình”. Song, gia đình ông cũng khai thác Ya Tao như một thói quen lâu nay. Ya Tao như là một phương tiện hữu dụng trong quá trình mưu sinh của gia đình này. Sức nặng tuổi tác, chân bị tật khiến nó không còn thể hiện mình như lúc sung mãn. Mỗi chuyến hàng Ya Tao thồ từ rừng ra đường lớn, gia đình Ksor Chăm được trả từ 200.000 - 400.000 đồng.

Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo