Tin tức - Sự kiện

Người đàn bà gánh gạch nuôi chồng tàn tật, con tâm thần

“Cứ lên cơn hai đứa con lại kéo mặt tôi tát, đánh. Tôi không thấy đau nhưng lần nào nước mắt cũng cứ ứa ra. Chồng tôi tàn tật, mấy năm trước còn đan lát chứ bây giờ cũng chẳng làm được việc gì. Đau buồn lắm nhưng vẫn phải cắn răng làm lụng nuôi bốn miệng ăn”, bà Ninh kể về chồng, con trong nước mắt.

Gia đình bà Ninh đang vật lộn với cuộc sống hàng ngày, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm.
Gia đình bà Ninh đang vật lộn với cuộc sống hàng ngày, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm.

Bàng hoàng khi hai con lần lượt mắc tâm thần
Khi chúng tôi tới thăm nhà bà Vũ Thị Ninh (66 tuổi, ở xóm 8, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) chỉ có ông Hữu - chồng bà Ninh ở nhà. Ông Hữu bị liệt cả hai chân từ nhỏ nên muốn đi lại đều phải dùng đến đôi bàn tay.
Nghe có khách đến, bà Ninh tất tả chạy từ ngoài vườn vào nhà. Rót chén nước mời khách, bà ngậm ngùi kể: “Ngày xưa, tôi cũng con nhà nghèo, học hành chẳng có, nghỉ học đi bán đậu được 5 - 7 năm rồi xin đi làm công nhân xây dựng. Thời gian ấy, tôi được người quen giới thiệu cho ông Hữu. Ngày còn con gái, tôi cũng có nhiều người hỏi lắm, nhưng cũng không hiểu vì sao khi gặp ông Hữu tôi lại thương mến, rồi quyết định lấy ông ấy làm chồng”.
Năm 1967, ông Hữu và bà Ninh kết hôn, nhưng mãi đến năm 1980 bà Ninh mới sinh con trai đầu lòng. Bảy năm sau, bà Ninh lại sinh tiếp con gái út. Niềm vui của gia đình bà Ninh cũng bắt đầu từ những ngày có thêm các thành viên. Hàng ngày, ông Hữu đan rổ rá thuê cho người trong làng, còn bà Ninh làm mấy sào ruộng và đi làm thuê thêm các công việc khác để mưu sinh. Thời gian đó tuy khó khăn trăm bề nhưng trong căn nhà đơn sơ của gia đình bà Ninh luôn tràn ngập tiếng cười của hai đứa con.
Biến cố xảy đến khi anh Bằng- con trai cả bà Ninh phát hiện bị tâm thần năm 18 tuổi. Từ đây đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh Bằng. Nhìn người con trai, bà Ninh nghẹn ngào nói: “Ngày đó nó khỏe mạnh, chịu khó, ngoan ngoãn, khi đi học về thường xuyên giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Sau khi nghỉ học, Bằng đã đi làm công nhân được một năm thì phát hiện mắc bệnh tâm thần. Từ đây cuộc sống của Bằng trở nên lỡ dở”.
Sau khi anh Bằng bị bệnh tâm thần, cuộc sống của gia đình đã khó khăn  lại lâm vào những chuỗi ngày khó khăn hơn. Mọi người đã cố gắng chạy vạy thuốc thang để đưa anh Bằng đi chữa bệnh. Thế nhưng, khi bác sĩ kết luận bệnh của anh Bằng là do di truyền, lúc đó gia đình mới sững sờ nhớ ra gia đình bên nội (tức nhà ông Hữu) cũng có ông chú từng bị bệnh tâm thần. “Sau đó không lâu, chúng tôi đưa Bằng về nhà chữa trị thuốc Nam. Nhưng chúng tôi vẫn không tin chuyện như thế đâu, mãi đến khi Lương - cô con gái út bước vào 18 tuổi, cũng có những biểu hiện giống anh nó: Nói lảm nhảm, đi lung tung hết nhà này đến nhà khác... chúng tôi mới đưa con đến gặp bác sĩ, bác sĩ cũng kết luận tương tự như Bằng. Lúc đó, cả gia đình tôi gần như bị suy sụp hoàn toàn, không còn chỗ bấu víu, nương tựa vào ai cả”, bà Ninh òa khóc kể lại.
Lay lắt sống qua ngày
Cuộc sống của gia đình bà Ninh đã vốn khó khăn, cả nhà lại bệnh tật chồng chất, không biết nương tựa vào đâu. Cả bốn thành viên trong gia đình chỉ có thể trông chờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi. Với số tiền này, bà Ninh phải chạy vạy bán từng mớ rau để có thể mua thuốc cho chồng và các con.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phong (hàng xóm nhà bà Ninh) cho biết: “Để gánh vác cuộc sống gia đình, bà Ninh đã phải làm thêm rất nhiều việc: Làm ruộng, làm vệ sinh ngoài chợ, gánh gạch...”. Bà còn từng đi phun thuốc sâu thuê cho người ta nhưng do một lần bị ngã, thuốc sâu đổ vào người nên từ đó tới giờ không đi làm được nữa. Mấy năm nay sức khỏe ngày càng yếu nên bà và con gái chỉ biết bán rau ngoài cổng nhà văn hóa xóm. “Một ngày mẹ con tôi bán rau ngoài cổng làng thì cũng chỉ kiếm được hơn chục nghìn, có hôm bán không hết mang về cả nhà lại ăn rau trừ bữa”, bà Ninh chia sẻ.
Bà Ninh cho biết thêm: “Mắt của tôi bị viêm giác mạc gần 3 năm nay, nhà chẳng có tiền nên không khám chữa gì cả. Hiện mắt tôi chỉ nhìn được một bên mờ mờ. Còn một mắt thì không còn nhìn thấy gì. Người ta có chồng có con khỏe mạnh thì cũng không phải khổ, tôi lấy ông nó, khổ lắm, mãi mới sinh được con, nuôi lớn bằng đầu bằng cổ thì chúng nó giờ như thế này cả. Tôi đau lòng lắm, chỉ biết khóc một mình thôi. Nhiều khi cũng có mong muốn dựng vợ gả chồng cho chúng nó, mà nghĩ đi tính lại, lại làm khổ người ta nên  chúng tôi lại quyết định dừng lại, lo cho các con cho khỏe mạnh thôi”.
Đem hoàn cảnh của bà Ninh trao đổi với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Xuân Loan, cán bộ LĐ,TB&XH xã Phụng Thượng cho biết: “Gia đình bà Ninh quá khổ, nhiều năm nay vẫn thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Nay cả hai đứa con đều mắc bệnh tâm thần bẩm sinh mà chưa có cách nào chữa trị được, chồng thì tàn tật không làm được gì. Nhà cửa xập xệ chưa được sửa chữa mà bà Ninh lại chẳng có công việc ổn định. Chúng tôi ở địa phương đã quan tâm và cũng hỗ trợ được phần nào cho gia đình như: Các ngày lễ, Tết chúng tôi đều quan tâm và tặng quà tới gia đình. Ngoài ra, gia đình cũng được trợ cấp 350.000 đồng/tháng dành cho người khuyết tật, cấp BHYT cho hộ nghèo… Chúng tôi còn đang đề xuất tăng chế độ trợ cấp cho gia đình bà lên 725.000 đồng/tháng/người. Tuy nhiên, sự trợ giúp của chính quyền không đủ mang lại cuộc sống ổn định cho cả gia đình bốn người”.

Nên đọc
Theo Báo Gia đình & Xã hội
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo