Người đàn bà hơn 10 năm bán máu chữa bệnh cho con
Gia đình bất hạnh
Khác với những ngôi nhà khang trang nằm sát đường quốc lộ 1A, ngôi nhà của chị Mai Thị Bảy (44 tuổi), trú khối 8, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) lụp xụp, cũ kỹ. Hôm tôi đến thăm chị, dù đã 12h trưa, ngôi nhà nhỏ vẫn khóa cửa im ỉm. Hỏi người dân xung quanh mới hay, chị đang ở ngoài chợ để cố gắng bán nốt những bó rau cuối cùng. “Khổ thân nó lắm, chồng mắc bệnh rồi chết, để lại nó với hai đứa con nhỏ. Cả nhà ai cũng có bệnh nên của ăn chẳng đủ, lấy đâu tiền xây nhà”- bà Đinh Thị Xuân thở dài ngao ngán khi được tôi hỏi thăm về hoàn cảnh người hàng xóm.
Đầu giờ chiều chị mới về tới nhà với khuôn mặt tái xanh vì giá lạnh. Chị vừa xoa tay, vừa nói run run: “Cách đây mấy ngày, cái Mơ vào thành phố Vinh để thay máu nên chỉ mình tôi ở nhà. Chợ búa dạo này ế ẩm nên hôm nào cũng đầu giờ chiều mới về. Dù vất vả, nhưng thôi thì cứ cố gắng làm việc góp tiền gửi cho thằng đầu đang học đại học và cái Mơ đi thay máu”.
Trò chuyện cùng người viết, chị bảo, cuộc đời chưa bao giờ cho bản thân chị được một ngày vui. Lật lại hồi ức đẫm nước mắt, chị kể, năm 1991, anh Hồ Sĩ Quý phục viên về lập gia đình với chị và sinh được 2 con nhỏ là Hồ Anh Kiệt (SN 1993) và Hồ Thị Hương Mơ (SN 1996). Hạnh phúc chưa được bao lâu thì cháu Hồ Thị Hương Mơ bị bệnh Hbe Pthakisua (tự chảy máu) khi mới lên 3 tuổi. Lúc đầu thấy Mơ có những dấu hiệu khác thường như bụng hơi to, da vàng, gầy gò, hai vợ chồng chị cấp tốc đưa con đi khắp các bệnh viện trong tỉnh Nghệ An điều trị nhưng không tìm ra nguyên nhân. Đến năm 1999, gia đình quyết định đưa cháu ra Bệnh viện Nhi Trung ương, lúc này họ tá hỏa khi phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo. Từ đó cứ hàng tháng, Mơ lại được người nhà đưa ra Hà Nội để thay máu và dùng thuốc thải sắt. “Nhiều lần đến ngày đi thay máu cho con mà trong người không có đồng tiền nào. Thấy con đau đớn, tôi lại làm liều đi vay anh em họ hàng, đến khi không vay được nữa, tôi chấp nhận vay tiền nóng để đưa con đi tái khám cho đúng lịch”, chị Bảy kể chuyện.
Mỗi ngày trôi qua, mặc cho mấy đứa nhỏ dắt díu nhau ở nhà, anh Quý đi làm thuê tối mặt. Ai thuê cái gì anh cũng làm, khổ, nhục đến mấy anh chẳng bận tâm, miễn là kiếm được ít bát gạo nuôi con. Còn chị Bảy, dù mang trên người đủ thứ bệnh như bướu cổ, u vú, xơ thanh quản nhưng vẫn cáng đáng hết công việc gia đình và chăm sóc con. Đôi vai gầy và đôi chân yếu ớt của chị đã mòn mỏi bởi biết bao mùa mưa nắng.
Thế rồi, tai ương cứ từng ngày đổ xuống mái nhà nghèo khó của chị, khi năm 2004, anh Quý mất đi để lại cho chị một nách 2 đứa con nhỏ dại. Đau đớn hơn nữa, bệnh của cháu Mơ không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Mỗi lần thay máu tốn kém từ 5 đến 10 triệu đồng. Suốt hơn 10 năm nay, chị Bảy phải chạy chợ bán bó rau, tần tảo buôn bán nhưng cũng chỉ trang trải đủ tiền xe tàu đi về. “Hơn 20 năm sống trong căn nhà lá xiêu vẹo, mãi đến năm 2006 tôi góp tiền mua được 8 bao xi măng, nhờ đó mới cất được một cái nhà cấp 4, lợp mái. Đến tận bây giờ vẫn chưa một lần tu sửa, dột nát hết cả rồi!” - chị vừa nói, mắt vừa ngước lên căn nhà lụp sụp.
Mẹ bán máu, con dùi mài kinh sử
Chị Bảy kể, thấy con đau đớn vì bệnh tật, chị càng xót thương khi nghĩ đến cảnh chúng phải bỏ học vì gia đình luôn túng quẫn. Một đêm, nằm suy nghĩ mãi, chị chợt nghĩ tại sao mình không đến bệnh viện xin bán máu lấy tiền đóng viện phí cho con. Một buổi sáng chị mượn được chiếc xe đạp, chạy lên bệnh viện rồi khúm núm bước vào phòng bác sỹ đề đạt thẳng nguyện vọng ấy của mình. Người bác sỹ ứa nước mắt khi nghe chị trình bày. Những lần sau đó, chị âm thầm đi làm cái việc ấy, tuyệt nhiên giấu kín không cho con cái biết. Lần bán máu tiếp đó, kết luận của bác sỹ khiến chị hoảng hốt: Chính chị cũng không đủ sức khoẻ và đang mang trong mình có khối u, đồng thời mắc thêm một số bệnh khác. Hy vọng cứu cuộc đời các con như đóng sập lại từ lần đó với chị.
Chị Bảy dàn dụa nước mắt kể: “Tài sản trong nhà không còn gì giá trị trừ duy nhất miếng đất nhỏ nằm sát quốc lộ 1A. Giờ đây, người ta đang có dự án mở rộng đường, nhà tôi cũng coi như bị mất đất, mất nhà. Họ nói sẽ đền bù, nhưng chừng đó tiền làm sao đủ để tôi mua đất, xây nhà mới cho các con ở. Nhưng dẫu có thế nào, tôi cũng sẽ làm tất cả để con cái chúng nó được học hành. Chỉ có học đời chúng mới bớt khổ cực mà thôi!”.
Có nói chuyện của những con người bất hạnh này, tôi mới hiểu được nghị lực và khát khao sống của họ. Chị Bảy dù mang trong mình nhiều bệnh tật, nhưng chưa bao giờ có ý nghĩ buông xuôi. “Giờ mình còn sức khỏe thì cố gắng làm việc, lo cho các con. Tôi muốn trang bị cho con những điều tốt nhất để vào đời vì cuộc đời tôi đã chịu nhiều bất hạnh rồi”.
Đứa con trai đầu của chị dù đang mang trong người căn bệnh hiểm nghèo và viêm gan B nhưng Hồ Anh Kiệt vẫn cố gắng học tập, với hy vọng sau này tìm được công việc, lấy tiền nuôi mẹ và em gái. Hiện, Kiệt đang là sinh viên năm 3 của trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Nói về cậu con trai này, ánh mắt chị Bảy rạng ngời hẳn: “Hôm trước nó mới gọi điện về bảo con đang phấn đấu vào ban lãnh đạo Đoàn của trường. Con sẽ cố gắng hoạt động Đoàn tốt, sau này có thêm cơ hội xin việc để mẹ đỡ vất vả hơn”.
Tôi gặp cô bé Hương Mơ trong Bệnh viện Đa khoa Nghệ An khi cô bé đang chuyền máu. Mặc dù biết mình đang mắc bệnh nặng, nhưng cô bé vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Mơ kể, khoảng một năm trở lại đây, em vào Vinh để truyền máu chứ không phải lặn lội ra Hà Nội nữa vì ở đây đã có khoa Huyết học. Vì không muốn mẹ vất vả nên em tự bắt xe buýt vào bệnh viện. Tại đây, mọi thứ đều do một mình em lo, nhiều hôm mệt quá thì nhờ mấy người chăm sóc bệnh nhân đi mua cơm dùm.
Nói về những dự định tương lai, cô bé tươi cười: “Năm ni em sẽ thi vào trường đại học Lao động và Xã hội, em muốn tìm cho mình một công việc phù hợp để sau này vừa có thời gian đi chữa bệnh, vừa làm việc. Em biết điều đó là khó khăn, nhưng sẽ cố gắng. Anh trai em dù bệnh nhưng vẫn học được, em nghĩ mình cũng làm được”. Nhìn ánh mắt rạng ngời của cô bé đang ngồi trên giường bệnh, tôi tin cô bé sẽ làm được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất