Người dân Lập Thạch thoát nghèo nhờ thanh long ruột đỏ
Lập Thạch là một huyện có địa hình chủ yếu là đồi núi của tỉnh Vĩnh Phúc nên đất đai luôn cằn cỗi. Từ nhiều năm trước, cây trồng chủ lực ở đây là bạch đàn, ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Bởi vậy, cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.
Năm 2010, nhờ sự tham mưu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, người dân tham gia dự án trồng thí điểm 100 ha cây thanh long ruột đỏ tại 3 xã ở huyện Lập Thạch. Trung tâm Khuyến nông và phòng Trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp là 2 đơn vị chính giúp đỡ bà con. Tuy nhiên, thời gian đầu bà con địa phương còn rất dè chừng với giống cây mới này vì họ nghĩ thanh long chỉ hợp với khí hậu, thổ nhưỡng các tỉnh miền trong, báo VnExpress đưa tin.
Nhưng trăm lời thuyết phục cũng không bằng một hành động thực tiễn. Ông Long là một trong những người tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng ở xã Vân Trục. Từ 50 trụ, sau 8 năm, vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông lên tới 700 trụ. Chỉ tính riêng năm 2014, vườn thanh long cho gia đình ông thu nhập khoảng 600 triệu đồng.
Nhiều hộ gia đình ở Vân Trục đã thay đổi cách nghĩ, mạnh dạn phá bỏ những cây trồng không hiệu quả để trồng thanh long. Tốt nghiệp đại học, ra trường không xin được việc làm, anh Lê Văn Yên, quyết định về quê xin đất trồng thanh long.
Chia sẻ với PV TTXVN, anh Yên cho biết, sau một năm chăm bón, vườn thanh long rộng hơn 2 ha của gia đình anh bắt đầu cho những trái ngọt đầu tiên. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chu đáo, cộng với sự ham học, ham đọc, anh Yên đã biến vùng đất đồi khô cằn sỏi đá thành “rừng” thanh long. Anh Yên cho hay, nếu chăm sóc tốt, mỗi ha thanh long sẽ cho thu khoảng 100 triệu đồng.
Nhờ đôi bàn tay cần cù và tinh thần dám phá bỏ lối tư duy cũ kém hiệu quả, người dân huyện Lập Thạch đã phủ xanh những vùng đồi cằn cỗi thành trang trại thanh long sai trĩu quả. Từ đó, thanh long trở thành giống cây trồng xóa đói giảm nghèo chủ lực của địa phương, giúp cuộc sống bà con thêm đủ đầy.
Chủ tịch UBND xã Vân Trục, ông Nguyễn Hữu Trí khẳng định, không có cây thanh long thì vùng quê nông thôn Vân Trục khó mà đổi mới. Toàn xã hiện có hơn 63 ha đất trồng chuyên canh thanh long. Sau 5 năm chuyển đổi đất đồi rừng sang trồng thanh long, thu nhập của người dân tăng lên 21 triệu đồng/người/năm.
Loại cây này đã giúp nông dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu nhanh chóng, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trong huyện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo