Tin tức - Sự kiện

Người dân nô nức đi chơi ngày lễ

Chỉ trong sáng 30-4 có gần 7.000 người tới viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở tỉnh Quảng Bình. Trong khi đó tại Huế, Đà Lạt, Quảng Ngãi... người dân đi chơi lễ 30-4 đông đảo hơn cùng kỳ năm ngoái.

TP.HCM: bến xe, bến phà chật khách

Hàng trăm người dân tập trung chen lấn mua vé xe tại bến xe miền Đông sáng 30-4. Ảnh: Hữu Khoa

Hàng ngàn người từ trung tâm TP đổ về bến phà Cát Lái - Ảnh: Ngọc Ẩn

Tại bến xe Miền Tây (TP.HCM) hàng trăm hành khách phải “đổ mồ hôi” tìm cách mua vé xe về quê. Đến trưa 30-4, bến xe Miền Tây vẫn trong tình hình “cháy” vé xe. Rất đông hành khách ngồi chờ mua vé. Đại diện bến xe miền Tây cho biết bến xe phải tăng cường thêm khoảng 15 chuyến xe buýt để đưa hành khách đi về các tỉnh miền Tây.

Trong khi đó, tại bến xe miền Đông khách bắt tập trung đông từ lúc 5g sáng. Hầu hết các hãng xe thương hiệu do quay đầu xe không kịp nên khách đổ dồn qua các quầy vé ủy thác. Trong khi đó, một số người vẫn ngồi chờ trước các quầy vé xe thương hiệu để đợi nhà xe tăng cường thêm xe, bán thêm vé.

Một số hành khách mua vé của nhà xe Thiên Phú để đi về Vũng Tàu bức xúc vì phải chờ đợi quá lâu. Nhiều người mua vé từ lúc 8g nhưng đến hơn 11g cùng ngày vẫn chưa được lên xe. Càng về trưa, mưa càng nặng hạt nhưng nhiều người vẫn phải đứng chờ đợi.

Trong khi đó, các tuyến xe về tỉnh Tây Ninh tại bến xe An Sương cũng bị cháy vé. Nhiều người dân phải rồng rắn xếp hàng chờ hàng chục phút mới mua được vé.

Do nhiều người dân đi lại bằng xe máy nên các cửa ngõ của TP.HCM cũng bị quá tải. Tại quốc lộ 1, hướng về miền Tây bị ùn ứ cục bộ đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh. Riêng đường vào phà Cát Lái để qua phía Đồng Nai, tình trạng xe máy xếp hàng chờ diễn ra từ khoảng 6g-10g cùng ngày.

Từ 7g sáng 30-4, hàng ngàn người đi xe gắn máy và ôtô từ trung tâm TP đi trên đường Huỳnh Tấn Phát qua cầu Phú Mỹ ra đường Đồng Văn Cống đổ về bến phà Cát Lái. Do lượng người và xe quá đông nên các nhân viên phà phải đi bán vé tận tay khách đang xếp hàng nối dài gần 500m.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - giám đốc Xí nghiệp phà Cát Lái thuộc Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình cầu phà TP cho biết do lượng người và xe đi phà quá đông nên có thời điểm khách phải chờ 20-30 phút mới qua được phà. Dù bến phà đã huy động 9 phà vào chở khách và hầu hết các chuyến phà từ phía bờ Đồng Nai đều phải chạy rỗng về phía bờ TP.HCM để đón khách.

Đến 11g25 cùng ngày lượng khách đi phà mới trở lại bình thường. Có khoảng 80.000 khách đi phà trong ngày 30-4, tăng 30.000 khách so với ngày thường.

Tương tự, người dân đi chơi lễ và những người đi làm ăn ở các địa phương trở về quê nhà Cần Giờ khá đông, trong đó dòng xe ôtô nối dài hơn 1km trên đường Huỳnh Tấn Phát chờ qua phà Bình Khánh. 

Ông Liêu Điền Quang - phó giám đốc phụ trách bến phà Bình khách thuộc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM - cho biết có khoảng 60.000 khách đi phà trong ngày 30-4, tăng 200% lương khách so với ngày thường.

Để giải tỏa lượng hành khách ùn ứ ở bến, xí nghiệp đã huy động 8 phà vào chở khách và hầu hết các chuyến phà từ Cần Giờ phải chạy rỗng về Nhà Bè để rước khách qua phà.

Bến xe Miền Tây “cháy” vé xe ngày 30-4. Ảnh : Hoàng Thạch Vân

Đà Lạt: Ngựa cỏ tranh tài trên đỉnh LangBiang

20 kỵ mã là những chú ngựa cỏ của nông dân quanh khu vực núi LangBiang cùng nhau tham gia tranh tài tại giải đua ngựa dịp nghỉ lễ được Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng tổ chức dưới chân núi khu du lịch LangBiang (xã Lát, huyện Lạc Dương) vào sáng 30-4.

Trong tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả dưới cái nắng đầu xuân, những nài ngựa điều khiển các kỵ mã chạy quanh vòng đua. Khác với ngựa phục vụ du lịch, những kỵ mã này là ngựa cỏ được người dân chăm nuôi để phục vụ nông nghiệp.  “Lần đầu tiên được chứng kiến cảnh đua ngựa. Những gì được thấy rất thích thú, khác xa so với xem qua tivi” – chị Nguyễn Minh Hoài, du khách đến từ Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ.

Chú ngựa ô có tên Jimy do nài ngựa Kra Jan Long điều khiển vượt qua vòng loại và giành giải nhất ở trận đua chung kết.

Vượt dốc băng về đích trong sự reo hò của khán giả. Ảnh: PHAN THÀNH

Huế: Khách đông nhưng vẫn còn phòng

Ngày 30-4, rất đông du khách đổ về tham quan tại nhiều điểm di tích của Huế. Tại Đại nội, hàng trăm khách đoàn ra vào nườm nượp. Hầu hết các lăng tẩm và những ngôi chùa nổi tiếng của Huế như Từ Hiếu, Thiên Mụ… thu hút rất đông khách thập phương.

Trong khi đó, rất nhiều người dân Huế chọn nhiều điểm du lịch sinh thái như suối Voi, suối Nhị Hồ và thác Trượt… ở khu vực chân núi Bạch Mã để tắm mát, thư giãn khiến những khu suối thác này đông nghịt người. Các bãi biển Lăng Cô, Cảnh Dương, Vinh Hiền, Vinh Thanh và Thuận An… cũng rất đông khách đến tắm biển và ăn uống…

Tại các bến xe Phía Bắc và bến xe Phía Nam của TP Huế, người dân lẫn du khách đi lại thưa thớt. Ông Phạm Xuân Sơn, phó tổng giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Quản lý bến xe Thừa Thiên – Huế, cho hay chỉ một số tuyến xe từ Huế đi Hà Tĩnh, Vinh, Quảng Bình và Đà Nẵng, khách có tăng ít so với ngày thường, phần lớn là sinh viên về nhà nghỉ lễ. Ga Huế trong ngày 30-4 lượng khách đến và đi cũng không có sự đột biến nào.

Ông Lê Ngọc Sanh, phó phụ trách phòng nghiệp vụ du lịch – Sở VH-TT&DL Thừa Thiên – Huế, cho biết trong số hơn 7.000 phòng (gần 15.000 giường) phục vụ lưu trú ở Huế, có hơn 11.000 khách đặt chỗ trước trong ngày 30-4 và 1-5. Trong 2 ngày này, các khách sạn từ 2-4 sao gần như kín phòng.

Rất đông du khách tham quan chùa Thiên Mụ trong ngày 30-4. Ảnh: TIẾN LONG

Quảng Bình: 7.000 người viếng mộ Đại tướng sáng 30-4

Ngày 30-4, tỉnh Quảng Bình đón một lượng du khách lớn. Năm nay, điểm đến đầu tiên của du khách khi tới Quảng Bình là nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trung úy Khắc Ngọc Tân Hào, đội trưởng đội bảo vệ khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho biết ngay trong buổi sáng 30-4 có gần 7.000 người tới viếng mộ Đại tướng. “Hôm nay là ngày kỷ niệm chiến thắng, ngày giải phóng miền Nam nên trong dòng người viếng Đại tướng có rất nhiều cựu chiến binh, cựu TNXP từ khắp mọi miền đất nước tìm về dâng hương Đại tướng” - trung uý Hào nói.

Ông Nguyễn Văn Thạch, quê ở Nghệ An, cùng đồng đội vào viếng Đại tướng đã không giấu được xúc động, nói: “Dẫu biết rồi Đại tướng cũng phải ra đi về với tổ tiên, nhưng chúng tôi vẫn không thể không bùi ngùi thương nhớ Người anh cả của quân đội nhân dân VN, của mỗi người lính chúng tôi...”.

Ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, ông Lê Thanh Lợi - giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha - cho biết đến trưa 30-4, trung tâm đón hơn 2.500 người tới động Phong Nha và Tiên Sơn, chưa kể lượng khách tới khu du lịch sinh thái suối Nước Moọc. Trung tâm huy động hết toàn bộ số thuyền gần 400 chiếc để đưa khách vào động. “Dự kiến cả ngày hôm nay sẽ có khoảng 5.000-6.000 người tham quan động Phong Nha, cao nhất so với cùng kỳ dịp lễ này trong những năm qua” - ông Lợi cho biết.

Theo Ban quản lý bãi tắm Nhật Lệ, TP Đồng Hới, lượng khách đến tắm biển tăng vọt, các khách sạn, nhà nghỉ ven biển không còn một chỗ trống. Nhiều đoàn khách chấp nhận trả tiền thuê phòng cao gấp đôi ngày bình thường nhưng vẫn không kiếm được phòng nghỉ. Ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình, cho biết: “Để du khách đến tỉnh được nghỉ ngơi thoải mái và vừa lòng, chúng tôi tăng cường việc kiểm soát và quản lý giá cả thực phẩm, giá thuê phòng nghỉ cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ...”.

Sáng 30-4 có gần 7.000 người tới viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: L.G

Đảo Lý Sơn: du khách tăng vượt dự kiến

Bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết dịp lễ 30-4 và 1-5 dự kiến có khoảng 1.000 du khách ra đảo, nhưng thực tế cho thấy lượng khách ra đảo có thể sẽ tăng gấp 2, 3 lần. Hiện tại đảo Lý Sơn, các nhà nghỉ, khách sạn đều “cháy phòng kín khách”.

Tại cảng Sa Kỳ từ sáng sớm ngày 30-4 có 4 tàu cao tốc vận chuyển gần 1.000 du khách ra đảo Lý Sơn. Một số phương tiện tàu gỗ chở hàng cũng tham gia chở khách.

Ông Đặng Quang Sơn - giám đốc Cảng Sa Kỳ cho biết cảng phân công nhân viên các phòng vé mở cửa sớm hơn thường lệ, tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự. Các phương tiện vận chuyển khách ra đảo Lý Sơn phải hoạt động hết công suất. Ông Dương Quyển, thuyền trưởng tàu cao tốc An Vĩnh 01, cho biết: "Chưa năm nào lượng khách ra đảo lại đông như dịp này. Dự báo những ngày tiếp theo lượng khách ra đảo sẽ còn tăng cao bởi dịp lễ này được nghỉ dài ngày".

Tàu cao tốc chở khách ra đảo Lý sơn dịp lễ 30-4. Ảnh; Văn Mịnh.

Nha Trang: sẽ có cả trăm ngàn du khách dịp lễ

 Sáng 30-4, hàng ngàn du khách từ TP.HCM và các tỉnh đổ về phố biển Nha Trang để tham quan và nghỉ dưỡng. Thời tiết nắng nóng nên các điểm tham quan, vui chơi giải trí gần biển đều kín chỗ.

 Tại bến cảng du lịch Cầu Đá, từ 8g sáng, hàng trăm lượt khách thuê tàu tham quan vịnh Nha Trang. Thống kê sơ bộ của ban quản lý bến cảng du lịch Cầu Đá, khách tham quan tour 4 đảo phía nam vịnh Nha Trang trong 5 ngày lễ ước đạt hơn 22.000 lượt khách.

Anh Phạm Văn Trí, đến từ Tây Ninh, cho biết: “Kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài 5 ngày, thời tiết lại nóng nên gia đình tôi gồm 14 người đã thống nhất đi chơi biển Nha Trang.” Gia đình anh Trí đã thuê tàu với giá 1,4 triệu đồng để tham quan 4 đảo trên vịnh Nha Trang.

Một chiếc tàu du lịch khởi hành tham quan vịnh Nha Trang - Ảnh: Tiến Thành

Ông Đinh Vĩnh Tiền – phó ban quản lý vịnh Nha Trang – cho biết hiện giá vé tàu tham quan các đảo trên vịnh Nha Trang đã được niêm yết công khai tại ban quản lý bến cảng du lịch, do đó du khách dễ dàng tham khảo trước khi quyết định thuê tàu tham quan. Cũng theo ông Tiến: “Trong dịp nghỉ lễ, các chủ tàu chỉ được phép tăng giá vé từ 30-50%. Nếu phát hiện trường hợp chặt chém về giá cả, du khách có thể phản ánh ngay với ban quản lý bến cảng để xử lý kịp thời”. 

Bà Phan Thanh Trúc – phó giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết do dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay liền kề với ngày nghỉ cuối tuần và kéo dài 5 ngày nên lượng khách đến Khánh Hòa du lịch tăng hơn so với năm trước, ước khoảng 100.000 lượt khách. Cũng theo bà Trúc, thống kê ban đầu về bình quân công suất phòng trong 5 ngày lễ (từ 30-4 đến 4-5): đối với nhóm khách sạn từ 3-5 sao công suất bình quân đạt gần 90%, nhóm khách sạn 2 sao công suất bình quân đạt khoảng 85%, nhóm khách sạn từ 1 sao trở xuống đạt công suất bình quân 80%.

Theo Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Khánh Hòa, dự kiến trong 5 ngày nghỉ lễ, nhiều khu du lịch, điểm tham quan, vui chơi giải trí sẽ có lượng khách đến cao, như Suối khoáng nóng Tháp Bà Nha Trang, Suối khoáng nóng Nha Trang I’Resort, Khu du lịch tắm khoáng bùn Trăm Trứng, Khu du lịch Nha Phu – Long Phú, Khu du lịch Dốc Lết và Khu du lịch Vinpearl. 

Vũng Tàu: “Cháy” phòng nghỉ, đường đông nghẹt

Chiều 30-4, Ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu cho biết, trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ dài đã có khoảng 100.000 lượt du khách đến Vũng Tàu.

Bãi Sau, Vũng Tàu đông nghẹt du khách vào chiều 30-4 - Ảnh: Đông Hà

Vỉa hè, công viên ở Bãi Sau, TP Vũng Tàu thành nơi bày biện bữa ăn, nơi nghỉ ngơi của nhiều du khách - Ảnh: Lê Ngân

Đường Thùy Vân (Bãi Sau, TP Vũng Tàu) đông kín xe cộ - Ảnh: Đông Hà

Từ sáng sớm, du khách đã ùn ùn kéo về các bãi tắm, địa điểm du lịch. Do lượng khách ào ào đổ về nên lượng nhà nghỉ, khách sạn ở Vũng Tàu khó thể đáp ứng hết nhu cầu. Một số khách sạn lớn khi được hỏi đều cho biết đã “cháy” phòng.

Trước đó một số chủ nhà nghỉ, khách sạn dùng thủ thuật “găm” phòng, dành cho thuê trong ngày chính lễ để đẩy giá lên cao. Một số khách sạn treo biểu “hết phòng” từ trước nhưng đến ngày 30-4 lại treo biển “còn phòng”. Giá phòng nghỉ ở các khu vực gần bãi biển được đẩy lên 1,5-3 triệu đồng/ngày, trong khi khu vực cách xa bãi biển dao động 900.000-1,3 triệu đồng/ngày.

Rất nhiều du khách đến Vũng Tàu không đặt phòng trước đã không có nơi nghỉ ngơi phải ghé tạm nhà người quen. Nhiều du khách chưa thuê được phòng phải thuê chiếu, bạt nằm la liệt ngoài dưới các hàng cây tránh nắng và nghỉ ngơi.

Đây cũng là thời điểm giá cả của một số dịch vụ du lịch đua nhau tăng giá một cách chóng mặt, nhất là giá các loại nước giải khát tại các bãi biển. 

Đường Thùy Vân, đường 3-2 đã xảy ra ùn ứ cục bộ. Đến giờ 17g 30 cùng ngày, đường Thùy Vân vẫn kẹt cứng xe cộ.

Thanh Hóa: Hàng chục nghìn người đổ về các bãi biển

Hàng chục nghìn người khắp nơi đổ về các bãi biển Sầm Sơn (thị xã Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) để “xả hơi”, tắm mát, bắt đầu ngày nghỉ đầu tiên trong chuỗi năm ngày nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5. Đây là dịp ngành du lịch xứ Thanh đón số lượng lớn du khách trong năm.

Bảng niêm yết giá các loại dịch vụ, hàng hóa vừa được UBND thị xã Sầm Sơn treo công khai tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: Hà Đồng

Ghi nhận tại bãi biển Sầm Sơn, lượng du khách đến bãi biển vào dịp nghỉ lễ năm nay cao hơn năm ngoái. Hơn chục nghìn du khách xuống tắm đông nghịt tại các bãi tắm A, B, C của Sầm Sơn.

Ngay từ đầu mùa du lịch hè Sầm Sơn 2014, UBND thị xã đã treo các biển panô lớn ghi các quy định trên bãi biển, số điện thoại đường dây “nóng” của chủ tịch UBND thị xã, trưởng Công an thị xã; bảng niêm yết giá các loại hàng hóa, dịch vụ tại thị xã, để công khai, minh bạch cho du khách được biết khi đến với Sầm Sơn.

Anh Nguyễn Văn Hùng (một du khách ở huyện Thiệu Hóa đi du lịch cùng gia đình) cho biết năm nay thị xã Sầm Sơn có nhiều đổi mới, đường xá đi lại rộng thoáng hơn. Thị xã bố trí nhiều bãi đỗ xe rộng, thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Đặc biệt, giá cả các loại dịch vụ du lịch ở Sầm Sơn được niêm yết, công khai tại bãi biển, nơi công cộng, tại các nhà hàng, khách sạn, để du khách được biết, thoải mái lựa chọn.

Một lãnh đạo UBND thị xã Sầm Sơn khẳng định, mọi ý kiến, thắc mắc, phản ảnh của du khách về dịch vụ, phong cách phục vụ, giá cả hàng hóa… khi đến với Sầm Sơn thông qua số điện thoại đường dây “nóng” của lãnh đạo thị xã, trưởng Công an thị xã niêm yết công khai trên panô ở bãi biển, đều được lãnh đạo thị xã giải quyết nhanh chóng, kịp thời, bảo vệ quyền lợi du khách.

Đêm 1-5, lễ khai trương mùa du lịch “Hè Sầm Sơn - 2014” sẽ diễn ra tại sân khấu ngoài trời cạnh bãi biển, với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo