Người giữ “lửa” Saigon Co.op
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op, là lãnh đạo thế hệ thứ ba của Saigon Co.op, nhưng giai đoạn bà giữ vai trò quản trị đơn vị đã tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ cả trong nước lẫn dự án hợp tác quốc tế của Saigon Co.op.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op
1. Xuất thân là cán bộ đoàn, từng là người sáng lập phong trào “mưu sinh lập nghiệp” nổi tiếng của Thành đoàn TP.HCM và sau này là một trong những cán bộ nòng cốt hình thành Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM - một tổ chức doanh nhân mạnh về lực lượng lẫn trong đầu tư - kinh doanh của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, đến khi giữ trọng trách Tổng giám đốc của Saigon Co.op, bà vẫn không xuất hiện trước báo giới và luôn từ chối khéo khi có ai đó đề cập viết về mình.
“Mượn cớ” phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thực hiện nội dung cho Đặc san kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, tôi mới có cơ hội tiếp cận bà. Ẩn sau dáng vẻ tầm thước, nhu mì với lối nói chuyện nhỏ nhẹ là người phụ nữ cương trực, quyết đoán, nhưng cũng rất tình cảm. Vậy mà, phải mãi đến gặp thứ hai, bà mới trải lòng mình.
“Thông thường, các lãnh đạo xuất thân cán bộ đoàn đều rất năng động, hoạt bát…”. Hiểu nhanh ý người đối thoại, bà từ tốn: “Lửa cán bộ đoàn không bao giờ tắt trong huyết quản của tôi. Nhưng Saigon Co.op là một đơn vị kinh tế tập thể, nên mục tiêu hoạt động rất rộng, mang tính cộng đồng. Chúng tôi vẫn duy trì các tiêu chí hoạt động của đoàn trong Saigon Co.op. Nghĩa là làm việc gì cũng phải nghĩ đến cộng đồng trước khi nghĩ đến mình”.
Có lẽ chính nhờ vậy, Saigon Co.op là siêu thị duy nhất luôn gắn lợi ích, hoạt động của mình với cộng đồng bằng các chương trình rất thiết thực như mở cửa sớm, đóng cửa muộn vào dịp Tết và những ngày cận Tết, với nguyên tắc phục vụ khách hàng là trên hết. Đây chính là “di sản” được thừa hưởng từ phong trào hợp tác xã và trở thành một nét văn hóa kinh doanh riêng của Saigon Co.op. Đó cũng chính là điều khác biệt tạo nên thành công của Saigon Co.op hôm nay.
Tuy nhiên, làm được điều này không phải dễ, vì muốn vậy, cán bộ của Saigon Co.op phải đi sớm, về trễ, phải làm việc nhiều hơn những siêu thị khác và phải “hy sinh” bản thân nhiều hơn. Làm sao có thể thuyết phục và giữ lửa nhiệt huyết của nhân viên trong lúc kinh tế khó khăn? “Nguyên tắc là lãnh đạo nói được phải làm được. Để có thể giữ lửa, truyền nhiệt huyết cho cán bộ, nhân viên, thì người điều hành phải luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi hoạt động”, bà trả lời.
Điều này với người khác có thể là vấn đề, nhưng với những cán bộ đoàn có “máu xông pha” như bà lại là điều dễ dàng. “Tôi đã từng ở những vị trí khác nhau, nên thấu hiểu được suy nghĩ của người lao động. Do vậy, mình phải luôn đi đầu trong mọi phong trào, quyết tâm làm tới cùng và tạo động lực cho cán bộ nhân viên để họ có thể cống hiến, gắn bó với Công ty như với mái nhà của mình”, bà tâm sự.
Bà bảo, Saigon Co.op là một tập thể đầy nhiệt huyết, công việc của bà là tạo điều kiện để anh em phát huy hết khả năng, năng lực của mình cho công việc. Ở Saigon Co.op, thành quả là của tập thể. Ngay cả khi gặp khó khăn, cả tập thể đều cùng tìm hiểu, sẻ chia và hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.
“Liệu đây có phải là bí quyết điều hành của bà?”. Bà lắc đầu: “Tôi chỉ học hỏi từ những người đi trước và những mô hình tương tự đang thành công ở nước ngoài”.
2. Một trong những vấn đề sống còn của doanh nghiệp ngành bán lẻ là nguồn nhân lực. “Saigon Co.op làm gì để giữ chân người tài trong khi các đối thủ dạn dày kinh nghiệm và sẵn sàng trả lương cao để giành người”?”. Bà không ngần ngại: “Chúng tôi có những chính sách riêng để giữ người”.
Nếu như các doanh nghiệp cổ phần hay đã lên sàn giữ chân người tài bằng cổ phiếu ưu đãi, thì Saigon Co.op lại dùng chính sách về đào tạo, quỹ lương thâm niên, quỹ đãi ngộ cơ hội thăng tiến... Theo đó, ngoài chế độ lương, thưởng trong năm, thì mỗi năm, người lao động gắn bó với Saigon Co.op từ 10 năm trở lên còn được hưởng thêm 1 tháng lương thâm niên chuyển vào tài khoản ngân hàng.
Tương tự, người lao động được hưởng thêm nửa tháng lương được chuyển vào tài khoản lương đãi ngộ để đến khi nghỉ hưu, họ sẽ được hưởng quyền lợi này. Và như vậy, những người gắn bó với Saigon Co.op sẽ có một khoản lương tích lũy khá lớn cho sự cống hiến của mình.
Bà xác định, nhân lực là vấn đề sống còn đối với Saigon Co.op. Do vậy, bà đặc biệt chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng các bạn trẻ về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ. Phẩm chất quan trọng nhất của lãnh đạo phải là “bệ đỡ” cho nhân viên bước lên và có môi trường để phát huy, để thi thố.
Sau khi khảo sát thị trường, nắm bắt nhu cầu, học hỏi mô hình của các đại gia bán lẻ lớn trên thế giới, bà đã trở thành “giảng viên” chính trong các buổi đào tạo lại cho đội ngũ nhân viên của mình. Nếu như trước kia làm cán bộ đoàn phải truyền lửa cho đoàn viên, thì bây giờ lãnh đạo, phải truyền lửa để mọi người tin là có thể làm được và Saigon Co.op sẽ cạnh tranh được với các thương hiệu lớn khác, nếu biết cách đi đúng.
3 Trong bối cạnh thị trường bán lẻ cạnh tranh ngày càng gay gắt, với sự xuất hiện của nhiều “đại gia” lớn về thương hiệu, tiềm lực tài chính từ nước ngoài, thì việc chọn lối đi riêng để có thể phát triển, cạnh tranh và mở rộng phạm vi hoạt động chính là trăn trở của lãnh đạo Saigon Co.op, trong đó có nữ Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hạnh.
Bà trầm ngâm: “Câu hỏi lớn nhất với chúng tôi là chọn mô hình nào cho Saigon Co.op?”. Nếu trước đây, đối tượng phục vụ chính là người có thu nhập trung bình, giới bình dân, thì bây giờ Saigon Co.op có đủ sức để “đặt chân” vào lĩnh vực thương mại, bán lẻ với đối tượng thu nhập trung bình khá trở lên. “Câu trả lời chỉ có nếu ai đó chịu khó đi tìm”, bà trả lời.
Để có thể tìm ra lối đi cho Saigon Co.op, bà đã mất rất nhiều thời gian tự học, tìm đến đặt hàng các công ty quốc tế chuyên về khảo sát thị trường uy tín. “Làm cán bộ đoàn quan trọng nhất là nhiệt huyết, nhưng kinh doanh thì đòi hỏi phải có kiến thức, không thể làm liều, vì sau mình còn hàng ngàn lao động và gia đình họ đang trông đợi vào họ mỗi ngày”, bà luôn tâm niệm điều này.
Hiện nay, Saigon Co.op đang ở giai đoạn gần hoàn chỉnh một đơn vị bán lẻ hiện đại theo xu hướng phát triển của thế giới. Đến nay, Saigon Co.op đã có đủ các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đại siêu thị thông qua hợp tác với đối tác Singapore. Mới đây, Saigon Co.op vừa công bố mô hình kinh doanh mới có tên gọi là Trung tâm Thương mại Sense City, với vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng chưa tính giá trị hàng hóa trên 100 tỷ đồng.
Sense City được khai trương vào ngày 20/1/2014 tại số 1 Đại lộ Hòa Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ với diện tích trên 22.000 m2, gồm 4 tầng mua sắm, giải trí và 1 tầng hầm giữ xe. Sứ mệnh của bà Hạnh cùng các đồng sự bây giờ là phải đưa trung tâm này trở thành chuỗi trung tâm thương mại hiện đại, thỏa mãn đối tượng khách hàng có mức thu nhập trung bình khá.
“Sở trường của Saigon Co.op là siêu thị, trong khi đó những mô hình đại siêu thị, trung tâm thương mại đã có rất nhiều. Vậy bà xác định đâu là lợi thế cạnh tranh của Saigon Co.op so với các đối thủ đã xuất hiện trước?”.
Trả lời câu hỏi này, bà cho biết, những mô hình này có sự liên kết với nhau, chỉ là sự phát triển cao hơn, từ siêu thị lên đại siêu thị, rồi trung tâm thương mại. Khi phát triển lên mô hình cao hơn, Saigon Co.op đã có sẵn lợi thế về hệ thống, chỉ cần phát triển, đa dạng hóa các mặt hàng và có sự kết nối, tiếp nối với những gì đang làm.
“Việc phát triển những mô hình mới giúp Sài Gòn Co.op có thêm lợi thế cạnh tranh về sức mua, khai thác hàng hóa tốt hơn, giá cạnh tranh hơn. Riêng mô hình trung tâm thương mại chỉ khác là khai thác bất động sản thương mại và nhờ có đối tác tin cậy, kinh nghiệm, chúng tôi hy vọng sẽ thành công và mô hình này sẽ đưa Saigon Co.op phát triển lên một bước mới”, bà tuyên bố chắc nịch.
Theo dddn.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo