Người Hà Nội ăn rau sạch từ sàn giao dịch
Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, người chấp bút cho ý tưởng này cho biết:
Tôi đã chấp bút viết và hàng chục lần trình lên HĐND Thành phố Hà Nội đề án nghiên cứu tổng thể Rau an toàn, xây dựng một chương trình riêng cho Rau an toàn từ năm 2009 - 2015.
Theo đó, sẽ hình thành vùng sản xuất tập trung và lâu dài. Muốn vậy, cần đầu tư đường nội đồng, hệ thống tưới tiêu, thủy lợi, v.v.. Đáng mừng là đề án nhận được sự ủng hộ cao của thành phố với vốn đầu tư 250 triệu đồng/ha.
Hiện có 30 dự án đã được lập và đang trình thành phố, giao cho các huyện làm chủ đầu tư, trong đó có 10 dự án đã được duyệt và đang trong quá trình thi công.
“Sàn giao dịch Rau an toàn” ra đời năm 2011, là một trong những đề mục thuộc đề án này. Vai trò của sàn là giới thiệu vùng nguyên liệu Rau an toàn đạt chuẩn cho các doanh nghiệp.
Trước đây, không có sàn này, doanh nghiệp kinh doanh rau thường phải tự đi tìm các đầu mối cung cấp rau, tự sơ chế, đóng gói rồi phân phối qua kênh cửa hàng, siêu thị, website.
Nay họ chỉ cần thông qua sàn để giao dịch với 25 vùng nguyên liệu được giới thiệu trên sàn. Đây là những vùng Rau an toàn chuẩn đã được Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội kiểm soát, chứng nhận và cấp tem Rau an toàn.
Tại sao phải có sàn giao dịch này khi mà Hà Nội từng xây dựng nhiều chuỗi cửa hàng Rau an toàn trên khắp thành phố?
Đúng là chúng tôi đã xây dựng mạng lưới cửa hàng Rau an toàn nội thành từ những năm 2000 - 2012 để đáp ứng nhu cầu Rau an toàn rất lớn của Hà Nội, nhất là sau khi Hà Nội được mở rộng.
Ông Nguyễn Hồng Anh
Tuy nhiên, nhiều cửa hàng chết yểu sau 1 thời gian hoạt động vì chi phí thuê cửa hàng và thuê người bán cao. Có địa điểm 10m2 mà phải chi hơn 10 triệu đồng/tháng, đẩy giá rau tăng cao. Hơn nữa, giá trị rau thấp nhưng nếu điều tiết không khéo thì “rau thành rác”, cuối ngày mà ế khoảng 30% là chết.
Dù thành phố rất quan tâm và đã hỗ trợ 2 triệu đồng/cửa hàng/tháng đồng thời hỗ trợ về mặt thủ tục nhưng hiện chỉ có 58 cửa hàng đạt tiêu chuẩn cửa hàng Rau an toàn của thành phố còn sống sót. Do đó, cùng với một số doanh nghiệp quan tâm tới Rau an toàn, chúng tôi đã hàng chục lần cùng ngồi, bàn bạc, và cuối cùng cho ra đời mô hình điểm phân phối Rau an toàn tại hộ dân cư, với vai trò rất lớn của sàn giao dịch Rau an toàn.
Ban đầu, cán bộ chi cục phải tới khu dân cư vận động mở điểm Rau an toàn. Thông qua tổ dân phố, hội phụ nữ, khu đó sẽ tự bầu ra nhóm trưởng. Sau đó chi cục sẽ tới tận nơi cắm biển. Trên biển có địa chỉ, logo của chi cục và sàn giao dịch, số điện thoại. Dân trong khu sẽ đăng ký mua rau theo phiếu tại nhà của trưởng nhóm.
Ăn loại nào, số lượng bao nhiêu, giờ nào giao rau là thích hợp. Sau đó trưởng nhóm có nhiệm vụ thu gom các phiếu này và thông báo tới sàn giao dịch rau. Sàn giao dịch sẽ báo cho 25 hợp tác xã nói trên và giao rau 2 – 3 lần/tuần cho mỗi điểm tùy theo nhu cầu. Mỗi trưởng nhóm được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng từ ngân sách thành phố, đủ cho gia đình mua Rau an toàn ăn trong 1 tháng!
Ưu điểm của mô hình này là không tốn địa điểm thuê cửa hàng nên giá rau rẻ ngang rau bán ở chợ và đảm bảo chất lượng vì nguồn rau là 25 hợp tác xã Rau an toàn nằm dưới sự kiểm soát của chi cục.
Vẫn còn nhiều người phản ánh họ nghe nói có mô hình giao rau tận nhà mà không biết mua ở đâu?
Mới thí điểm nên chúng tôi chỉ có 37 điểm Rau an toàn tại khu dân cư. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai hiệu quả, tới nay đã có thêm 300 điểm đăng ký. Lãnh đạo thành phố Hà Nội rất ủng hộ mô hình này. Tinh thần là quản lý theo chuỗi thay vì quản lý phân khúc như trước kia Mục tiêu là đến năm 2015 Hà Nội có 5.500 ha Rau an toàn. Trong năm 2013 đã hình thành được 3.800 ha Rau an toàn, dự kiến năm 2015 sẽ xây dựng 4.500 ha Rau an toàn, vượt chỉ tiêu đề ra.
Có ý kiến cho rằng ngay cả những vùng trồng Rau an toàn vẫn có hiện tượng người trồng dành riêng một ruộng rau cho nhà ăn…
Nếu nói như vậy 1 năm trước đây thì đúng. Trước đây Mê Linh và một số vùng trồng rau nhỏ lẻ vẫn có hiện tượng người nông dân trồng rau bán một ruộng, còn trồng rau nhà ăn một ruộng riêng. Nay qua khảo sát của chúng tôi và qua vận động bà con trồng rau, cơ bản hiện tượng này đã không còn nữa. Nếu phát hiện nhà nào còn có ruộng rau riêng cho gia đình thì sẽ báo chính quyền phường để có biện pháp xử lý.
Cảm ơn ông!
Bác Vũ Thị Loan, trưởng nhóm phân phối rau sạch tại số nhà 65 ngách 152 ngõ Xã Đàn 2 phường Nam Đồng cho biết: “Từ ngày có điểm Rau an toàn này, khu phố rất phấn khởi. Mỗi ngày tôi giao đến 2 tạ rau. Người ta đến lấy rau xếp hàng từ 6h sáng, nhưng cũng có người đi làm tới 8h30 tối mới qua lấy. Ai cũng nói là rất tiện lợi, không phải rẽ qua siêu thị mới có rau ăn, giá lại rẻ hơn hẳn. Có 13.000 đ/kg cà chua, 10.000 đ/kg đỗ tương... ngang với ở chợ! Nhà tôi từ ngày được cắm biển “điểm phân phối Rau an toàn” cũng được ăn rau sạch thường xuyên”.
Thảo Nguyên (Theo TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'