Người Iran ở Mỹ bị định kiến
Trên chính trường, Mỹ và Iran coi nhau như kẻ thù. Thế nhưng, ít ai biết ở Mỹ có một cộng đồng người Iran khá đông và được coi là lớn nhất bên ngoài đất nước Iran. Đó là Tehrangeles (còn gọi là Tiểu Ba Tư), nằm ngay giữa trung tâm thành phố Los Angeles, bang California. Gần đây, bản đồ Google đã ghi nhận khu vực này.
Đông đúc và thành đạt
Đài BBC ước tính hiện có khoảng 300.000 - 500.000 người Iran ở Nam California, trong đó nhiều người sống tập trung ở Tehrangeles. Mahdis Keshavarz, điều hành một cơ quan PR ở Los Angeles, nhấn mạnh: “Đừng tham gia bất cứ cuộc tán gẫu nào với người Iran nếu không biết nói tiếng của họ vì mọi người ở đây đều nói thứ tiếng Farsi (còn gọi là Persian)”. Thực ra, nhiều cư dân Los Angeles đã đăng ký theo học các lớp dạy tiếng Farsi để có thể lọt vào mắt các doanh nhân Iran.
Amy Malek, tiến sĩ tại Đại học California ở Los Angeles, kể: “Tôi đến Los Angeles lần đầu tiên khi còn là sinh viên. Lúc đến trường đại học và nghe một giọng ai đó nói tiếng Farsi, tôi ngạc nhiên quay lại. Cô gái ấy nhìn tôi từ đầu đến chân như thể muốn nói chẳng có gì lạ lẫm đâu. Đó cũng là lúc tôi nhận ra có nhiều người Iran ở đây”.
Người Iran tập trung nhiều nhất ở đại lộ Westwood, nơi hầu hết cửa hàng đều có bảng hiệu bằng tiếng Farsi và phần đông đều nói tiếng Farsi. Gần kề chỗ này là thành phố Beverly Hills giàu có, nơi 20% dân số có nguồn gốc Iran và là nơi người Mỹ gốc Iran Jimmy Jamshid Delshad từng làm thị trưởng vào các năm 2007 và 2010.
Gần 40% học sinh tại Trường Trung học Beverly Hills là người Iran. Hơn nữa, người Iran là một trong những nhóm dân nhập cư có trình độ học vấn tốt nhất ở Mỹ và nhiều người trong số họ trở thành những doanh nhân thành đạt. Chẳng hạn, doanh nhân Farhad Mohit đã hình thành website mua sắm bizrate.com khi còn đang học trong trường kinh doanh và sau này đã bán lại với giá hàng triệu USD. Một người Iran khác đã thành lập website mua sắm và đấu giá trực tuyến eBay; giám đốc điều hành YouTube hiện nay cũng là người Iran.
Giũ bỏ hình ảnh khủng bố
Những người Iran nhập cư đến Los Angeles vào các thập niên 1960-1970. Nhiều người trong số họ chưa từng mong đợi sẽ ở lại nơi đây lâu dài. Nhà văn - phát thanh viên Homa Sarshar kể: “Chúng tôi từng nói với nhau đừng vội bày đồ đạc ra tại nơi ở mới vì một ngày nào đó, mọi chuyện sẽ thay đổi và chúng tôi sẽ hồi hương. Thế nhưng, từ đó đến nay đã 32 năm, chúng tôi vẫn còn ở đây”. Sau đó, nhiều người đã đến để đoàn tụ với gia đình.
Thực tế là người Mỹ vẫn thường biểu tình kêu gọi người Iran về quê nhà của họ. Một người tâm sự: “Trước đây, tôi đã phải đổi tên khi đi học đại học”. Người Iran ở Mỹ vẫn không ngừng đấu tranh để giũ bỏ hình ảnh khủng bố bị gán cho mình. “Do định kiến, người Iran thường nhận mình là người Ý hoặc Hy Lạp. Toàn bộ hình ảnh về Iran ở đây đều tiêu cực. Nếu anh nói “Tôi là người Iran”, có vẻ như người ta sẽ nghĩ rằng anh đang làm giàu urani trong garage nhà mình” - Tiến sĩ Amy Malek xác nhận. Cứ mỗi lần căng thẳng bùng lên giữa 2 chính phủ, cộng đồng người Iran ở Mỹ lại lo ngại bóng ma định kiến sẽ tái xuất hiện.
Tuy nhiên, một người Mỹ trẻ gốc Iran - đã đến Mỹ vào thập kỷ 1980 - nhận định: “Người Mỹ tốt bụng, họ chỉ không thoải mái với những gì họ chưa hiểu thôi. Los Angeles giống như thiên đường an toàn của chúng tôi”.
Trần Anh (Theo NLĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo