Người lao động đang bào mòn lưới an sinh xã hội?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là bộ phận lớn nhất trong hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, 4 năm qua có khoảng 2,5 triệu người xin lĩnh BHXH một lần. Riêng năm 2016, có 665.000 người và dự kiến năm 2017 là 690.000 lĩnh BHXH một lần.
Làm việc trong một công ty dược và có 15 năm đóng BHXH, nhưng chị Nguyễn Minh Vân (Hà Đông - Hà Nội) đang làm thủ tục để hưởng BHXH một lần. Chị cho biết, để hưởng lương hưu chị phải chờ thêm 7 năm nữa, trong khi trước mắt gia đình chị rất cần tiền.
Chưa kể, chị cũng lo lắng, nếu về hưu trước tuổi nhiều năm, tỷ lệ hưởng sẽ không cao, khi đó số tiền hưu ít ỏi mỗi tháng không “đánh đu” nổi với vật giá có thể leo thang mỗi ngày. Tương tự, anh Trần Văn Trọng, công nhân da giày ở Đông Anh (Hà Nội) cũng làm thủ tục xin hưởng BHXH một lần, lĩnh gần 50 triệu cho 12 năm đóng BHXH.
Anh dùng số tiền đó sửa sang nhà cửa, mua một ít con giống về chăn nuôi, để dành một ít tiền cho con đi học. Thực tế, không chỉ có chị Vân, anh Trọng muốn nhận tiền “một cục” sau khi nghỉ hưu, số liệu thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy con số này đã lên đến gần 537.000 người lao động.
Lo ngại về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Thanh Hải bày tỏ, người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần phải hết sức cân nhắc. Vì suy cho cùng, các chính sách của Nhà nước đều hướng đến mục đích là đảm bảo quyền lợi cho người lao động, báo Đại biểu nhân dân đưa tin.
Với những thực trạng trên, nên việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH lâu nay rất khó khăn. Theo Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH), số lao động thuộc khu vực chính thức (có quan hệ lao động, tiền lương) mới chiếm 41%, còn 59% lao động vẫn nằm trong khu vực phi chính thức. Trong khi đó, mỗi năm chỉ có khoảng 2% lao động gia nhập thị trường lao động chính thức. Với tốc độ phát triển như vậy, đến năm 2020, số lao động trong khu vực chính thức (khối có tiền lương) vẫn chưa đạt đủ tỷ lệ 50%.
Trong khi đó, số lao động hưởng chế độ BHXH một lần, tức rút khỏi hệ thống BHXH cũng rất lớn. “Ghi nhận 6 tháng đầu năm có gần 40.000 người hưởng chế độ một lần. Điều này cho thấy số người tham gia mới không bù đắp số người rút ra. Bên cạnh đó, theo báo cáo một số tỉnh thành phố có tỷ lệ bao phủ BHXH đạt dưới 10%, vì vậy đến mục tiêu đạt 50% số lao động tham gia BHXH vào năm 2020 là thách thức rất lớn”, đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội cho biết.
Cũng theo đại diện này, thực trạng trên nếu không được giải quyết sớm, sẽ dẫn tới nguy cơ “vỡ” quỹ BHXH (do thu không đủ chi), cũng có nghĩa là thủng lưới an sinh xã hội.
Bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Light cho biết: “Trên cơ sở dự báo về dân số, mức đóng, mức hưởng lương hưu hiện tại đang áp dụng thì hiện tại nguồn thu cho hưu trí, tử tuất sẽ ở mức thu bằng chi. Theo tính toán, nếu không mở rộng đối tượng tham gia BHXH thì khoảng tới năm 2037 Quỹ BHXH sẽ cạn. Do đó, chính sách BHXH hướng tới tăng diện đối tượng tham gia BHXH, trong đó hướng tới đối tượng lao động phi chính thức, lao động tự do. Đồng thời chính sách BHXH cũng điều chỉnh theo hướng đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều”, báo Tin tức đưa tin.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc