Người mẹ dành cuối đời thực hiện tâm nguyện của đứa con lầm lỡ
5h30, khi nhiều gia đình còn chưa thức giấc, bà Lê Kim Chung (63 tuổi) đã bắt đầu công việc tại chốt bảo vệ khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh (TP HCM). Đã 7 năm nay, dù nắng hay mưa, bà con ở đây vẫn thấy người đàn bà với những bước đi nhanh nhẹn tuần tra dọc ngang mọi ngõ ngách. Đến đâu bà cũng cẩn thận nhắc nhở mọi người từ việc vệ sinh đường phố đến cảnh giác với tội phạm.
Bà Chung trông trẻ hơn tuổi, nét mặt sắc sảo, giọng hào sảng nhưng đầy thân thiện. Đằng sau vẻ rắn rỏi từng trải của bà là cả cuộc đời đầy nước mắt.
Thất lạc gia đình trong chiến tranh, 11 tuổi bà Chung làm con nuôi cho hộ bán bún ở Hà Nội. Hơn 20 tuổi bà thoát cảnh cơ cực khi trở thành diễn viên xiếc, biết chơi một số nhạc cụ và chuyển vào TP HCM sinh sống.
Chồng liên tục đi công tác, mình bà quán xuyến việc nhà, nhận dạy đàn, làm huấn luyện viên xiếc để kiếm tiền lo cho hai con trai ăn học. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi chồng bà không may bạo bệnh rồi qua đời. Nhưng nhìn hai con mỗi ngày một lớn, ngoan ngoãn và hiếu thảo, bà lấy đó làm động lực phấn đấu.
Khi kinh tế gia đình được cải thiện, bà tưởng ba mẹ con sẽ sống thoải mái hơn nhưng một lần nữa tai họa ập đến. Thời điểm đó, quận Bình Thạnh là "vùng trũng" của tệ nạn ma túy, con trai lớn của bà sa vào con đường nghiện ngập khi mới 15 tuổi.
"Hồi đó ở đây có mấy cái cầu cá tra, tụi nó hay ra hút ma túy, tôi đi làm suốt đâu có biết con mình bị mấy đứa bán 'hàng' dụ dỗ. Lúc phát hiện thì đã muộn mất rồi, đến giờ tôi vẫn ân hận", bà Chung nói, giọng buồn rượi.
Chuỗi ngày cùng con cai nghiện kéo dài suốt 10 năm, bà bỏ việc chuyển về làm ở nhà để tiện chăm sóc, giám sát. Mỗi lần chứng kiến con vật vã, rồi tái nghiện, lòng người mẹ đau như cắt nhưng bất lực không thể làm gì. Về sau con bà nhiễm HIV.
"Nó vốn không phải thằng hư hỏng. Nó muốn làm người tốt, từng giúp công an phá án… nhưng cuối cùng vẫn không thể bỏ được ma túy. Lúc hấp hối nó cầm chặt tay tôi, xin lỗi. Nó bảo 'mẹ nói với những người trẻ như con đừng dính vào ma túy, mất tất cả'", bà Chung nghẹn lời khi nói về lý do bắt đầu cuộc hành trình chống tội phạm ma túy theo tâm nguyện của con.
''Má Chung'' của những người lầm lỡ
Bà Chung được người dân tin tưởng bầu làm tổ trưởng khu phố có 46 hộ từ hơn 10 năm trước. Bà cũng xin làm bảo vệ dân phố để góp phần giữ gìn an ninh khu phố nhưng không được đồng ý vì là phụ nữ. Dần dần, thấy bà luôn thể hiện quyết tâm "rất máu" với công việc này nên được kết nạp vào đội. Bà nhiều lần tham gia bắt tận tay các cuộc mua bán ma túy, trộm cướp trong khu vực...
Thấm thía nỗi đau do ma túy gây ra, bà làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Lá Chắn gồm những bà mẹ có con bị nghiện, chia sẻ kinh nghiệm, cùng quyết tâm ngăn chặn tệ nạn này lan rộng. Lúc đầu, họ thường xuyên gặp phải những ánh mắt né tránh, thái độ thiếu hợp tác của gia đình người nghiện bởi chẳng ai muốn người khác biết chuyện không hay của mình.
"Hơn ai hết tôi hiểu được nỗi đau mà ma túy gây ra, nên không muốn thấy ai phải khổ sở như mình. Tôi kể họ nghe về những gì bản thân trải qua. Dần dần họ tin tưởng, nhờ tôi giúp đỡ khuyên nhủ con cái bị nghiện", bà Chung kể.
Bà còn nhớ như in hồi tháng 8/2015 tìm đến căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, nơi anh Nhật (nghiện ma túy) sống cùng người mẹ bệnh tật. Bước vào trong, bà chết lặng khi thấy người mẹ già đang thoi thóp trên chiếc giường cũ kĩ, bên cạnh là đứa con trai dặt dẹo. "Trước khi nhắm mắt chị ấy nắm chặt tay tôi, trăn trối 'chị đừng bỏ nó, xin chị hãy thương nó như con'. Đến giờ tôi vẫn không thể quên hình ảnh đau xót ấy", bà chia sẻ.
Câu lạc bộ của bà lúc cao điểm có 50 người tham gia, cảm hoá nhiều thanh niên địa phương đi cai nghiện. Không riêng gì anh Nhật, với những thanh niên lầm lỡ khác bà cũng xem họ như con. Ai cho cái gì, hay xin được gì, bà đều mang về cho người bị nhiễm HIV, tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện… để họ có động lực vì còn được quan tâm. Tất cả đều gọi bà bằng "má".
Anh Nhật gầy yếu vì ma túy ngày nào nay đã cai nghiện và trở lại cuộc sống bình thường. Nhắc đến bà Chung, anh cười tươi: "Má tốt lắm. Má hay sang thăm và cho tôi gạo mắm, rồi dặn dò, rồi động viên. Có lần tôi tái nghiện, má nói 'tao không muốn nhìn tụi bay chết. Má không còn nước mắt để khóc tụi bay nữa, cuộc đời má đã đủ buồn lắm rồi'. Tôi cảm nhận được tình yêu thương của má, quyết tâm làm lại cuộc đời".
Niềm vui tuổi xế chiều
Ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi, song bà Chung vẫn miệt mài "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Vì lo lắng cho mẹ mà người con còn lại không ủng hộ công việc của bà. Không muốn làm khó con, bà rời đến căn nhà chưa đến 10 m2 sống một mình, cống hiến những ngày cuối đời cho xã hội. Chi tiêu cá nhân mỗi tháng không đáng là bao nên thu nhập từ việc cho thuê căn nhà lớn bà dành phần lớn cho từ thiện.
Bà hài lòng với cuộc sống hiện tại khi được hàng xóm chia sẻ, giúp đỡ, nhưng tận sâu trong tâm khảm vẫn không nguôi nghĩ đến đứa con một đời lầm lỡ. Nỗi nhớ ấy, bà trút vào những ý thơ trong những đêm không ngủ. Bài ngắn, bài dài, bà viết mãi nên giờ đã thành cả tập thơ.
Từ ngày con vội ra đi
Góc bàn thờ nơi hũ cốt của con
Ảnh con và ảnh của ba
Để nhìn ra cửa coi nhà nha con
Đêm về mẹ ngủ gần con
Mẹ nằm dưới đất, sát chân bàn thờ
Mười năm cứ vậy con ơi
Nhớ con nước mắt khóc thầm ai hay.
Nhìn lại "gia tài" gần 200 bằng khen vì các hoạt động cộng đồng của mình, như: Người tốt việc tốt, Phòng chống tội phạm, Gương sáng phố phường... bà Chung nói bằng giọng tự hào: "Còn khỏe, còn minh mẫn, tôi còn tiếp tục công việc này. Tôi thích cảm giác được giúp người khác, thế thôi".
End of content
Không có tin nào tiếp theo