Người mẹ tâm thần hái rau dại nuôi con
Đi cùng chúng tôi đến thăm nhà chị Sâm có ông Nguyễn Trọng Kiêm (Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nghi Xuân, cũng là hàng xóm của chị). Bước vào căn nhà lụp xụp, ập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng hai mẹ con đang ngồi trước một rổ rau cỏ dại. Ông Kiêm cho biết, đó là thức ăn mà người mẹ điên vẫn nấu cho con. Gặp người lạ, chị Sâm cúi sầm mặt rồi trốn vào góc nhà, vẻ sợ hãi.
Dù thần kinh không bình thường từ khi còn nhỏ, nhưng theo ông Kiêm, chị là người chịu khó làm lụng. Biến cố xảy đến khi chị 18 tuổi, cả bố và mẹ lần lượt qua đời, bỏ lại mình chị không người thân thích.
Năm 2003, chị Sâm được hàng xóm mai mối, có được tấm chồng ở xã bên. Sau một năm kết hôn, chị sinh con gái, tưởng chừng may mắn đã mỉm cười với chị. Nhưng sinh con xong, chị bị chồng ngược đãi, sau đó bị nhà chồng đuổi đi. Thần kinh vốn không bình thường, lại gặp cú sốc lớn về gia đình, chị Sâm càng trở nên điên dại hơn. Ra khỏi nhà chồng, chị không biết đi đâu về đâu, vì bố mẹ không còn, anh em chẳng có. Thương hoàn cảnh của chị, bà con lối xóm đã đi tìm chị về, rồi sửa lại căn nhà của bố mẹ làm nơi tá túc.
Nghèo khổ, bệnh tật nhưng trong lòng chị vẫn khao khát có được một mụn con cho thỏa tình mẫu tử. Năm 29 tuổi, chị sinh con, được đặt tên là Đậu Văn Phúc. Ngồi với chúng tôi cả buổi, chị Sâm không nói câu gì. Nhưng khi chúng tôi hỏi về đứa con trai, mắt chị ánh lên niềm vui, rồi kể đứt quãng: “Nó không có tên đâu. Tên do mọi người đặt cho đấy!”. Hiện Phúc đã 5 tuổi, chưa được đi học mẫu giáo, không có giấy khai sinh.
Sống trong căn nhà không có một thứ gì đáng giá, mọi sinh hoạt của hai mẹ con chị chủ yếu nhờ hàng xóm giúp đỡ. Quần áo, thức ăn đều nhờ vào tấm lòng thơm thảo của mọi người. Lúc trong nhà hết cái ăn, chị lại dẫn con ra vườn tìm rau cỏ dại lót dạ. “Hoàn cảnh mẹ con chị Sâm không ai là không thương xót. Mẹ mắc bệnh từ nhỏ đã đành, nay đứa con nhỏ không được đi học, đến việc khai sinh của cháu mẹ cũng không biết. May còn có hàng xóm thương tình chứ không thì hai mẹ con chẳng biết trông cậy vào đâu”, ông Kiêm kể.
Nhiều hàng xóm cũng tỏ ra ái ngại cho hoàn cảnh của mẹ con chị Sâm. “Chị ấy thường vừa đi vừa lảm nhảm những câu vô nghĩa, đôi khi lại bật cười khanh khách. Có hôm chị ấy dẫn con một mình đi bộ sang tận TP Vinh cách nhà gần 20km. May có người cùng xã nhìn thấy, thuê xe đưa hai mẹ con về nhà”, một hàng xóm kể lại.
Đem hoàn cảnh của chị Sâm trao đổi với chính quyền địa phương, ông Trần Xuân Trực, Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ cho biết: Chính quyền nắm rất rõ hoàn cảnh của chị Sâm, đã quan tâm giúp chị các chế độ như: Trợ cấp 360.000 đồng/tháng dành cho người khuyết tật, cấp BHYT cho hộ nghèo… Tuy nhiên, sự trợ giúp của chính quyền không đủ mang lại cuộc sống ổn định cho hai mẹ con.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc