Xã hội

Người Nghệ An vấn khăn tang đỏ, khóc thương cá voi chết

(DNVN) - Chiều tối 27/5 thi thể cá voi chết đã được đưa vào bờ và sau đó được an táng. Người dân Nghệ An đã vấn khăn tang đỏ, khóc thương cá voi chết.

Tin tức trên báo Trí thức trẻ, chiều 27/5, ông Cao Hiếu, Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, đã phối hợp với các lực lượng chức năng và hàng nghìn người dân kéo một con cá voi có chiều dài khoảng 10m, nặng khoảng 7-8 tấn dạt vào bãi biển.
Trước đó, vào khoảng 1h sáng ngày 27/5, người dân trong vùng đi lặn biển đã phát hiện một con cá voi chết dạt vào bờ biển của xóm 9B, xã Diễn Thịnh. Sự việc được trình báo chính quyền địa phương.

Người dân Nghệ An thuơng tiếc cá voi chết trên biển. Ảnh báo Trí thức trẻ.

Nhận được tin báo, vào khoảng 16h30 cùng ngày, lực lượng địa phương phối hợp với BĐBP, lực lượng huyện Diễn Châu và hàng nghìn người dân cùng nhau kéo xác con cá voi vào bờ.

Hàng nghìn người tới để tiễn biệt và đưa cá voi đi chôn cất. Đối với ngư dân, cá voi là loài động vật hết sức linh thiêng nên dù sống hay chết người dân cũng thể hiện sự kính trọng. Đến 20h cùng ngày, xác cá mới được đưa từ mặt biển lên bờ. Lãnh đạo UBND xã Diễn Thịnh và ngư dân họp bàn tổ chức lễ tang, an táng cá theo phong tục của ngư dân nơi đây.

UBND xã Diễn Thịnh cùng người dân đã may bạt làm quan tài gói cá voi và huy động một chiếc máy đào cỡ lớn để đào huyệt an táng cá bên bờ biển. Đồng thời huy động một chiếc máy cẩu loại lớn tiến sát ra biển để cẩu đưa cá lên bờ. Pháp luật TP. HCM thông tin.

Khi lên bờ, xác cá được đưa lên trước mộ hai “ông voi” đã an táng vào năm 2013 và 2014 để làm lễ tang và xin chôn cất “ông voi”. Tại đây, lễ cúng được tổ chức để bà con dâng hương… Các ngư dân ở làng Đức Hậu mang khăn tang màu đỏ, khóc thương, “ông voi”.

Bà Cao Thị Vinh (xóm trưởng xóm 9B, xã Diễn Thịnh) cùng các cụ cao niên trên địa bàn cho biết: “Trước đây, ngư dân chúng tôi đã từng được “ông voi” cứu mạng trên biển. Những khi có lốc tố, bão bất ngờ xảy ra, tàu thuyền sắp lật có cá voi lại dựa lưng nâng đỡ tàu thuyền để không lật xuống biển”.

 

Khi hay tin có cá voi lụy bờ, hầu hết ngư dân nơi đây đều tạm ngừng đi biển đánh cá mà ở nhà làm lễ để tang cá. “Chúng tôi biết ơn cá nên khi không may cá chết hay gặp nạn chúng tôi phải cứu. 

Khi cá chết, làng biển làm lễ tang và để tang hai năm ba tháng như tang người thân trong nhà. Khi chôn cất được 50 ngày hay ngày giỗ, chúng tôi đều ra mộ thắp hương, làm lễ cúng. Làng biển cúng cá vừa biết ơn cá voi, vừa cầu cho mưa thuận gió hòa, đi biển an toàn, đánh bắt được nhiều thủy sản” - bà Vinh nói.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo