Người nghiện 'đốt' hơn 14.000 tỉ đồng/năm
Hiện cả nước có hơn 200.000 người nghiện (chưa kể người nghiện không có hồ sơ), “đốt” hơn 14.000 tỉ đồng/năm; trong đó 19.000 người nghiện ở TP.HCM “đốt” hơn 1.300 tỉ đồng.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế 607/QCPH - C47B ngày 19.8.2012 về phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm vận chuyển ma túy qua đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN), do Cục CSĐT tội phạm về ma túy - Bộ Công an tổ chức hôm qua tại TP.HCM.
Theo cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ tháng 9.2012 đến tháng 9.2014, lực lượng chức năng bắt giữ 39 vụ, 30 người và thu giữ 16 kg heroin, 15 kg cocain, 21 kg ma túy tổng hợp, 72 kg tiền chất qua cửa khẩu sân bay quốc tế TSN.
Khó bắt được các trùm
Theo nhận định của C47B, từ năm 2012 đến nay tình hình tội phạm ma túy nói chung và buôn bán, vận chuyển ma túy qua đường hàng không nói riêng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất và mức độ tội phạm. Hầu hết các vụ này đều liên quan đến các đường dây tội phạm ma túy gốc Phi.
Nguồn ma túy được vận chuyển vào VN qua đường hàng không chủ yếu từ 3 khu vực phức tạp trên thế giới về sản xuất ma túy: vận chuyển cocain từ khu vực Nam Mỹ, methamphetamine (ma túy đá) từ khu vực Trăng Lưỡi Liềm Vàng và heroin từ khu vực Tam Giác Vàng. Các ông trùm thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, đặc biệt như tội phạm ma túy gốc Phi, tổ chức chủ yếu ở nước ngoài, thông qua điện thoại, internet để điều hành. Bọn chúng chỉ thuê người nước ngoài vận chuyển ma túy vào VN, thuê người VN ra nước ngoài vận chuyển ma túy đến nước thứ ba nên người vận chuyển không biết trước được lộ trình.
“Khi bắt giữ chúng ta thường chỉ bắt được các đối tượng vận chuyển thuê, chưa bắt được các đối tượng gốc Phi chủ mưu, cầm đầu. Đối với đường dây vận chuyển ma túy, tiền chất từ VN đi Úc, Đài Loan có sự cấu kết rất chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước, gây nhiều khó khăn cho hải quan trong việc phát hiện bắt giữ”, một lãnh đạo của C47B nói.
Trang bị máy móc hiện đại để phát hiện ma túy
“Hiện hải quan đang bắt ma túy bằng thủ công, kinh nghiệm là chính. Lực lượng chưa được đầu tư đúng mức trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt”, một lãnh đạo Chi cục Hải quan sân bay TSN phát biểu tại hội nghị.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cũng nói: "Dù nhiều lần kiến nghị về việc trang bị máy móc hiện đại phục vụ công tác theo dõi, sưu tra, kiểm tra, giám sát hành khách xuất nhập cảnh nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Công tác phối hợp giữa các lực lượng hải quan, công an, an ninh sân bay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo thành sức mạnh tổng lực".
Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục CSĐT phòng chống tội phạm (Bộ Công an), nhận định: “Các lực lượng tại sân bay mới chỉ phát hiện ma túy trong hành lý, hành khách nhưng chưa phát hiện nhiều những vụ lớn ma túy trong hàng hóa. Hàng hóa có thể là đường đi của số lượng lớn ma túy mà vụ cảnh sát Đài Loan bắt giữ 600 bánh heroin là một điển hình”. Theo ông, bằng mọi giá phải trang bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác phát hiện ma túy tại cửa khẩu sân bay; đồng thời công an, hải quan, an ninh sân bay lập thành một lực lượng phối hợp chốt chặn, cùng trao đổi thông tin, kinh nghiệm điều tra để phá án mới hiệu quả hơn.
“Nếu đường hàng không không kiểm soát chặt chẽ được ma túy thì đường bộ, đường biển, dài rộng hơn còn khó khăn hơn nhiều. Ngoài phương tiện, yếu tố con người cũng hết sức quan trọng, xây dựng lực lượng, đào tạo con người cho tốt, bởi 100 người làm nhưng chỉ cần 1 người phá là hỏng hết”, ông Hùng nói.
Sau 2 năm thực hiện Quy chế 607/QCPH - C47B ngày 19.8.2012, Bộ Công an và C47 đã tặng bằng khen, giấy khen, tiền thưởng cho nhiều cá nhân, tập thể của C47B; PC47, Công an TP.HCM; lực lượng hải quan, an ninh sân bay TP.HCM do có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy chế nói trên.
Theo Thanh niên Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo