Người Nhật bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam: "Không thể mở toang cánh cửa"
Ngày 5/10 vừa qua, Công ty Idemitsu Q8 (IQ8) đã tổ chức lễ khai trương trạm xăng dầu Idemisu Q8 tại Hà Nội. Đây là cửa hàng xăng dầu đầu tiên có 100% vốn FDI tại thị trường Việt Nam. Được biết, IQ8 là công ty liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật Bản thành lập hơn một năm trước, mỗi bên sở hữu 50% vốn điều lệ.
Trạm xăng IQ8 trang bị một hệ thống phần mềm quản lý trạm tự động cho phép thanh toán bằng thẻ POS với nhiều tính năng ưu việt mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Hệ thống phần mềm cho phép quản lý chính xác số lượng nhiên liệu đến 0,01 lít, cung cấp báo cáo chi tiết các giao dịch cho khách hàng. Bên cạnh đó, trạm xăng dầu được thiết kế và trang bị các công nghệ mới nhất gồm: Bể chứa nhiên liệu 2 lớp, hệ thống đường ống dẫn bằng vật liệu tổng hợp nhằm ngăn chặn tối đa việc rò rỉ nhiên liệu gây tác động môi trường.
Bởi những tiện ích "có một không hai" này, có thể trong tương lai, kiểu trạm xăng dầu này sẽ hút hết khách hàng của các ông lớn xăng dầu Việt Nam nếu không có sự thay đổi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự tham gia của đại gia lớn xăng dầu trên thế giới sẽ là cú hích tích cực cho thị trường xăng dầu trong nước, nâng cao tính cạnh tranh và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên cũng có những cảnh báo sớm được đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trả lời báo chí, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhận định, với sự tham gia của FDI, thị trường cần một sân chơi mới. Vì vậy, cần sớm bỏ giá cơ sở để tạo cạnh tranh sòng phẳng.
Vì thế theo ông Ruệ, lúc này Nhà nước chỉ nên ban hành khung giá định kỳ để doanh nghiệp vận dụng, như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh bằng giá.
Vị này cũng cho rằng, khi Nhà nước còn quyết giá cơ sở xăng dầu thì các doanh nghiệp FDI có vào cũng không thể cạnh tranh ngang ngửa. Nếu thời gian tới cơ chế kinh doanh xăng dầu cho phép cạnh tranh về giá bán lẻ, chính các cửa hàng xăng dầu sẽ quyết định giá bán lẻ xăng dầu.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo cần phải thận trọng khi để các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam.
Theo vị này, nếu các doanh nghiệp FDI nắm giữ và chi phối thị trường xăng dầu trong tương lai, sẽ xảy ra khả năng nhà nước mất quyền kiểm soát thị trường. Đồng thời, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng đến nhiều người.
"Vì vậy, Nhà nước cần phải nắm giữ thị trường thông qua các cơ chế, hàng rào kỹ thuật. Không thể mở toang cánh cửa thị trường xăng dầu được", lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội