Người nuôi lãi to, cá tra giống lại thiếu
Dù gặp nhiều rào cản tại thị trường Mỹ và EU nhưng năm 2017, ngành cá tra đã lập nên kỳ tích nhờ xuất khẩu thuận lợi. Trong nước, giá cá tra giống và giá cá tra thương phẩm luôn ở mức cao giúp những người nuôi, ương dưỡng giống và doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu cá tra đều có lãi. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám tại hội nghị "Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018".
Vượt khó
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong năm 2017, cá tra bị "1 cổ 2 tròng" tại thị trường Mỹ khi nước này áp thuế chống bán phá giá cao và chương trình giám sát cá da trơn từ ngày 2-8 (sớm hơn quy định 1 tháng) nên xuất khẩu sang thị trường này giảm sút. Bên cạnh đó, truyền thông bôi nhọ tại một số thị trường EU cũng gây khó khăn cho con cá tra. Tuy nhiên, DN đã có nhiều nỗ lực khi chuyển hướng sang thị trường khác giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 1,78 tỉ USD, tăng 4,3% so với năm 2016. "Trong nước, giá cá giống dao động 45.000-60.000 đồng/kg, cá tra nguyên liệu 21.500-30.000 đồng/kg, có nơi mua đến 31.000 đồng/kg, giúp người sản xuất và DN cùng có lãi" - ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhận định.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Do những nguyên nhân nêu trên mà trong năm qua, xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU giảm sút. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm gần 11%, còn 387 triệu USD; EU giảm 23%, chỉ còn 236 triệu USD. Tuy nhiên, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận: "Đầu tháng 1-2018, xuất khẩu cá tra sang Mỹ có tăng. Ở EU, dù bị truyền thông Tây Ban Nha bôi nhọ hình ảnh cá tra nhưng tại các thị trường khác như: Anh, Hà Lan, Đức, Bỉ tuy lượng xuất giảm nhưng có hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại".
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, 62 cơ sở tại Việt Nam nằm trong danh sách chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ nhưng hiện chỉ có 14 cơ sở đang chế biến, xuất khẩu cá tra sang nước này.
"Việt Nam là 1 trong 3 nước được phía Mỹ công nhận đạt yêu cầu tương đương về mặt hồ sơ của chương trình giám sát cá da trơn. Còn công đoạn cuối cùng là đón đoàn đánh giá thực địa của Bộ Nông nghiệp (Mỹ) sang. Họ sẽ lựa chọn DN ngẫu nhiên để đánh giá" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói. Cũng theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thủy sản xây dựng kế hoạch chỉ tiêu tăng trưởng ngành thủy sản trong năm nay phải đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD (tăng 17,9% so với năm 2017). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra phải đạt 2-2,5 tỉ USD.
Tỉ lệ hao hụt con giống cao
Thông tin từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, hiện có 101.000 cá tra bố mẹ, cá tra hậu bị đã được phát tán đàn cho các trại giống ở khu vực ĐBSCL. Năm 2017, phát tán 15.000 con và sẽ sinh sản vào năm 2019. Tuy nhiên, nguồn giống phục vụ cho vụ sản xuất năm nay chỉ còn 60.000 cá tra bố mẹ.
Ông Huỳnh Văn Mừng, Giám đốc Công ty Sản xuất cá tra giống Mừng Liêm (tỉnh Đồng Tháp), phản ánh công ty sản xuất hằng năm từ 2-3 tỉ con giống, tỉ lệ sống 12%-15%, còn giống bên ngoài chỉ sống được khoảng 6%. Đồng Tháp có 68 cơ sở sản xuất cá tra giống, năm 2017 nuôi ương không dưới 50 tỉ con cá bột nhưng năm nay vẫn thiếu giống do tỉ lệ sống thấp. Nguyên nhân tỉ lệ cá tra giống sống sót không cao được ông Mừng đưa ra là thả nuôi mật độ dày. Lúc trước, bình quân thả 200 cá tra bột/m2 thì bây giờ mật độ gấp 5 lần nên thức ăn thả nhiều trong ao nuôi dẫn đến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang, cho rằng trong Tết, cá tra giống 30 con/kg giá 55.000 đồng, sau Tết đến nay tăng lên 75.000 đồng nhưng vẫn không có con giống. "Chúng ta có vùng nuôi, nhà máy và thị trường nhưng lại thiếu con giống.
Với đà này, sản lượng không thể bằng năm 2017" - ông Văn cảnh báo. Theo bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, tại địa phương, nhiều hộ nuôi than tỉ lệ ương giống thấp, tỉ lệ hao hụt nhiều. Vì vậy, An Giang đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tìm ra mô hình ương giống đạt tỉ lệ chấp nhận được để triển khai cho người dân.
Quy hoạch nguồn giống tập trung có chất lượng
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá trên cơ sở đề xuất của An Giang, trong tháng 3 này, sẽ có đề án quy hoạch nguồn giống tập trung tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. "Thay vì trước đây các hộ nhỏ, lẻ tự sản xuất giống, DN không quan tâm đến chất lượng nên mua giống trôi nổi thì đề án này khuyến khích DN lớn ngoài xây dựng vùng nguyên liệu, cần liên kết với cơ quan khoa học tạo ra nguồn giống bố mẹ chất lượng cao" - ông Tám nói.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc HTX Nuôi cá tra huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - cho biết hiện giá cá tra nguyên liệu tiếp tục phá kỷ lục mới với mức 32.000 đồng/kg cho loại cá quá lứa (size lớn). Trong khi loại cá đúng size được các DN thu mua chế biến xuất khẩu như trước đây lại có giá thấp hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg. Nguyên nhân cá quá lứa được mua giá cao khác thường là do thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ mạnh loại này.
Tuy nhiên, ông Nguyên tỏ ra nuối tiếc vì hầu hết xã viên của HTX đã không có cá tra giống để thả nuôi từ trước Tết nguyên đán đến nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng khó sốt nóng
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
Giá heo hơi ngày 15/11/2024: Tiếp tục tăng giá tại một số tỉnh phía Nam
Giá nông sản ngày 15/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng, hồ tiêu giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 15/11/2024: USD duy trì đà tăng
Sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cho cuối năm và Tết