Người Pa Cô bỏ dần tục “nối dây”
Em chồng lấy chị dâu, anh chồng lấy em dâu, cháu lấy thím làm vợ... là tập tục hôn nhân nối dây phổ biến ở người Pa Cô và Vân Kiều khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị.
Vùng dân tộc thiểu số ven biên giới Việt - Lào thuộc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị mới giữa tháng 4 nhưng khí hậu khô nóng khó chịu. Dưới căn nhà sàn cũ kỹ nằm cách vành đai biên giới vài chục bước chân thuộc xã Thuận, bà Pỉ Ưng - người Vân Kiều - đang chăn dê với mấy trẻ con trong bản. Thấy chúng tôi vào nhà, bà đứng nhìn, im lặng.
Hỏi mãi, bà mới lên tiếng: “Mấy chú hỏi chi thì chờ thằng “chồng cháu” về mà hỏi. Tui không biết mô!”. Chờ đến giữa chiều, bà chỉ tay về người đàn ông vừa lùa bò vào cổng đang nhoẻn miệng cười: “Chồng cháu đó, cần chi thì cứ hỏi hắn!”.
“Chồng cháu”, “chồng em”
Hồ Thôi mới 45 tuổi, dáng vẻ gầy gò, hốc hác, già trước tuổi. Pỉ Ưng thì không biết tuổi thật của mình, nhưng được “chồng cháu” xác định “khoảng hơn 70”. Không chỉ thắc mắc về sự chênh lệch đó, chúng tôi gặng hỏi người chồng về cách gọi “chồng cháu”.
Vừa nhìn đám thanh niên đầu trần chạy xe máy vù vù ngoài lộ, Hồ Thôi kể về câu chuyện hơn 20 năm trước, khi người chú ruột và thím Pỉ Ưng đã có với nhau đến chín mặt con. “Một hôm chú ngã bệnh rồi chết. Gia đình họp lại và kêu mình thay chú làm chồng của thím. Mình phải lấy thím, nếu không thím sẽ bỏ về nhà mẹ đẻ. Mình gật đầu rồi dọn quần áo về ở chung nhà.
Khi mới về, mình chỉ ngủ chung với thím vài bữa đầu thôi. Vì thím ấy già quá nên mình dọn chỗ ngủ riêng cho tới chừ!” - Hồ Thôi buồn bã kể trong tiếng phần phật của cơn gió nóng đầy bụi thổi vào từ sau núi.
Suốt hơn 20 năm qua, đôi vợ chồng chênh lệch nhau hơn cả thế hệ ấy dù không chung đụng chăn gối, vẫn nương tựa vào nhau, chăm sóc nhau dưới cùng một mái nhà...
Chín người con của Pỉ Ưng với chồng trước đến nay còn sống ba người con gái, lập gia đình đều rất cực khổ. “Vợ thím”, “chồng cháu” cũng rất thiếu thốn, nhà cửa đến hồi dột nát.
Cũng may, người chồng trước đã để lại chiếc áo quan nhị phẩm triều Nguyễn là vật gia bảo truyền đời rất quý hiếm. Pỉ Ưng bàn với “chồng cháu” bán cho một nhà sưu tập ở Huế. Được số tiền khá lớn, họ chia cho ba người con gái mỗi người 10 triệu đồng.
Số tiền tương tự cũng được chia cho người em gái của chồng cũ đang nghèo khó. Họ sửa nhà, mua ba con bò cho “chồng cháu” và bầy dê cho “vợ thím” để chăn nuôi qua ngày...
Đi dọc gần 40 cây số con đường ven biên giới này, trường hợp hôn nhân nối dây phổ biến nhất chúng tôi bắt gặp chính là anh/em trai lấy chị/em dâu khi người anh hoặc em chết đi.
Tại xã A Túc, chúng tôi được chính quyền xã giới thiệu về một gia đình người Pa Cô, “vợ chị” Hồ Thị Dằm và “chồng em” Hồ Bèn nằm sâu trong bản. Tìm đến nhà, chị vợ bảo chồng đã vào rẫy từ rất sớm, phải tối mịt mới về.
Biết chúng tôi hỏi về kiểu hôn nhân của họ, chị vợ khoe ngay ngôi nhà vách vừa mới xây chính là thành quả do cậu “chồng em” làm lụng quần quật mà có được. Dằm kể mình cùng anh trai của Bèn là Hồ Ồ lấy nhau từ hơn 10 năm trước.
Đến khoảng năm 2010, người chồng đổ bệnh xơ gan cổ trướng, nằm một chỗ ít bữa rồi chết, để lại vợ bơ vơ cùng hai con nhỏ.
Dù nhỏ hơn chị dâu gần 10 tuổi, nhưng Bèn đã tự nguyện thay anh làm chồng để chăm sóc chị dâu và hai cháu. “Hắn không ham chơi, uống rượu nhiều như mấy đứa chồng nhà khác mô. Hắn lo làm lụng và thương yêu vợ con lắm!” - Dằm tự hào nói về người “chồng em” của mình.
Và sau năm năm chung sống hạnh phúc, họ có với nhau một con trai 3 tuổi. Không làm giấy hôn thú vì sợ luật pháp không cho phép, họ chỉ xin đăng ký “chồng em” làm “em” trong sổ hộ khẩu do “vợ chị” đứng tên chủ hộ...
Vì tiếc của
Từ câu chuyện của chính mình, Ăm Ở - chủ tịch MTTQ xã A Xing - lý giải luật tục hôn nhân lạ lùng nói trên của người Pa Cô và Vân Kiều là do tiếc của cải thách cưới vốn rất nhiều từ phía nhà gái.
Năm 1977, anh trai của ông là Hồ Văn Ở lên đường nhập ngũ ngay sau khi dạm hỏi bà Hồ Thị Rương ở cùng bản A Máy. Để rước con dâu về, theo yêu cầu (thách cưới) của nhà gái, gia đình nhà trai phải đặt của (sính lễ) với rất nhiều con bốn chân (trâu, bò, dê, heo), con hai chân (gà, ngan), bạc nén và nhiều loại đồ cổ (chum, chóe, phèng la, gươm, hộp đồng, bình vôi...).
Năm 1980, người anh trai Hồ Văn Ở hi sinh ở chiến trường Tây Nam, cũng là lúc người em trai Ăm Ở hoàn thành lớp bổ túc văn hóa ở thị trấn Khe Sanh trở về làng. “Khi nớ mà trả dâu về thì tiếc của, phải giữ hắn ở lại để lao động. Trong khi mình thì không đủ tiền cưới vợ. Cho nên bố mẹ chuyển chị dâu qua làm vợ mình. Hai người cũng làm hôn thú!” - Ăm Ở phân bua.
Ăm Ở vốn được đào tạo bài bản, là “cán bộ nguồn” nên sau một thời gian đã lên làm chủ tịch, rồi làm bí thư kiêm chủ tịch UBND xã A Xing. Ở chức ấy, nhiều đơn thư gửi về huyện Hướng Hóa tố cáo Ăm Ở lấy vợ của anh trai.
“Cấp trên lập đoàn về kiểm tra thì thấy đúng là mình lấy vợ anh trai thiệt. Họ cũng hiểu là mình lấy theo phong tục. Nhưng vì ý thức mình là người có học, có am hiểu, cho nên mình quyết định ly dị, không nuôi chị nữa!” - Ăm Ở nói.
Năm 2007, sau hơn 20 năm chung sống có với nhau bốn mặt con, Ăm Ở viết đơn và được tòa xử cho ly dị vợ. Họ làm thêm nhà mới ở cách nhau chừng 50m để con cái dễ bề qua lại.
Bà Kăn Nan (phải) và Kăn Ne (ở bản Tăng Kô, xã A Túc) vốn là hai chị em dâu. Chồng bà Kăn Ne chết, chồng của bà Kăn Nan là Vỗ Thăm phải lấy em dâu làm vợ lẽ. Hai người vợ đang nương tựa vào nhau sau khi người chồng chung là Vỗ Thăm chết đi.
Loại bỏ dần dần
Trung tá Tạ Quang Hậu, trưởng Đồn biên phòng Thuận, cho biết trước đây lực lượng biên phòng và chính quyền xã mất rất nhiều công sức tuyên truyền vận động bà con, nhờ vậy bà con dần nhận thức được đúng sai mới dần rời bỏ những tập tục lạc hậu như nối dây.
Trung tá Hậu kể: “Đến mỗi gia đình, chúng tôi phải giải thích cặn kẽ, rằng con trai cũng như con gái đều do mình sinh ra, nên phải thương nó như nhau.
Vì vậy, khi gả con gái chỉ nên thách cưới lấy lệ, gọi là cho có phong tục. Nếu thách nhiều quá, con gái mình về phải lao động nặng nhọc ở nhà trai, điều đó cực cho con mình, dễ dẫn đến nhiều hậu quả khác nữa!”.
Ông Côn Giới, người Pa Cô, nguyên phó chủ tịch UBND xã A Túc, cho biết hồi còn làm chủ tịch HĐND xã, mỗi lần tiếp xúc cử tri ông đều vận động bà con không nên lấy nhau theo tục nối dây.
“Khi thì mình bảo nên tìm người khác mà lấy chứ sao lại đi lấy chị em, vì dâu cũng như chị em ruột trong nhà, lấy như vậy là xấu. Khi thì mình đưa ra làm gương một trường hợp lấy nhau theo phong tục (nối dây): vợ quá già, chồng quá trẻ, tới khi vợ chết, chồng bơ vơ mấy chục năm cô đơn, buồn bã, đau khổ. Cũng có trường hợp lấy vợ thứ hai, thậm chí thứ ba khi anh hoặc em trai chết, xã phải tới can thiệp rất dữ... Nhờ làm quyết liệt nên bà con bỏ dần!”.
Ông Côn Giới cho hay giới trẻ ngày nay làm đám cưới rất giống với người Kinh, cũng phát thiếp mời, thuê dựng rạp và thuê đầu bếp về nấu từng món, thuê dàn nhạc hát tưng bừng ngày đêm.
“Họ chỉ thách cưới lấy lệ theo phong tục, quy thành tiền. Nhà trai đưa sang nhà gái từ vài triệu đến không quá 20 triệu đồng tùy theo giàu nghèo!”.
Theo ông Hồ Xuân Long - bí thư Đảng ủy xã A Túc, trước đây rất nhiều trường hợp sau khi chồng chết, ngoài em chồng lấy chị dâu, anh chồng lấy em dâu, cháu lấy vợ của chú...
Đặc biệt có trường hợp con trai lấy mẹ kế sau khi bố chết nữa. Ông Long nói chính quyền xã đã kiên trì vận động rất nhiều trong thời gian dài, nên trường hợp lấy nhau như vậy ít dần, những năm gần đây hầu như không còn nữa.
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo