Người phụ nữ hơn 10 năm liệt giường bỗng dưng đi lại đẩy hoa quả bán rong
Hơn 10 năm nằm liệt giường, khắp người lở loét, tinh thần sa sút, người thân của bà Ngô Thị Kha (ở xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã tưởng bà khó lòng qua khỏi và chuẩn bị hậu sự cho bà. Vậy mà điều kỳ diệu đã đến khi bà không chỉ đi lại được mà còn đẩy xe hoa quả đi bán rong. Điều gì đã khiến bà Kha vượt qua cơn bạo bệnh kỳ diệu như vậy?
Chồng bỏ đi khi vợ gặp trọng bệnh
Đến xã Thụy Sơn hỏi về “người đàn bà kì lạ” Ngô Thị Kha ai cũng biết. Cảnh đời bất hạnh, tủi cực của người đàn bà này tuy đã đi qua gần 20 năm nhưng mỗi khi nhắc lại, người phụ nữ đã bước vào cái tuổi lục tuần ấy vẫn không cầm nổi nước mắt.
Ngồi trò chuyện, bà Kha khẽ lau giọt mồ hôi hòa lẫn nước mắt chảy tràn trên gò má đen xạm của mình rồi nghẹn ngào: “Nhiều người ví cuộc đời của người phụ nữ như đám bèo lênh đênh giữa sông, gặp dòng nước chảy xiết nó cuốn bèo đi đâu thì bèo trôi về đó. Nhưng số phận của tôi mà được như cánh bèo cũng tốt bởi lắm lúc cần chỗ để bấu víu thì lại trôi tuột đi. May mắn vẫn còn một chút niềm tin, một chút động lực để sống cho đến ngày hôm nay”.
Theo chia sẻ của bà Kha, bà sinh năm 1954 trong gia đình thuần nông. Trước đây bà cũng là một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh ở làng. Bởi thế, khi vừa lớn lên bao trai làng đã tìm đến nhòm ngó, thậm chí có nhiều gia đình đã sang tận nhà đánh tiếng với cha mẹ bà, xin được kết giao tình thông gia. Thế nhưng, vì đã trót đem lòng yêu một người con trai cùng làng hơn bà 2 tuổi nên bỏ mặc sự khuyên can, sắp đặt của gia đình cho hạnh phúc của mình, bà Kha quyết tâm giữ trọn lòng thủy chung với người mình yêu. Mối tình đầu của bao sự thăng hoa hạnh phúc, của những lời ước hẹn trăm năm đã khiến bà Kha ngây ngất trong hơi men tình. Bất chấp sự ngăn cản của gia đình, năm 1977 bà Kha đồng ý theo người đàn ông đó về làm vợ. “Sở dĩ gia đình tôi ngày ấy không đồng ý cho tôi lấy ông ấy vì đó là một người quá đào hoa nhưng thiếu sự chân thành”, bà Kha nén một tiếng thở dài.
Ngày bước chân về nhà chồng, tuy cuộc sống có khó khăn nhưng vợ chồng bà Kha sống khá hạnh phúc. Làm dâu ở nhà chồng được 2 năm, vợ chồng bà được bố mẹ chồng cất cho một căn nhà trên mảnh đất ngoài bìa sông. Dọn về nhà mới được một năm, năm 1980, vợ chồng bà Kha đón nhận niềm vui mới khi đứa con gái đầu lòng chào đời, trong sự chờ đợi bao năm của gia đình. Thế nhưng, niềm vui chỉ đến với vợ chồng bà vỏn vẹn vài tháng, đứa con gái xấu số đã từ giã cõi đời sau một cơn bạo bệnh.
“Sau cái chết của đứa con đầu lòng, hàng xóm xôn xao bảo rằng, mảnh đất này dữ lắm, oan hồn lắm nên khuyên chúng tôi đừng ở. Nhưng chúng tôi bỏ ngoài tai để làm ngày làm đêm, chỉ mong sao để dành dụm được thật nhiều tiền, rồi sẽ tính sinh lấy mấy đứa con cho thỏa lòng mong đợi. Thế nhưng, khi tiền có, con cũng có thì cũng là lúc tôi phát hiện ra mình mắc bệnh viêm khớp nặng. Cho đến một ngày, khi bệnh tình nặng hơn, tôi không thể làm được những công việc nặng thì cũng là lúc người chồng đầu ấp, tay gối bao năm bỏ mặc tôi cùng đứa con khuyết tật mà đi theo một người phụ nữ khác”, bà Kha nghẹn ngào.
Cảm ơn người đàn ông trong giấc mơ
Mất chồng, con khuyết tật và bệnh tật bản thân thì đầy người, bà Kha tưởng như muốn buông xuôi tất cả. Không thể mãi sống với những tủi hơn, bà gắng gượng để mưu sinh nuôi con.
Bà Kha kể lại rằng, khi đó căn bệnh viêm khớp của bà ngày càng trầm trọng hơn nhưng nén nỗi đau bà vừa lo chữa bệnh, vừa lo kiếm tiền dành dụm cho con, bà bảo: Chỉ sợ mình chết đi, con trai còn nhỏ lại bệnh tật sẽ chẳng thể làm gì ra tiền, nên phải cố. Chính cái sự “cố đấm ăn xôi” của bà, đã khiến bà Kha phải trả giá: “Tôi nhớ mãi cái năm vừa bước sang tuổi 33. Sau một ngày làm việc quần quật, tôi lăn ra ngủ mê mệt. Sáng sớm hôm sau, tôi đã khóc thét khi không thể nhấc được hai chân xuống giường. Cũng từ đó, tôi nằm liệt giường cho đến năm 45 tuổi”.
Hơn 10 năm nằm liệt giường, nhiều phần trên cơ thể bà Kha bị lở loét. “Thấy tôi bệnh tật, anh chị em trong gia đình tưởng tôi không thể qua khỏi đã gọi thợ đến đóng sẵn áo quan. Ai ngờ, giờ tôi lại có ngày đi lại được bình thường như thế này. Nó như là một phép tiên ấy”, bà Kha nhớ lại. Với ý chí mạnh mẽ, cùng quyết tâm “còn nước còn tát” bà Kha không chịu khuất phục trước số phận. Bà nhờ anh em đi tìm thầy, tìm thuốc chữa trị chỉ với hi vọng được sống để còn chăm con. Và 2 năm sau đó, bà hết lở loét và có thể đứng dậy được, rồi tập tễnh bước đi.
“Tôi nói có thể nhiều người không tin, nhưng tôi thường xuyên mơ thấy có một người đàn ông về báo mộng rằng: Bà không được chết, bà không được nằm im một chỗ, hãy đứng dậy và tập đi, chúng tôi tin bà sẽ đi lại được… Thế rồi ngày hôm sau, dù hai chân không thể cựa quậy được nhưng tôi cũng cố gắng ngồi dậy. Hôm sau nữa thì tôi thử nhấc chân trái lên, rồi đến chân phải. Cứ như vậy liên tục trong một tháng, tôi thấy chân có cảm giác và bắt đầu chống gậy dò dẫm. Phải tập đi từ đầu như trẻ lên 1, lên 2 tuổi ấy. Nhiều lúc ngã sấp, ngã ngửa, chân tay trầy xước khắp nơi. Mỗi khi nản tôi lại nghĩ đến đứa con trai bệnh tật của mình, cùng câu nói vang vang bên tai của người nào đó trong giấc mơ: Bà làm được mà, bà tiếp tục đi… Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao mình đi lại được và cứ nghĩ có ông tiên nào đó đang giúp mình”, bà Kha khẽ cười.
Căn bệnh quái ác khiến bà Kha nằm liệt giường hơn 10 năm còn đang khiến người làng bất ngờ, thì câu chuyện bà “bỗng” nhiên đứng dậy và đi lại sau thời gian dài phải nằm một chỗ, càng khiến mọi người ngỡ ngàng hơn. Thế nhưng, chẳng ai quan tâm đến việc bà Kha làm sao có thể đi lại được, hay việc nhà bà Kha có nằm trên vùng đất dữ nữa hay không. Chỉ biết rằng, khi hay tin bà Kha khỏi bệnh, người dân tìm đến nhà chia vui với mẹ con bà như mở hội và họ khâm phục ý chí của bà. Thậm chí họ còn đặt cho bà cái tên thân mật “người đàn bà kì lạ”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo