Chứng khoán

Người ra đi đau đớn, kẻ dứt áo lạnh lùng

Năm 2013, lần đầu tiên chứng kiến sự “ra đi” của rất nhiều tên tuổi lớn trên sàn. Đây là một hiện tượng bất ngờ mà trước đây chưa ai nghĩ tới. Đau đớn hơn, những cuộc chia tay này không có ngày hẹn trở lại.

“Ông lớn” mất dạng

 
Cuối 2013, không ai còn buồn nhắc tới Tập đoàn Thái Hòa (THV) nữa. Đơn giản, THV đã bị hủy niêm yết bắt buộc từ tháng 7/2013 do lỗ lũy kế năm 2012 vượt qua vốn điều lệ. Và do không còn tương tác gì với các NĐT, nên DN quên luôn nhiệm vụ công bố thông tin, chưa có báo cáo tài chính bán niêm 2013 và không đăng ký giao dịch trên UpCOM.
 
Thái Hòa từng là một tập đoàn tư nhân rất lớn, có tiếng tăm lừng lẫy trong lĩnh vực cà phê. DN này từng đặt mục tiêu nắm 40% sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam trong năm 2010. Giới đầu tư đã thực sự hào hứng khi THV chào sàn hồi đầu tháng 12/2010 với giá bình quân là 15.700 đồng/cp.
 
Nhưng đến nay, THV đã mất bóng trên TTCK. Nhà đầu tư nào còn nắm THV cũng chấp nhận trường hợp xấu nhất là mất hết bởi giá THV trước ngày rời sàn chỉ còn 400 đồng/cp.
 
 
Nguyên nhân sự sa cơ này là do Thái Hòa đầu tư quá dàn trải, dùng đòn bẩy tài chính quá mức, dùng vốn vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn. Vụ việc đã qua đi đã để lại bài học: DN lớn cũng có thể gục ngã; cổ phiếu lớn trên sàn cũng có thể trở thành giấy vụn nhanh chóng.
 
Bài học này có lẽ được nhiều NĐT thuộc lòng bởi năm 2013 TTCK đã đưa tiễn nhiều tên tuổi lớn rời sàn.
 
Khoảng 2 tuần sau khi Thái Hòa bị đuổi khỏi sàn, giới đầu tư đã chia tay DN Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB), DN có số vốn 400 tỷ đồng.
 
NTB bất ngờ bị hủy niêm yết từ 23/7 nhưng với lý do kiểm toán có ý kiến từ chối trong báo cáo tài chính 2012. Trước khi rời sàn, NTB có giá chỉ còn 2.500 đồng/cổ phiếu so với giá chào sàn 17/5/2010 là 37.000 đồng/cp. 
 
Cũng như Thái Hòa, ngay sau khi bị hủy niêm yết, NTB cũng mất dạng, cho dù cổ đông ngóng chờ về những khuất tất tài chính mà kiểm toán đưa ra.
 
Ba ngày sau khi NTB bị hủy niêm yết, ngày 26/7, một “ngôi sao” trong họ “Sông Đà” là Sông Đà Thăng Long (STL) cũng bất ngờ bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2012 trên 173,7 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp tại cùng thời điểm (150 tỷ đồng).
 
Rất nhiều các DN lớn khác cũng đã bị hủy niêm yết bắt buộc trong năm 2013 như: FBT (từ 14/6 do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp); SBS (từ 25/3 do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp); TAS (từ 23/9 do vi phạm công bố thông tin)…
 
Còn nhiều người tiếp bước
 
Gần đây, TTCK xôn xao thông tin cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam khó tránh khỏi “án” rời sàn sau khi DN này công bố báo cáo soát xét bán niên 2013 gây sốc cho toàn thị trường với khoản lỗ tăng thêm 952 tỷ đồng.
 
 
Với khoản lỗ ròng gần 1.600 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2013, PVX gần như nắm chắc “hủy niêm yết bắt buộc” do đã thua lỗ trong 2 năm liền trước. Cổ phiếu này đã liên tục giảm mạnh từ mức 3.000 đồng xuống 2.200 đồng/cp.
 
Trước đó, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng đã bất ngờ xin ý kiến cổ đông hủy niêm yết do CTCK này lỗ 2 năm liên tiếp 2011, 2012 và đứng trước nguy cơ lỗ tiếp năm 2013 với 9 tháng đã lỗ hơn 14 tỷ đồng.
 
Không chỉ rời sàn do làm ăn thua lỗ, nhiều DN lớn lại bất ngờ có quyết định hủy niêm yết tự nguyện vì rất nhiều lý do khác nhau.
 
Một trường hợp gây sốc trong năm 2013 là “vua tôm Minh Phú”. Vào 5/2013, Thuỷ sản Minh Phú (MPC) có kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện vì ở trên sàn thành vòng kim cô khiến DN không huy động được vốn ngoại. 
 
Dự kiến đầu năm 2014, MPC sẽ họp đại hội cổ đông bất thường để chốt việc hủy niêm yết để dễ dàng phát hành cổ phiếu với mức giá cao gấp hơn 2 lần cho NĐT ngoại để thu về 1.500 tỷ đồng, thay vì chỉ thu về được 900 tỷ nếu còn ở trên sàn.
 
Ngân hàng cổ phần Nam Việt (Navibank - NVB) trong quý III/2013 cũng xin ý kiến cổ đông việc rút khỏi sàn Hà Nội. Lý do là việc giao dịch không đem lại hiệu quả như mong đợi. Trường hợp xin hủy niêm yết của Navibank có lẽ còn phải cân nhắc nhiều do NHNN gần đây vừa phát đi tín hiệu cho biết tất cả các NH sẽ bắt buộc phải lên sàn chứng khoán để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
 
Với Alphanam, trong đại hội cổ đông thường niên 2013 hồi tháng 5, DN có quy mô vốn gần 2.000 tỷ đồng này cho rằng niêm yết đã cướp đi của ALP nhiều cơ hội đầu tư của các quỹ nước ngoài. ALP chấp nhận mang tiếng "không minh bạch" và sẽ hủy niêm yết để tập trung vào các mục tiêu dài hạn, chủ động tái cấu trúc.
 
Cuối tháng 11/2013, Công ty Cổ phần Ngô Han (NHW) - chiếm 40% thị phần dây điện từ ở Việt Nam đã lên kế hoạch xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết tự nguyện sau 4 năm trên sàn.
 
Có thể thấy, 2013 là một năm giới đầu tư chứng kiến sự rút lui khỏi sàn của rất nhiều DN lớn. Đây là điều mà nhà đầu tư và chính DN không nghi đến trước đây. Việc các DN tham gia hay rút lui một thị trường là một điều bình thường. Tuy nhiên, việc rút lui khỏi TTCK của các DN lớn khiến nhiều người cảm giác khá hụt hẫng.
 
DN lớn rời sàn vì hoạt động kém đã là điều đáng tiếc nhưng việc các DN lớn làm ăn hiệu quả rút lui, hay các DN cố tình vi phạm công bố thông tin… để phải rút khỏi TTCK càng đáng lo ngại. Đây hẳn là nỗi buồn không chỉ với các cổ đông nhỏ mà còn cho sự phát triển chứng khoán Việt Nam.
VietnamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo