Người tố chai Number 1 có ruồi bị đề nghị mức án 12-13 năm tù
Không báo sao công an biết mà bắt?
Tiếp tục thông tin đến phiên tòa xét xử vụ án Cưỡng đoạt tài sản liên quan đến chai Number 1 có ruồi tại Tiền Giang. Theo tin tức từ báo Vietnamnet, chiều 17/12, phiên tòa xét xử vụ án tiếp tục được diễn ra. Tại phiên tòa, trả lời câu hỏi của vị Hội thẩm về việc lúc gặp nhân viên công ty Tân Hiệp Phát, anh Minh đề nghị Tân Hiệp Phát mua lại chai nước hay như thế nào? Bị cáo Minh khai: “Bị cáo đã bảo họ mua lại chai nước đó”.
Vị Hội thẩm đặt nghi vấn: “Chai nước đã thu giữ suốt thời gian dài rồi, làm sao bị cáo biết là có đúng chai nước của bị cáo không mà lại ký niêm phong? Đó là chính bị cáo hại bị cáo. Niêm phong tang vật theo quy định là niêm phong tại chỗ. Bị cáo nhớ lại đi có chắc chắn vậy không?” – “Dạ chắc”, anh Minh trả lời.
Sau phần hỏi anh Minh, vị Hội thẩm quay sang hỏi bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc Tân Hiệp Phát. Hội thẩm hỏi người đại diện Tân Hiệp Phát rằng: Ngày 21/1 bà viết đơn tố cáo ông Minh, ngày 23 đơn tố cáo đó được gửi đến cơ quan điều tra. Vậy ngày xảy ra việc đưa 500 triệu đồng, Tân Hiệp Phát có báo cơ quan điều tra không? Bà Bích trả lời: “Theo tôi biết thì không”. –“Vậy sao cơ quan điều tra có mặt kịp thời được?” – “Cái đó tôi không biết”, bà Bích nói.
Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Tấn Thi về việc chủ trương của công ty Tân Hiệp Phát là không bao giờ giải quyết khiếu nại của khách hàng bằng tiền. Vậy tại sao bà Bích lại duyệt chi 500 triệu đồng để làm gì? Bà Bích lý giải “do chúng tôi không còn cách nào khác, ông Minh liên tục điện thoại thúc ép quá nhiều”.
Về thiệt hại của công ty, luật sư Nguyễn Tấn Thi đặt câu hỏi với bà Trần Ngọc Bích về số tiền thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng mà người đại diện công ty này đưa ra. Thiệt hại trên từ đâu mà có, đâu là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại này?
“Thiệt hại trực tiếp là chúng tôi đã đưa 500 triệu đồng còn gián tiếp là ảnh hưởng đến thương hiệu của chúng tôi, làm giảm doanh số” – bà Bích nói. “Nhưng anh Minh chưa hề phát tán tờ rơi hay có hành động nào, sao gây thiệt hại?” – luật sư Thi hỏi nhưng nữ giám đốc Tân Hiệp Phát không trả lời.
Đề nghị Võ Văn Minh mức án 12 đến 13 năm tù
Kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS đã luận tội đối với Võ Văn Minh. Trong phần luận tội, đại diện cơ quan công tố cho rằng trong biên bản bắt quả tang, bị cáo Minh khai rằng “sau khi phát hiện chai nước có ruồi, tôi nghĩ là lỗi của nhà sản xuất nên điện thoại đến công ty để uy hiếp đòi tiền”.
Bị cáo Minh cũng đã có biên bản tự khai về cách thức gây áp lực buộc Tân Hiệp Phát chi tiền. “Tôi sẽ in ra 5.000 tờ rơi có hình ảnh về chai nước có ruồi của công ty để khách hàng biết sự việc...” kèm theo là chữ ký của Võ Văn Minh. Cơ quan điều tra đã giám định chữ viết và chữ ký đúng là của bị cáo.
Lời khai của bị cáo tại tòa phù hợp với vật chứng vụ án, lời khai của các nhân chứng, biên bản bắt người phạm tội quả tang...Do đó, cáo trạng truy tố bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản là đúng người, đúng tội.
Chỉ vì lòng tham khi phát hiện lỗi sản phẩm nên bị cáo đã uy hiếp, đe dọa phát tán thông tin gây ảnh hưởng đến hình ảnh công ty để đòi tiền. Hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của công ty, mất trật tự trị an địa phương nên cần xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, tài sản đã được thu hồi trả cho bị hại, hoàn cảnh bị cáo đặc biệt khó khăn nên cần xem xét giảm nhẹ. Từ đó, VKS đề nghị tuyên phạt Võ Văn Minh từ 12 đến 13 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Theo tin tức từ báo Tuổi Trẻ, sau phần luận tội của VKS đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản của Võ Văn Minh, 2 luật sư bào chữa cho bị cáo này đồng loạt đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội với rất nhiều bằng chứng chứng minh việc Tân Hiệp Phát có hoảng sợ hay không, Võ Văn Minh có bị gài bẫy hay không.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi trong phần bào chữa cho Võ Văn Minh khẳng định các cơ quan tố tụng của Tiền Giang đều vi phạm tố tụng. Theo đó, luật sư Thi đề nghị HĐXX đánh giá toàn diện vụ án, bởi theo quan điểm của luật sư Nguyễn Tấn Thi thì vụ án không nên được đưa ra xét xử, bởi toàn bộ thông tin điều tra vụ án đã bị tiết lộ bởi luật sư của Tân Hiệp Phát đã dự cung, mọi lời khai tại cơ quan điều tra, đối với Tân Hiệp Phát không ngoài khả năng bị thông cung, không còn giá trị.
“Tôi cũng cho rằng, vụ án này đã được gọt chân cho vừa giày, bởi tất cả các cơ quan tố tụng đã có những sai sót”. Luật sư Thi nói.
Thậm chí, luật sư Thi khẳng định, sau khi 2 luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa, nhiều buổi lấy cung của Võ Văn Minh thì 2 luật sư không được dự cung, nhưng ngược lại, luật sư của Tân Hiệp Phát lại được dự cung. Đó là vi phạm nghiêm trọng nhất trong giai đoạn điều tra.
Trong giai đoạn truy tố, kiểm sát viên Võ Văn Phương đã không phát hiện ra những sai phạm đó. Trong giai đoạn chuẩn bị đưa ra xét xử, luật sư Phạm Hoài Nam không nhận được quyết định đưa vụ án xét xử, còn LS Thi chỉ nhận được quyết định ấy trước đây 3 ngày.
Về vấn đề tố tụng, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử luật sư Thi thấy đó là sai sót cơ bản. Quy định về người làm chứng là người biết sự việc và phải khách quan. Nhưng ở đây, ông Dưỡng (nhân viên của Tân Hiệp Phát) là người thương lượng, lập biên bản, sự thương lượng kéo dài nhưng lại được coi là người làm chứng thì không đủ khách quan.
Luật sư Thi cũng đặt câu hỏi, vậy ông Dưỡng làm chứng có khách quan không? Mọi lời hứa hẹn thương lượng có mục đích gì? Luật sư Thi cho rằng những nhân viên của Tân Hiệp Phát không thể khách quan bởi họ sẽ là người bảo vệ Tân Hiệp Phát. Không thể xem xét lời khai của họ để làm bằng chứng. Đó là sai phạm cơ bản.
“Do đó từ đầu, tôi đã đề nghị thay đổi tư cách tham gia tố tụng của những người này nhưng không được chấp nhận. Đây là vấn đề nghiêm trọng tại vấn đề hôm nay, tôi đề nghị HĐXX xem xét lại, thậm chí điều tra lại, bởi đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Chúng ta phải bảo vệ cả doanh nghiệp và người tiêu dùng chứ không thể chỉ bảo vệ doanh nghiệp”.
"Thời gian qua, tôi nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về việc người dân phát hiện các chai nước ngọt có lỗi, nhưng tôi không biết tư vấn cho họ làm sao, bởi vụ án này còn chưa xử. Bởi ai gọi điện báo thì sợ bị bắt, khiếu nại thì rườm rà. HĐXX cũng nên xem xét", LS Thi nói.
Tương tự, Luật sư Phạm Hoài Nam, tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách tố tụng của Tân Hiệp Phát xem là nguyên đơn dân sự hay bị hại.
Luật sư Nam cho rằng cơ quan điều tra đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Tại hồ sơ, có bút lục là bản án cưỡng đoạt tài sản do TAND quận Bình Thạnh là thiếu khách quan.
Ngoài bản án này, nếu xác định nguyên tắc suy đoán vô tội, cần phải đưa kết luận của cơ quan điều tra thành phố Biên Hòa, bởi vụ việc này, khách hàng sau khi thương lượng và công an bắt nhưng sau khi điều tra, cơ quan điều tra đã đình chỉ và xin lỗi vì đã can thiệp vào quan hệ dân sự.
Vì có sự thỏa thuận, nên yêu cầu Tân Hiệp Phát trả tiền thì chỉ là quan hệ dân sự. Do đó, căn cứ vào hành vi không cấu thành tội phạm, bị cáo không phạm tội, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa.
2 luật sư đề nghị tuyên Võ Văn Minh không phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Vào lúc 16h30 HĐXX phiên tòa tạm nghỉ, ngày mai phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận.
Trước đó, vào ngày 3/12/2014, anh Võ Văn Minh lấy chai nước Number 1, loại 350ml là sản phẩm của công ty Tân Hiệp Phát bán cho khách hàng. Trong lúc lấy chai nước ra bán, Minh phát hiện bên trong chai nước có con ruồi nên nảy sinh ý định dùng chai nước Number 1 này “tống tiền” công ty Tân Hiệp Phát. Trong thời gian từ ngày 6/12/2014 đến ngày 27/1/2015, Võ Văn Minh dùng chai nước ngọt Number 1 có con ruồi bên trong đã nhiều lần đe dọa công ty Tân Hiệp Phát yêu cầu công ty này phải giao cho Minh số tiền 1 tỷ đồng. Sau nhiều lần thương lượng với Tân Hiệp Phát, Minh đồng ý giảm số tiền xuống còn 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng của Minh và chai nước Number 1 có con ruồi trên. Minh còn dọa, nếu THP không giao tiền, Minh sẽ cung cấp thông tin cho báo chí đăng tải rộng rãi và in 5.000 tờ rơi nêu lại sự việc trên, nhằm làm hại uy tín của công ty. Trước sự uy hiếp trên, ngày 27/1/2015, ban giám đốc công ty Tân Hiệp Phát phân công 3 nhân viên của công ty đến gặp Minh tại một quán giải khát của tại ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè để giao cho Minh số tiền trên. Ngay sau khi Minh vừa nhận được 500 triệu đồng từ công ty THP, Minh liền bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang ập đến bắt quả tang.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo