Thị trường

Người trồng mít Thái bội thu do giá tăng đột biến

(DNVN) - Ngay từ đầu năm 2018, các chủ vườn mít ở đồng bằng sông Cửu Long lãi lớn vì giá tăng cao đột biến. Với mức giá 43.000 - 60.000 đồng/kg tại vườn, được các thương lái Trung Quốc thu gom, người dân đang lãi lớn vì đây cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm qua.

Người dân bội thu từ mít Thái.

Hiện giá mít loại một bán tại vườn đang trên 40.000 đồng một kg, còn tại chợ là 60.000 đồng. Đây là mức cao kỷ lục so với 5 năm trở lại đây. Mít Thái dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí thấp, cây trồng khoảng 3 - 4 năm tuổi có thể cho năng suất khoảng 3 tấn một công (1.000m2). Bình quân mỗi trái nặng từ 5 - 25kg. Với giá bán như hiện nay, nhà vườn thu lãi cao gấp 2 lần so với thời điểm 2016. Nếu như những năm trước đây thị trường này chỉ thu mua trái mít đã tách múi, bỏ hạt và đóng vào hộp thì nay họ tăng mua mặt hàng mít nguyên trái. Mặt khác, do hiện chưa phải là chính vụ nên giá cao hơn so với thời kỳ vào mùa. 

Theo ông Năm ( tỉnh Tiền Giang), chủ vườn mít cho biết: nếu đỉnh điểm của 2017 có khi giá lên tới 30.000 đồng một kg thì nay nhảy vọt lên 43.000 đồng nhưng không dễ có hàng để bán. Ngay từ đầu năm, các thương lái Trung Quốc tiến hành thu gom hàng ngon nên mặt hàng mít trở nên khan hiếm. Những  quả mít to, ngon được các chủ hàng lựa chọn để xuất khẩu, nên sản lượng mít tại các chủ vườn lớn khu vực đồng bằng sông Cửu Long không còn hàng cung cấp cho thị trường trong nước.

So với  3 năm trước, giá bán tại vườn 15.000 đồng/kg là các chủ vườn đã có lãi. Với mức giá tăng đột biến thì vụ mít năm nay lãi cực lớn. Gia đình nhà ông Năm có 15 cây mít, vì chăm sóc khá cẩn thận nên vườn nhà ông cho trái khá đều và ổn định. Đa phần là trái loại một và hai, một cây chỉ có khoảng 2-3 trái loại 3. Riêng loại một, thương lái đến thu gom ngay tại vườn với giá tới 50.000đồng/kg, mỗi quả mít lên đến cả triệu đồng. Năm nay, với 15 cây mít nhà ông Năm thu hoạch hàng trăm triệu.

Hồ Văn Lập ở ấp 4, xã Cẩm Sơ, Cai Lậy, Tiền Giang nổi tiếng với thương hiệu mít “Ba Cậy” cho biết, năm nay nhà ông thu hoạch 5 tấn. Vì là hàng chất lượng đa phần loại một và hai nên bán rất nhanh. Là chủ vườn lớn, ông có hơn 600 gốc mít, với giá 30.000 - 35.000 đồng/ kg ông thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông Lập cho biết: Năm này tôi bán 43.000 đồng một kg cho loại một (trái trên 9kg) và 35.000 đồng một kg cho loại 2 (trái trên 7kg). Đây là năm mà mít Thái có giá cao nhất từ trước tới nay, doanh thu từ vườn mít của ông được lãi gấp đôi so với năm ngoái. Ông cho biết thêm, những năm trước chỉ mít Thái loại 1 mới bán được giá 15.000 đồng một kg nhưng nay chỉ với hàng loại ông đã bán được với giá này, thậm chí cao hơn.

Ông cũng cho biết, năm nay thị trường Trung Quốc thu gom mít Thái với số lượng lớn nên hàng ngon được thương lái thu mua chuyển đi tiêu thụ các thị trường lớn. Với những sản phẩm bán tại các chợ nội địa đa phần là hàng dạt bị sâu phần đầu. Chưa có năm nào thuận lợi như năm nay. Thương lái liên tục đến tận nhà để gom hàng và trả với giá cao nhưng không còn hàng để bán. Có ngày có 3 - 4 người hỏi nhưng vì bán hết cho người hỏi mua đầu tiên nên không còn hàng để bán”, ông Lập chia sẻ thêm.

 

Không chỉ ở Tiền Giang, Bến Tre nhà vườn bán được mít với giá cao mà tại Cần Thơ, Hậu Giang cũng lãi lớn với mít Thái sớm năm nay. Còn tại các chợ đầu mối lớn ở TP. HCM cho thấy, mít Thái loại 3 cũng được bán với giá khá cao. Tại đây, lượng mít không nhiều đa phần bị sâu đầu nhưng cũng đã có giá trên 20.000 đồng một kg nên khi bán ra có giá 30.000 đồng. Riêng với mít Thái không hạt, giá lên tới 60.000 đồng nhưng cũng chưa phải là loại nhất.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia nông nghiệp, với giá tăng đột biến hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường, diện tích trồng mít sẽ tiếp tục tăng lên. Nếu diện tích tăng với tốc độ nhanh và không có định hướng thì nguy cơ cung vượt cầu sẽ xảy ra. Mặt khác, sản lượng tiêu thụ chủ yếu dựa vào thu mua của thương lái Trung Quốc, nếu họ ngưng thu mua sẽ khiến giá giảm mạnh. Câu chuyện về giá nông sản tăng cao do sự thu mua “đột ngột” của thương lái Trung Quốc rồi sau đó nông sản trở thành rác khi họ không thu mua nữa đã có nhiều bài học xương máu cho nông dân. Vì vậy, người dân cần cân nhắc và cẩn trọng khi đầu tư vốn, tăng diện tích trồng.

Nên đọc
Minh Phượng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo