Tin tức - Sự kiện

Người vay được gói 30.000 tỷ tiết lộ cách "chinh phục" ngân hàng

Theo kinh nghiệm của người đã vay được gói lãi suất 6%, loại giấy tờ mất nhiều thời gian nhất vẫn là xác nhận hợp đồng 3 bên, còn cái quyết định nhất để có thể vay được là chứng minh khả năng trả nợ…

Ngay khi vừa nghe thông tin về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được áp dụng vào tháng 6, chị P.N.H ở Gia Lâm, Hà Nội đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục giấy tờ để mong sớm được vay tiền thanh toán cho việc mua căn hộ tại dự án nhà thu nhập thấp.

Chị H. đã chọn một chi nhánh của ngân hàng BIDV tại Gia Lâm để nộp hồ sơ, thế nhưng thời gian đầu chi nhánh này chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nên chưa tiếp nhận hồ sơ của chị H. được. Sau đó, chị H. nhanh chóng chuyển hồ sơ sang ngân hàng Vietcombank. Tại đây, chỉ mất 2-3 ngày nộp hồ sơ, chị đã được Vietcombank trả lời, cần bổ sung thêm hợp đồng 3 bên giữa chủ đầu tư dự án – ngân hàng – người mua nhà.
 
Tuy nhiên, khi tới chủ đầu tư để xin xác nhận về hợp đồng 3 bên này, chị H. bị “ngâm” tới hơn tháng trời mới lấy được chữ ký của chủ đầu tư ký sau nhiều lần đến gặp, rồi chỉnh sửa các điều khoản giữa ngân hàng và chủ đầu tư.
 
Đổi lại những ngày tháng ngược xuôi vì thủ tục, chị H. cũng vui mừng khi được Vietcombank giải ngân cho vay 450 triệu đồng, tức 50% giá trị căn hộ mà chị chưa nộp cho chủ đầu tư dự án.
 
Nhiều người dân đang có nhu cầu vay gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà.
 
“Một trong số thủ tục để vay được gói lãi suất ưu đãi này, cần phải chứng minh được khả năng trả nợ với ngân hàng. Lương hàng tháng của cả 2 vợ chồng mình rơi vào 16- 17 triệu đồng/tháng, tài khoản lương của mình lại được công ty trả vào tài khoản của Vietcombank nên cũng là điều tiện lợi khi làm thủ tục. Mình cũng đã hướng dẫn đồng nghiệp cơ quan và cũng có thêm 2 trường hợp nữa đã vay được gói lãi suất ưu đãi này”, chị H. chia sẻ.
 
Một trường hợp khác là anh T. cũng đã vay được gói lãi suất ưu đãi này tại Ngân hàng BIDV tiết lộ: điều tiên quyết là người đi vay phải tự khẳng định được khả năng của bản thân trong chuyện chi trả khoản nợ đã vay. Ngân hàng họ sẽ thẩm vấn khá kỹ về điều này trước khi đồng ý cho người đi vay làm hồ sơ vay vốn.
 
Tuy nhiên, mỗi người một hoàn cảnh để có thể chứng minh vấn đề thu nhập xem có đủ khả năng trả nợ hay không. Ví như anh T. chia sẻ trên mạng xã hội: mức lương thu nhập của anh hàng tháng khoảng 13 triệu đồng/tháng, khá cao so với cái khái niệm “nghèo”để được vay gói 30.000 tỷ. Tuy nhiên, trường hợp của anh T. lại được tính theo giảm trừ gia cảnh vì là gia đình neo đơn, nhiều năm nay mình anh nuôi con một mình.
 
Vì thế, trong hồ sơ BIDV yêu cầu anh T. phải hoàn thiện nhiều thủ tục trong đó có cả việc chứng minh đơn thân và con gái đang còn sống lệ thuộc vào bố.
 
Tuy nhiên, khi đã vay được mức tối đa 70% giá trị căn hộ trong vòng 10 năm, anh T. còn chia sẻ thêm cách trả tiền gốc và lãi hàng tháng để những người sẽ và đang làm thủ tục vay gói ưu đãi này nắm rõ hơn.
 
Cụ thể, ngân hàng BIDV đưa ra 2 cách để cho người vay lựa chọn phương án trả nợ. Phương án 1 là: Gốc cố định, lãi giảm trừ. Điều này có nghĩa là người vay sẽ cùng BIDV thỏa thuận một mức chi trả cả gốc lẫn lãi theo mức mà người vay đăng ký trước với số tiền trả gốc là cố định, liên tục trong nhiều tháng. Còn phần lãi sẽ tính theo giá trị tiền vay (tùy theo đợt huy động vốn của chủ đầu tư). Khi nào yêu cầu rót vốn và thực hiện vay tiền thì mới tính lãi suất.
 
Phương án 2: Trả lãi và gốc san đều hàng tháng. Theo phương án này, ngân hàng sẽ chia đều tổng gốc và lãi cho các tháng và người vay sẽ liên tục trả tiền theo một mức cố định cho tới khi hết nợ.
 
Theo chia sẻ kinh nghiệm của anh T., nếu chọn phương án 1 thì số tiền chi trả cả gốc lẫn lãi sẽ thấp hơn so với phương án 2. Tuy nhiên, nếu chọn phương án 2 thì người vay lại có lợi thế là số tiền chi trả chia đều các tháng không quá cao.
 
Với kinh nghiệm của mình, anh T. khuyến cáo: nên chọn cách trả nợ theo phương án 1 nếu người vay đủ khả năng chịu áp lực gia tăng tiền lãi và gốc trong một khoảng thời gian liên tục 5 - 7 tháng khi kề cận ngày bàn giao nhà.
 
Còn nếu người đi vay có thu nhập quá thấp không thể chịu áp lực gia tăng như phương án 1 thì chọn phương án 2 và đương nhiên phải chịu thiệt thòi mất nhiều tiền trả lãi hơn phương án 1.
 
Trả lời báo chí về tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giải ngân gói 30.000 tỷ, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước- Chi nhánh Thành phố Hồ  Chí Minh cho biết:  “Vừa qua, rất nhiều ngân hàng phản ánh nếu cho vay trong 10 năm thì khả năng trả nợ của người thu nhập rất khó, gây áp lực cho người vay, có thể xảy ra nợ xấu và rủi ro cho ngân hàng. Cho nên chúng tôi chúng tôi đề nghị nâng mức thời hạn cho vay lên từ 15 đến 20 năm”.
 
Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành  phố Hồ  Chí Minh nói: “Quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải kết nối được chủ đầu tư, người mua nhà và ngân  hàng để đẩy nhanh giải ngân gói 30.000 tỷ. Chúng tôi cũng kiến nghị cho thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Làm sao người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn nhanh và mức lãi suất chỉ khoảng 3% năm và thời hạn trả vay dài hơn”.
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo