Người Việt chi cả tỉ USD mua điện thoại Trung Quốc
Hàng chục triệu sản phẩm, số tiền chi ra lên đến cả tỉ USD là những con số về mức độ tiêu dùng các sản phẩm điện thoại nhập khẩu của Việt Nam những năm gần đây, bất kể “sức khỏe” nền kinh tế đất nước vẫn đang vật lộn với không ít khó khăn. Đáng chú ý, phần lớn điện thoại trên thị trường Việt Nam là điện thoại NK từ Trung Quốc.
Cuộc chơi công nghệ
Theo nguồn tin riêng của Báo Hải quan, năm 2013, cả nước nhập khẩu (chính ngạch) gần 20 triệu chiếc điện thoại di động, trị giá gần 1 tỉ USD. Năm 2014, mới chỉ tính đến hết tháng 10, số lượng nhập khẩu cũng xấp xỉ 20 triệu chiếc và kim ngạch đã vượt mốc 1 tỉ USD.
Những con số trên chứng tỏ Việt Nam vẫn đang là mảnh đất màu mỡ, là thị trường đầy tiềm năng của mặt hàng điện thoại. Đặc biệt là những dòng điện thoại thông minh (smartphone). Trong một báo cáo đưa ra giữa năm nay, hãng nghiên cứu thị trường GFK đánh giá, điện thoại vẫn là nhóm có mức doanh thu lớn nhất cũng như tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong thị trường hàng công nghệ điện tử Việt Nam. Với mức tăng 33,7% đã giúp doanh thu của nhóm ngành hàng này lên đến con số 11,4 nghìn tỉ đồng trong quí II- 2014.
Có lẽ không cần phải chờ đến báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường hay số liệu thống kê của cơ quan Nhà nước, chỉ cần nhìn qua sự chuyển động của thị trường và những thông tin trên báo chí cũng thấy được mức độ “chịu chơi” của người tiêu dùng Việt Nam. Những dòng điện thoại mới nhất, độc nhất, đắt nhất đều nhanh chóng xuất hiện ở Việt Nam chỉ ít ngày sau khi được giới thiệu ở các thị trường chính trên thế giới, thậm chí có nhiều sản phẩm gần như xuất hiện cùng thời điểm. Và trường hợp ra tận nước ngoài để “xách” những chú dế thời thượng nhằm thỏa thú chơi không phải hiếm.
Nhập điện thoại “bình dân”?
Cuộc chơi công nghệ, nhu cầu mua sắm là quyền tự do của người tiêu dùng. Nhưng ở góc độ kinh tế, có một điểm chúng tôi muốn đề cập đó là các thị trường XK điện thoại chủ yếu cho Việt Nam đều có thuế suất thuế NK 0%. Trong số các thị trường nhập khẩu điện thoại của Việt Nam, Trung Quốc đang áp đảo ở cả tiêu chí số lượng và trị giá. Năm 2013, trong số gần 20 triệu điện thoại di động được nhập về thì Trung Quốc chiếm tới khoảng 19,2 triệu chiếc (tương đương khoảng 96%); đến hết tháng 10, quốc gia này cũng đã đưa vào Việt Nam trên 17,5 triệu chiếc điện thoại. Theo biểu thuế XNK ưu đãi hiện hành (Thông tư 162/2011/TT-BTC) thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) điện thoại NK từ quốc gia này có thuế suất thuế NK 0%. Các thị trường NK lớn khác như Malaysia, Ấn Độ… cũng tương tự. Phải chăng các nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới đã “đón đầu” cơ hội giảm thuế theo những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương có mà Việt Nam tham gia để “né” thuế khi đưa hàng vào nước ta?
Trên thực tế thị trường và đánh giá của các hãng phân tích thị trường, những dòng smartphone vẫn đang chiếm ưu thế và có mức tăng trưởng mạnh. Và giá cả của phân khúc sản phẩm này cũng tương đối cao từ khoảng 10 triệu đồng đến gần 20 triệu đồng/sản phẩm. Nhưng theo tài liệu của phóng viên, phần lớn mặt hàng điện thoại NK vào nước ta có giá trung bình và thấp. Đơn cử như năm 2013, nhập khẩu điện thoại từ Trung Quốc là 19.243.729 chiếc, nhưng tổng giá trị (theo khai báo hải quan) chỉ đạt 933,732 triệu USD. Như vậy, tính ra giá trung bình của 1 chiếc điện thoại từ Trung Quốc chưa đến 50 USD, tính ra khoảng 1 triệu đồng thậm chí điện thoại có xuất xứ từ Malaysia hay Ấn Độ còn có giá thấp hơn… Trong khi đó, giá điện thoại trung bình từ Anh trên dưới 6.000 USD/chiếc (khoảng 120 triệu đồng), tuy nhiên mỗi năm chúng ta chỉ nhập khẩu vài trăm chiếc từ thị trường này.
Theo Báo Hải quan
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp Canada với thị trường Việt Nam
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng
Cột tin quảng cáo