Người Việt mắc bệnh vì hay ăn quá mặn
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người trưởng thành chỉ nên ăn từ 4 - 6 gram muối/ngày (muối tinh), tương đương với 1 thìa cà phê. Nếu dùng quá số lượng trên được gọi là ăn mặn.
Theo thống kê Việt Nam là một trong những nước có khuynh hướng ăn khá nhiều muối, đặc biệt là những người dân ở vùng biển. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam tiêu thụ lượng muối khoảng từ 18 - 22 gram, cao gấp 3 - 4 lần so với khuyến cáo. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ…
Theo Ths. Bs. Doãn Thị Tường Vi, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh 198 giải thích, khi ăn muối vào làm cho lượng natri trong máu cũng tăng, làm tăng áp lực thẩm thấu, kéo nước vào trong lòng mạch, từ đó làm tăng thể tích tuần hoàn, tăng độ nhạy cảm của thành mạch. Và từ đó mạch máu thì co lại mà thể tích tuần hoàn thì tăng lên, như vậy dẫn đến việc tăng huyết áp. Mà khi tăng huyết áp thì tim cũng phải gồng mình lên để chiến thắng áp lực của thành mạch để đưa máu đi nuôi khắp cơ thể, gồng mình đến một lúc nào đó thì sẽ ảnh hưởng đến tim.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình trên thế giới cứ 2 giây lại có 1 người chết vì căn bệnh tim mạch. Dự tính mỗi năm có 17,5 triệu người chết vì tim mạch. Dự đoán đến năm 2020 sẽ có 25 triệu người chết vì căn bệnh này. Trong khi các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân đó chính là thói quen ăn mặn không được kiểm soát.
Vì vậy, việc giảm lượng muối ăn hàng ngày là việc làm cần thiết. Chúng ta có thể giảm lượng muối ăn bằng cách đơn giản là khi nấu nướng giảm bớt nước mắm, muối, bột canh trong các món ăn. Giảm các thức ăn có nhiều muối như: dưa muối, cà muối, thịt ướp muối, cá ướp muối. Khi dùng nước mắm nên hoà loãng nước mắm hoặc thêm gia vị để giảm độ mặn. Chỉ nêm gia vị khi chuẩn bị bắc đồ ăn ra khỏi bếp, vì như vậy lượng muối sẽ không ngấm sâu vào thức ăn.
Theo Thuỳ Minh ( VnMedia )
End of content
Không có tin nào tiếp theo