Tin tức - Sự kiện

Người Việt Nam ưu tiên chữa bệnh tại Việt Nam

Trong khi các bác sĩ trong nước khẳng định tay nghề mình giỏi, điều trị thành công các ca bệnh khó thì mỗi năm khoảng 40 nghìn bệnh nhân trong nước vẫn ra nước ngoài chữa bệnh, đồng nghĩa 1 tỷ USD “chảy” vào bệnh viện ngoại.

Tại hội thảo “Người Việt Nam ưu tiên khám chữa bệnh tại Việt Nam” tổ chức ở TPHCM hôm qua, các chuyên gia cho biết trong những năm gần đây người dân ra nước ngoài chữa bệnh tăng lên đáng kể bất chấp các bệnh viện trong nước ngày một đầu tư hiện đại và đội ngũ tay nghề bác sĩ được nâng lên.

Tuy nhiên, một tín hiệu cũng đáng mừng là cũng một lượng lớn người bệnh nước ngoài lại đến VN để điều trị.

PGS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng- Chủ tịch hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, cho biết mỗi năm có khoảng 300 người nước ngoài đến BV An Sinh, Vạn Hạnh và BV Từ Dũ TPHCM để thực hiện các biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

“Ngoài đội ngũ bác sĩ của VN có tay nghề, nhiều bác sĩ có trình độ cao hơn trình độ chung của khu vực và thế giới, chi phí điều trị thấp mà hiệu quả là một trong những nguyên nhân thu hút bệnh nhân nước ngoài. Chi phí thụ tinh ống nghiệm ở VN chỉ bằng 1/8 so với chi phí kỹ thuật này ở Mỹ và người bệnh không phải chịu thêm chi phí phát sinh khác”- bác sĩ Phượng thông tin.

BV Chợ Rẫy và ĐH Y Dược TPHCM mỗi năm cũng đón hơn 10 ngàn lượt bệnh nhân từ Campuchia và Lào qua điều trị, đa số là các ca bệnh khó nước bạn chưa thực hiện chưa trị được.

Ngoài lượng bệnh nhân lớn qua điều trị, theo đại diện BV Chợ Rẫy, mỗi năm nơi đây cũng đón khoảng 50-100 bác sĩ từ nhiều nước trên thế giới sang học kỹ thuật nội soi ổ bụng.

TS.BS Trương Quang Định- Phó giám đốc BV Nhi đồng 2 TPHCM - cho rằng một hệ thống y tế chưa đồng bộ giữa công và tư cũng khiến người bệnh ra nước ngoài điều trị.

“Bệnh viện công có bác sĩ giỏi, cứu chữa thành công nhiều ca bệnh khó, thậm chí đã ghép thận, ghép gan thành công thì lại thiếu dịch vụ chăm sóc chu đáo. Còn bệnh viện tư lại có thế mạnh dịch vụ nhưng chưa thu hút được bác sĩ giỏi”- bác sĩ Định nói - “Nhiều ca tử vong do tai biến trong giới hạn cho phép đã bị báo chí phản ánh quá mức khiến nhiều người khiếp sợ không còn dám đến bệnh viện trong nước nữa”.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng cách đây 10 năm tỷ lệ tử vong bà mẹ là 165/100 nghìn trẻ sơ sinh đẻ sống nhưng nay con số này chỉ còn 65/100 nghìn trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên báo chí thông tin dày đặc các ca tử vong mẹ sau sinh khiến người dân hoang mang, mất niềm tin vào hệ thống y tế trong nước.

Bác sĩ Nguyễn Thi Hùng- Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương - cho biết đã có nhiều bệnh nhân được lên lịch mổ ở bệnh viện và nhưng trước ngày mổ lại được người thân chuyển đi nước ngoài điều trị.

“Tâm lý sính ngoại của người dân còn nặng nề, trong khi chúng ta lại thiếu giải pháp thu hút và tạo niềm tin cho người bệnh”- bác sĩ Hùng nói.

TS.BS Nguyễn Đình Phú- Phó giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u 12 kg ở chân thành công cho một bệnh nhân ở Campuchia mà trước đó bệnh nhân này đã được bệnh viện ở Thái Lan và Singapore “chê”.

“Những kỹ thuật cao như vậy đã được chúng tôi làm rất thành công nhưng tiếc thay người bệnh vẫn không tin tưởng, vẫn ra nước ngoài trong khi giá dịch vụ ở nước ngoài cao gấp hàng trăm lần”- bác sĩ Phú nói, rồi lấy dẫn chứng cho thấy, thay khớp háng ở BV Nhân dân 115 chỉ 90 triệu đồng trong khi cùng kỹ thuật này ở Singapore là 570 triệu đồng; dùng kỹ thuật DSA động mạch vành có giá 8,4 triệu đồng ở VN nhưng ở Singapore trên 60 triệu hay chụp can thiệp động mạch vành và đặt stend thường ở Việt Nam chỉ 38 triệu đồng trong khi ở Singapore có giá 350 triệu đồng.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Tiền Phong)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo