Người Việt sẽ được khai thác miễn phí dữ liệu ảnh vệ tinh
Tại hội thảo "Giới thiệu hệ thống chia sẻ dữ liệu vệ tinh Vietnam Data Cube" ngày 6/3, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm vệ tinh Việt Nam (VNSC) cho biết, ảnh vệ tinh liên quan đến khu vực thuộc Việt Nam sẽ lưu trữ tại Vietnam Data Cube. Dữ liệu này được cán bộ của VNSC phân tích, xử lý giúp dễ hiểu hơn. Vì vậy bộ, ngành hoặc người dùng có nhu cầu đều có thể truy cập miễn phí, trước mắt là dữ liệu liên quan đến rừng, lúa và nguồn nước.
"Nếu như trước đây để biết sản lượng lúa thường phải thống kê và báo cáo miệng, nhưng với ảnh vệ tinh người sử dụng sẽ có cái nhìn tổng quát về diện tích, độ phát triển của lúa thế nào; hay độ phủ, mất rừng ra sao", ông Tuấn dẫn chứng.
Là đơn vị sử dụng nhiều dữ liệu vệ tinh trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Nguyễn Nghĩa Biên, Viện trưởng Quy hoạch và điều tra rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giai đoạn 2013-2016 đơn vị thực hiện dự án tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc, nhưng gặp nhiều khó khăn. Chất lượng ảnh không đảm bảo, số lượng không đạt, không cung cấp được đầy đủ thông tin tại thời điểm có nhu cầu điều tra. Đơn vị phải bỏ khoảng 20 triệu đồng mỗi ảnh, mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.
"Hy vọng với Vietnam Data Cube, chúng tôi sẽ được tiếp cận miễn phí các bức ảnh đầy đủ rõ nét để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", ông Biên nói.
Các đại biểu quốc tế và Việt Nam tại hội thảo đều cho rằng Vietnam Data Cubetrong tương lai không chỉ là địa chỉ tin cậy chia sẻ dữ liệu vệ tinh mở và miễn phí cho người Việt Nam, mà còn là công cụ hữu dụng với khả năng phân tích mạnh, giúp thực hiện các ứng dụng ảnh vệ tinh dễ dàng.
Hệ thống dữ liệu trên xuất phát từ sáng kiến của Ủy ban Vệ tinh quan sát trái đất (CEOS) mà Việt Nam là thành viên từ năm 2013. Trước tình hình nhiều quốc gia thiếu chuyên gia, cơ sở hạ tầng và tài nguyên để truy cập vào dữ liệu nhằm tạo ra các sản phẩm, CEOS đã xây dựng hệ thống Data Cube.
Thông qua cơ sở dữ liệu vệ tinh miễn phí cùng công cụ khai thác mở, Vietnam Data Cube sẽ góp phần tạo ra nhiều ứng dụng sâu và rộng hơn, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của không chỉ Việt Nam mà còn các nước trong khu vực. Việt Nam mong muốn nhận được nguồn dữ liệu ảnh vệ tinhtừ các thành viên của CEOS và sự hợp tác của các nước trong khu vực để mở rộng thành hệ thống Mekong Data Cube cho các nước tiểu vùng sông Me Kong.
Với sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật, Pháp, Vietnam Data Cube bước đầu hình thành các nguồn dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất Landsat, Alos-2, Sentinel phục vụ ứng dụng trong lĩnh vực theo dõi rừng, lúa và đánh giá chất lượng nước. Tương lai, dữ liệu vệ tinh LotuSat của Việt Nam sẽ đóng góp vào hệ thống này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo