Nguồn gốc của Tết Dương lịch
Từ xa xưa, các nhà nghiên cứu đã chia thời gian thành các ngày, các tháng, các năm. Một số lịch dựa trên sự vận động của Mặt trăng, số khác thì dựa vào vị trí của Mặt trời, trong khi một số lại dựa vào cả Mặt trăng và Mặt trời. Khắp nơi trên thế giới đều có những tín ngưỡng đặc biệt về Tết.
Tết Dương lịch thường được tính vào ngày 1/1, ngày đầu tiên của năm theo lịch Gregorian hiện đại cũng như lịch Julian (được dùng trong thời kỳ La Mã cổ đại). Hầu hết các nước đều sử dụng lịch Gregorian làm lịch chính, nên Tết dương lịch (Tết Tây) là kỳ nghỉ chung duy nhất của các công dân trên toàn cầu, và nó thường được chào đón bằng nghi lễ trang trọng như bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa sang năm mới. Ngày 1/1 theo lịch Julian tương ứng với ngày 14/1 theo lịch Gregorian.
Ngày Tết hiện nay không dùng chung cho tất cả các nước trên thế giới dù về phương diện thống kê, kinh doanh và thương mại. Ngày 1/1 dương lịch vẫn được xem là thời điểm đánh dấu một năm trôi qua và năm mới bắt đầu. Mọi giao dịch mang tính quốc tế đều theo dương lịch cho thống nhất và tiện lợi.
Ngày đầu năm mới đã có từ lâu và biến đổi qua nhiều thiên kỷ theo lịch sử tiến hóa của loài người. Nó bắt đầu từ thời cổ đại, và tồn tại cùng với dòng chảy văn minh. Ngày và giờ được quy định khác nhau ở từng quốc gia và từng lục địa tùy theo tiết khí, múi giờ... đồng thời cũng tùy vào chủng tộc và nền văn hóa của từng nước, từng tôn giáo.
Đế quốc La Mã là nước đầu tiên chọn ngày 1/1 là ngày Năm mới (New Year’s Day) trong hệ thống lịch Julian do hoàng đế Julius Caesar đề xướng. Còn trước đó, ngày 25/3 (ngày Xuân phân - vernal equinox) được chọn là ngày đầu năm dương lịch. Ngày Năm mới 25/3 này được đa số các nước theo đạo Cơ đốc ở châu Âu chấp nhận từ thời Trung cổ 1.100 - 1.400 TCN. Ngày này, không phải là thời điểm thu hoạch vụ mùa hay tiết trời đặc biệt nào mà chỉ là ngày các nguyên lão trúng cử bắt đầu nhận nhiệm vụ mới trong Viện Nguyên lão (Thượng viện) của đế quốc La Mã mà thôi. Như vậy, thời đế quốc La Mã, ngày đầu năm được tính lùi lại ba tháng và ngày 25/3 đuợc xem là ngày đầu năm.
Sau này, mỗi hoàng đế La Mã lên trị vì thường đặt thêm tên khác cho tháng. Ví dụ tháng 9 (September) còn gọi là “Germanucus”, “Antonius” hay “Tacitus”, và tháng 11 (November) còn gọi là “Domitianus”, “Faustinus” hay “Romanus”. Thấy những bất tiện này, hoàng đế Julius Caesar cho lập bộ lịch mới (Julian Caesar). Lịch mới là phát minh của nhà thiên văn người Hy Lạp Alexandria, trong đó, ông tính hệ thống thời gian cho lịch theo Mặt trời. Caesar muốn thay đổi ngày đầu năm là ngày 1/1, ngày mà ông cho là hợp lý nhất, vì như vậy sẽ phù hợp với điểm chí (Solstices) hay điểm phân (Equinoxes) và tiết khí. Các tháng 9, 10, 11, 12 đôn lên thành 7, 8, 9 và 10. Để ghi ơn Julius Caesar, bộ lịch cách tân Julian được Viện Nguyên lão dành riêng tháng 7 (July, xuất xứ từ chữ Julius) cho tháng sinh nhật của ông (Quintilis). Đến đời cháu của Caesar, hoàng đế Augustus cũng được dành ra tháng 8 “August” để nhớ tháng sinh nhật Sextilis của ông. Công lớn của Augutus là sửa sai cách tính toán của năm nhuần.
Đến lịch Gregory XII (Gregorian Calendar)
Lịch Julian được chấp nhận ở Venice, Ý, (năm 1522); Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, người Cơ đốc giáo ở Nam châu Âu (năm 1556); đế quốc Phổ, Đan Mạch, Thụy Điển (năm 1559); Pháp (năm 1564). Đến năm 1582, lịch Julian mất chỗ đứng khi Giáo hoàng Gregory XII ngay sau ngày nhậm chức đã dùng phương pháp tính lịch hiện đại để phân chia tháng, năm. Giáo hoàng sửa đổi và ấn định ngày đầu của năm mới (new year) là ngày 1/1 bất chấp những chống đối của nhiều hiệp hội tín đồ Cơ đốc giáo. Trong lịch sửa đổi có tên “Lịch Gregorian”, 10 ngày trong tháng 10 bị bỏ đi. Như vậy, ngày 4/10/1582 nhảy sang ngày 15/10/1582 và tiếp tục.
Bằng cách này, giáo hoàng đã xóa bỏ 11 ngày nhuần dự trù cho năm 1700 để các năm đầu thế kỷ 1700, 1800 và 1900 không phải là năm nhuần mà đến năm 2000 chuyển giao thiên niên kỷ mới nhuần. Các nước theo đạo Công giáo tiếp nhận ngày “new year” trong lịch Gregorian sớm nhất. Người Bắc Âu, Hà Lan (năm 1583); Scotland (năm 1600); sau đó đến những nước theo đạo Tin lành và nước Đức chấp nhận ngày “new year” vào năm 1700, Nga (năm 1725); Anh, Mỹ, Canada (năm 1752) và Thụy Điển (năm 1753).
Tất cả đều đồng tình với việc xóa bỏ 11 ngày của năm nhuần 1700.Tháng Giêng (January) được đặt tên theo vị thần Janus, người được phác họa có hai đầu. Một trông về phía trước, một trông về phía sau, biểu tượng cho sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới. Người Hy Lạp thời điểm này có truyền thống trưng một đứa bé sơ sinh vào trong một cái rổ tượng trưng cho sự màu mỡ, sinh sôi, nảy nở. Người theo Cơ đốc giáo cũng làm theo nghi lễ này tượng trưng cho sự sinh ra Chúa trời và như một nghi thức hành đạo. Ngày nay, biểu tượng bắt đầu của năm mới là một đứa trẻ sơ sinh và hình ảnh một ông già khép lại năm cũ.
Tết Mặt trăng
Người Trung Quốc tính theo hệ thống Mặt trăng cho nên ngày năm mới rơi vào ngày bắt đầu có trăng của tháng, khoảng 4 hay 8 tuần trước khi mùa xuân đến. Ngày chính xác có thể rơi vào khoảng giữa ngày 21/1 và 21/2 của lịch Gregorian. Lịch Trung Quốc thành lập không giống lịch Gregorian bởi vì phạm vi của mùa thay đổi. Và mỗi năm có can chi khác nhau (Mậu Tý chẳng hạn) tượng trưng cho 1 trong 12 con giáp luân phiên theo quy luật Ngũ hành với chu kỳ 60 năm. Tết Nguyên đán Việt Nam từ xưa dựa theo lịch Trung Quốc. Nguyên nghĩa của từ “Tết” chính là “tiết”.
Văn hóa Đông Á - thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước - do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (và ứng với mỗi tiết này có một thời khắc “giao thời”) trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán sau này được biết đến là Tết Nguyên đán.
Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên đán có từ đời Tam hoàng Ngũ đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, tức tháng Dần là Tết. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng Chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng 11, làm tháng Tết.
Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng 10. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng Giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng, ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế mà ngày Tết thường được kể từ ngày mồng 1 cho đến hết ngày mồng 7 tháng Giêng (8 ngày).Tết Nguyên đán là lễ tết đầu tiên của một năm. Tết được bắt đầu từ lúc giao thừa cùng với lễ trừ tịch. Theo chữ Hán, “Nguyên” có nghĩa là bắt đầu, “Đán” là buổi sớm mai. Tết Nguyên đán tức là Tết bắt đầu của năm, mở đầu cho mọi công ăn việc làm với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang.
End of content
Không có tin nào tiếp theo