Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch
Vào ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch hàng năm, người Việt thường có tục lệ dâng lên tổ tiên món bánh trôi, bánh chay. Đây không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là nét đẹp trong nghệ thuật ẩm thực.
Được biết từ xa xưa ngày Tết Hàn thực được hiểu theo nghĩa chữ Hán "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo tin tức trên báo An ninh thủ đô.
Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở.
Bấy giờ, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng mười chín năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm, ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói.
Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng (muốn thúc ép Giới Tử Thôi quay về). Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.
Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3/3 đến mồng 5/3 âm lịch hàng năm). Từ đó ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm được coi là ngày Tết Hàn thực, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Do giao lưu văn hoá lâu đời với Trung Hoa nên người Việt cũng ảnh hưởng Tết Hàn thực. Nhưng ở Việt Nam Tết Hàn thực không phải để tưởng nhớ đến Tử Thôi mà mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, khi sang tháng 3, thời tiết bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa hè. Để đánh dấu giai đoạn chuyển mình này của vạn vật, vào ngày 3/3 âm lịch, người dân làm bánh trôi, bánh chay để cúng tế đất trời, tổ tiên, báo Vietnamnet đưa tin.
Người Việt đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng là những món ăn nguội. Vì vậy người Việt gọi ngày mùng 3/3 âm lịch là tết bánh trôi - bánh chay.
Và cũng trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày này cũng cố gắng về với gia đình để đi tảo mộ, cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp.
Hiện, Tết bánh trôi bánh chay là một ngày lễ quan trọng ở nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ. Trong ngày này, người dân thưởng thức những đồ ăn lạnh thay vì nổi lửa nấu nướng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Quảng Nam: Làng rau Trà Quế được công nhận “Làng du lịch tốt nhất” năm 2024
Đồng Tháp khởi xướng sáng kiến thành lập “Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong”
Bộ Y tế đề xuất áp thuế 40% với nước giải khát có đường
Khát vọng xây dựng một ASEAN kết nối, sáng tạo hơn
Khởi động cuộc thi công nghệ ICT Competition cho sinh viên
Dai-ichi Life Việt Nam được vinh danh 'Doanh nghiệp vì cộng đồng'