Nguy cơ cúm H7N9 xâm nhập vào Việt Nam rất lớn
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Đến nay, tại Trung Quốc đã có 43 ca nhiễm cúm A(H7N9); trong đó có 11 ca tử vong trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố phía đông Trung Quốc là Thượng Hải, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang. Tất cả các trường hợp mắc bệnh ở Trung Quốc đều bị viêm đường hô hấp nặng với triệu chứng là: sốt, ho và khó thở. Là nước có chung đường biên giới với Trung Quốc nên nguy cơ cúm A (H7N9) xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt tất cả các cấp của hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương tăng cường giám sát, bảo đảm phát hiện sớm các ổ dịch; đồng thời, có các văn bản yêu cầu sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong hoạt động phòng chống cúm A (H7N9).
Bộ Y tế đã phê duyệt "Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A (H7N9) tại Việt Nam" nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: Dịch bệnh cúm A (H7N9) có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát dịch rất cao ở Việt Nam. Nguyên nhân là do chủng virus mới cúm A (H7N9) chưa từng gây bệnh cho người, có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm. Tại Trung Quốc, đã phát hiện virus cúm A (H7N9) trên chim bồ câu bán tại chợ nhưng chưa có bằng chứng về việc virus cúm A (H7N9) lây truyền từ gia cầm sang người hoặc từ người sang người.
Bên cạnh đó, tình hình dịch tại Trung Quốc liên tục gia tăng, diễn biến phức tạp, rải rác nhiều tỉnh gây khó khăn trong việc kiểm soát sự lây truyền và khống chế dịch. Đặc tính của virus cúm A dễ biến đổi, tính thích nghi cao nên nguy cơ lây nhiễm từ người sang người là có thể xảy ra. Vấn đề vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới hết sức phức tạp khó có khả năng ngăn chặn; việc giao lưu đi lại của người dân giữa hai quốc gia là rất lớn, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu cũng cho biết: Đến nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A (H7N9) trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đầu năm 2013 đã ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong do cúm A (H5N1). Đáng chú ý hiện nay có một số ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm tại Đồng Tháp và chim yến tại Ninh Thuận. Vì vậy, số trường hợp mắc trên người có thể sẽ tiếp tục gia tăng do các ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm, chim vẫn xảy ra rải rác; việc xử lý triệt để ổ dịch ở các loài chim là khó khăn; đặc biệt hiện tượng nhiễm virus không biểu hiện bệnh ở thủy cầm.
Theo các chuyên gia y tế: Cúm A (H7N9) hiện chưa rõ nguồn lây bệnh cũng như phương thức lây truyền, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. virus cúm A (H7N9) ở người có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm; độ tuổi mắc bệnh cao ở nhóm trên 60 tuổi, chủ yếu là nam giới; thời gian từ ngày khởi phát đến khi xác định trung bình là 10,76 ngày. Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh; các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.
Trước tình hình trên, để phòng chống cúm A(H7N9) có hiệu quả, Bộ Y tế sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời không để lây lan sang người; tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường năng lực xét nghiệm xác định bệnh cúm A (H7N9), giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh trên người.
Đồng thời, thiếp lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường năng lực, trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong; tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về phác đồ điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H7N9) ở người; tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; phối hợp với các bộ ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; quản lý mua bán gia cầm.
Bộ Y tế tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới để chia sẻ thông tin dịch bệnh, các biện pháp giám sát; huy động sự hỗ trợ thuốc, trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch; thành lập Trung tâm hành động khẩn cấp về các bệnh mới nổi./.
Theo Thu Phương (TTXVN)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản