Thị trường

Nguy cơ sụp đổ công nghiệp ôtô Việt Nam

Tuyên bố của tổng giám đốc liên doanh Toyota VN về việc cân nhắc ngưng lắp ráp ôtô tại VN để chuyển sang nhập khẩu cho thấy nguy cơ sụp đổ ngành công nghiệp ôtô dần trở nên hiện thực.

 Hàng trăm ôtô được nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật để bán cho người tiêu dùng Việt Nam. Trong ảnh: một góc bãi để xe bên trong Công ty liên doanh VSM - Ảnh: Lê Nam

 

 Nguy cơ này không chỉ từ các doanh nghiệp ôtô mà còn từ người tiêu dùng.
 
Sau một thời gian tìm hiểu, lái thử các dòng xe du lịch năm chỗ ngồi do các doanh nghiệp trong nước lắp ráp, ông V.T. (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) vừa quyết định mua chiếc Mitsubishi Attrage CVT (năm chỗ ngồi) nhập khẩu từ Thái Lan với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.
 
Xe nhập nhiều tiện ích hơn
 
“Chạy thử mấy chiếc sản xuất trong nước của mấy người bạn, tôi cảm thấy chiếc xe ngoại nhập này thoải mái hơn vì rộng rãi và nhiều tiện ích như: đầu DVD cảm ứng, ghế da, khởi động bằng nút bấm, chìa khóa thông minh, tiết kiệm nhiên liệu... trong khi giá khá mềm” - ông V.T. phân tích.
 
Xe ngoại nhập gần đây đã kéo được một số lượng lớn người tiêu dùng chọn mua vì cho rằng chất lượng tốt hơn xe sản xuất trong nước. Số lượng xe được các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô VN nhập khẩu từ Thái Lan đưa về VN bán đang ngày càng tăng vì lợi thế về thuế nhập khẩu và nhiều chủng loại.
 
Dự báo được xu hướng của thị trường với sự thay đổi của các dòng thuế nhập khẩu, từ hơn một năm trước một số doanh nghiệp sản xuất ôtô đã bắt đầu chuyển dần từ lắp ráp sang nhập khẩu.
 
Có mặt tại khu nhà văn phòng của liên doanh Vinastar (VSM, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM), liên doanh chuyên sản xuất xe hiệu Mitsubishi, vào đầu tháng 4-2015, chúng tôi quan sát thấy bãi đậu có khoảng 200 ôtô nhập khẩu. Trong đó có rất ít xe Pajero Sport do VSM nhập khẩu linh kiện về lắp ráp.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kazuhiro Yamana, tổng giám đốc VSM, cho biết khu nhà xưởng kia giờ chỉ còn tập trung lắp ráp dòng xe duy nhất Pajero Sport với công suất khoảng 100 xe/tháng. Thời hoàng kim của VSM trung bình một tháng nhà máy này lắp ráp hơn 410 xe, nhưng nay chiến lược kinh doanh thay đổi nên số lượng công nhân cũng vì thế giảm theo.
 
Trong năm tài chính 2014 (từ tháng 4-2014 đến tháng 3-2015), VSM bán được 2.530 xe các loại, trong đó 1.660 xe nhập khẩu từ Thái Lan và Nhật Bản.
 
“Tuy chỉ đạt khoảng 80% mục tiêu (3.000 xe) mà chúng tôi đặt ra, nhưng con số này cũng tăng trưởng 59% so với năm tài chính trước” - ông Yamana chia sẻ.
 
VSM là thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) có tỉ lệ xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài về bán và phân phối tại VN nhiều nhất để hưởng lợi thế thuế nhập khẩu.
 
“Mục tiêu của chúng tôi là tính toán cách nào: nhập khẩu xe nguyên chiếc hay nhập linh kiện về để lắp ráp trong nước để giá thành chiếc xe bán ra cho người tiêu dùng VN thấp nhất. Do nhiều lý do, năm dòng xe chúng tôi nhập khẩu về bán tại VN nếu lắp trong nước giá sẽ cao hơn rất nhiều” - ông Yamana khẳng định.
 
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp đầu tháng 4-2015, tổng giám đốc Công ty ôtô Toyota VN (TMV) Yoshihisa Maruta cho biết TMV đang đứng trước ngã ba đường: nhập khẩu hay tiếp tục sản xuất trong khi chỉ còn chưa đầy ba năm nữa thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước khu vực Đông Nam Á chỉ còn bằng 0%, trong khi VAMA chưa biết Chính phủ có chính sách hỗ trợ gì để các doanh nghiệp ôtô có thể dồn sức tập trung sản xuất một dòng ôtô cung cấp cho thị trường nội địa.
 
Giá một chiếc ôtô năm chỗ nhập về từ Thái Lan sau khi cộng thuế, phí (giả định thuế trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và các loại phí xe này không thay đổi) - Ảnh: Thuận Thắng - Đồ họa: V.Cường
 
Sản xuất trong nước cao
 
Theo tính toán của các nhà sản xuất ôtô, giá ôtô VN cao gấp 2,5 lần so với giá bán xe ở các nước trong khu vực ASEAN. Chiếc Outlander Sport CVT do VSM nhập khẩu từ Nhật (thuế nhập khẩu 70%) khi đến tay người tiêu dùng VN giá là 870 triệu đồng. 
 
Lý do khiến giá xe sản xuất trong nước quá cao làm giảm khả năng cạnh tranh của ôtô lắp ráp trong nước so với xe nhập khẩu, theo ông Yamana, chính là việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt quá “kỳ lạ”.
 
Thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nhập khẩu nguyên chiếc là giá CIF đã bao gồm cước và phí bảo hiểm, trong khi xe lắp ráp trong nước, thuế tiêu thụ đặc biệt tính căn cứ trên giá bán ra cho đại lý, mức giá này gồm lợi nhuận của doanh nghiệp, cước vận chuyển từ nơi sản xuất đến đại lý và một số chi phí khác như quảng cáo...
 
“Với cách tính này giá xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc tương đương sẽ chênh lệch nhau ít nhất 5%” - ông Yamana phân tích.
 
 

 Khuyến nghị giảm thuế linh kiện

 
Bên lề Hội thảo “Đánh giá tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới kinh tế VN” tổ chức ngày 9-4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khuyến nghị nên hạ thuế nhập khẩu.
 
“Bởi nếu không hạ thuế nhập khẩu linh kiện, chắc chắn thời gian tới không chỉ Toyota mà nhiều doanh nghiệp ôtô khác sẽ quay sang nhập khẩu ôtô chứ không dại gì nhập khẩu linh kiện ôtô về lắp ráp, sản xuất trong nước. Bởi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc áp mức 0% trong khi nhập linh kiện về để lắp ráp sản xuất phải nộp thuế” - ông Mại nói. 
 
Theo ông Mại, dù triển khai chiến lược ôtô từ năm 1991, nhưng đến nay mỗi năm VN chỉ sản xuất được có 120.000 chiếc và vẫn phải nhập khẩu linh kiện chủ yếu, chưa kể nhập khẩu ôtô nguyên chiếc.
 
Trong khi đó, cũng chỉ triển khai chiến lược ôtô từ năm 1990, nhưng những năm gần đây Thái Lan sản xuất bình quân khoảng 2,5 triệu chiếc/năm, trong đó xuất khẩu 1,45 triệu chiếc/năm. Như vậy, theo ông Mại, có thể nói đến nay chiến lược phát triển ngành ôtô của VN đã thất bại hoàn toàn.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu để đưa ra giải pháp, hướng điều hành là sẽ phải hạ thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô nhập khẩu xuống.Lê Thanh
Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo