Nguy cơ trầm cảm
Bởi bọn trẻ suốt ngày ngồi mạng, cửa đóng kín mít. Hỏi thì bọn trẻ bảo, “con đang học trực tuyến trên mạng”, nhưng có trời mới biết chúng làm gì trong đấy. Nhiều sinh viên “nghiện” mạng đến mức, cứ 10 phút là đăng nhập vào mạng xã hội ở điện thoại 3G một lần, để xem “thiên hạ đang làm gì”, mặc cho thầy giáo cứ giảng trên lớp…
Sức hấp dẫn từ tính tương tác của mạng xã hội là điều không thể chối từ. Với hàng loạt các tiện ích như chia sẻ ảnh, viết nhật kí, chia sẻ đường link, khả năng kết nối rộng lớn, các trang mạng xã hội đã nhanh chóng khiến cho giới trẻ ham mê.
Nhiều bạn “đốt” không ít thời gian vào việc comment, up album ảnh mới trên “nhà mình”.
Hồng Mai, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Một ngày mà không được vào mạng, không được đăng nhập facebook hay yahoo, skype là em cảm thấy bứt rứt và khó chịu như thiếu một cái gì ấy. Hàng ngày, ngoài lúc đi học là bọn em lang thang trên mạng. Dường như, đấy là một thế giới khác của chúng em. Có khi ngồi cả buổi sáng trên lớp với nhau, chẳng nói câu nào, vậy mà buổi chiều ngồi trên mạng, bọn em “chém gió phần phật”, sôi nổi hơn cả ngoài đời thật”.
Ở trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 1), các bạn sinh viên năm thứ 2 truyền tai nhau câu chuyện của Bảo Châu, một “tín đồ” của các mạng xã hội. Cô này rất “nghiện” vào mạng đến mức đi ngủ vẫn “ôm” cái máy tính vào người.
Bố mẹ Châu sợ quá, liền cắt internet nhưng từ hôm đó Châu lại phát ốm, người như bị “ma nhập”, làm gì cũng đờ đẫn, chậm chạp. Thấy con gái như thế, bố mẹ cô đành “xuống nước” nối lại internet nhưng mỗi ngày chỉ cho cô vào mạng 3 tiếng.
Không chỉ có học sinh, sinh viên mà dân công sở cũng là “con nghiện” internet. Hàng ngày, ngoài 8 tiếng “thường trực” trên mạng, nhiều người về nhà còn “cày” tiếp. Thậm chí, buổi sáng trước khi bắt tay vào làm việc, thay vì đọc báo nhiều người lướt qua các trang yahoo, facebook xem “có gì mới không”, thì mới yên tâm làm việc.
Bác sĩ Mạnh Quân - Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho rằng: “Một số người ôm máy tính hơn 10 tiếng/ngày để vào mạng, thậm chí không cần ăn và ngủ thì đúng là họ đang bị bệnh. Đó là những biểu hiện rất rõ của việc nghiện… lướt internet, chơi game.
Nếu ngồi Internet nhiều, họ sẽ bị trầm cảm, không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài và cái gì cũng sợ. Họ không muốn gặp gỡ bạn bè, không muốn tham gia các buổi tụ họp gia đình. Điều này không tốt cho những người đang nhiệt huyết phấn đấu và học tập.
Các bạn trẻ cần dành nhiều thời gian để tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi lành mạnh, cân bằng nhịp sống. Sự hiện diện và phát triển của mạng internet là khách quan, nhưng tiếp nhận chúng thế nào là do chủ quan của người sử dụng.
Người trẻ cần nhận thức đúng, mạng xã hội chỉ là công cụ để tiếp cận thông tin, chứ không phải là nơi “sống trú ngụ” trên đó”.
Nguy cơ bị trầm cảm
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng: “Khi người trẻ dành quá nhiều thời gian để vào các trang web hay diễn đàn xã hội cũng là lúc những thói quen như ăn uống, ngủ, nghỉ, kết bạn bắt đầu thay đổi. Nguy hại hơn, họ có xu hướng kết bạn và chơi theo một nhóm cô lập mà nhiều người gọi là “trầm cảm online”, xa rời nhịp sống thường nhật. Vì thế, để mạng xã hội đúng là công cụ giúp chúng ta tìm hiểu thông tin, thì cần định hướng những người trẻ nên sử dụng mạng xã hội điều độ, kết hợp với những thú vui khác phát triển cân bằng, đúng hướng”. |
Theo NĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo