Tin tức - Sự kiện

Nguyên Phó bí thư Đồng Nai xin thôi đại biểu Quốc hội do 'sức khoẻ kém'

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, việc xử lý các đại biểu Quốc hội có vi phạm đều được làm đúng quy định pháp luật, "không ưu ái ai".

Sáng 19/5, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo giới thiệu về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.

Phóng viên nêu câu hỏi, vì sao vừa qua bà Phan Thị Mỹ Thanh - nguyên Phó bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, được xác định có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng, nhưng Uỷ ban thường vụ Quốc hội lại cho bà này thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội theo nguyện vọng cá nhân, chứ không phải là tiến hành bãi nhiệm?

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Giang Huy.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, ngày 4/5, Ban bí thư đã quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng của Phó bí thư Đồng Nai; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà này theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được đơn của bà Phan Thị Mỹ Thanh xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu, vì lý do sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về mặt Đảng.

"Chắc do bị kỷ luật về Đảng, bà Thanh khủng hoảng tinh thần, sức khoẻ giảm sút nên có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu", ông Phúc nêu.

Ông Phúc cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo sự việc trên và được Ban bí thư đồng ý để cấp có thẩm quyền, theo quy định pháp luật tiến hành các thủ tục cho bà Thanh thôi nhiệm vụ đại biểu.

"Việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng trong thời gian Quốc hội không họp thì Uỷ ban Thường vụ có quyền cho thôi và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất", ông Phúc nói.

Ngoài ra, theo ông, báo cáo của Thường trực Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ tỉnh Đồng Nai cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đều đồng thuận để Thường vụ cho bà Thanh thôi nhiệm vụ.

 

Giải đáp tiếp câu hỏi về việc xử lý các đại biểu có vi phạm, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh, tất cả các trường hợp không công nhận tư cách, cho thôi nhiệm vụ hay bãi nhiệm đại biểu từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều được làm đúng quy định pháp luật, "không ưu ái ai, không có vùng cấm, mức độ vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó".

Phóng viên cũng nêu câu hỏi về trường hợp đại biểu Quốc hội Đinh Thế Huynh (đoàn đại biểu Đà Nẵng), được thông báo điều trị bệnh từ tháng 8/2017 và đến tháng 3/2018 thì thôi giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021 để tiếp tục chữa bệnh dài hạn. "Không tham gia các hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, như vậy, ông Đinh Thế Huynh có đủ điều kiện làm đại biểu hay không?".

Tổng thư ký Quốc hội trả lời: "Ông Đinh thế Huynh là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý. Đảng đoàn Quốc hội sẽ xem xét khi các cơ quan của Bộ Chính trị có ý kiến".

Phó tổng thư ký Quốc hội Lê  Bộ Lĩnh thông tin về nội dung dự kiến kỳ họp thứ 5. Ảnh: Giang Huy.

40% thời lượng kỳ họp được truyền hình trực tiếp

Tại cuộc họp báo, Phó tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, kỳ họp lần này sẽ khai mạc vào ngày 21/5 và dự kiến bế mạc vào 15/6.

 

Theo thông lệ, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp) và dành khá nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao.

Cụ thể, Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi)...

Các dự án luật khác được Quốc hội cho ý kiến gồm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục...

Tại kỳ họp này, Quốc hội cải tiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn như đã thí điểm tại phiên họp 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là một phút (thay vì 3 phút như trước đây) và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút (thay vì 7 phút).

Theo chương trình dự kiến, có 15 phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi (chiếm khoảng 40% thời lượng của kỳ họp).

 

Ngoài nội dung theo quy định như khai mạc, bế mạc, chất vấn,... thì phiên họp giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; phiên thảo luận dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Quốc hội khóa XIV có 496 người trúng cử, sau đó 2 người không được công nhận tư cách là ông Trịnh Xuân Thanh (ứng cử tại Hậu Giang) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (ứng cử tại Hà Nội).

Ngày 15/5/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã biểu quyết, nhất trí về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Võ Kim Cự (Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam) vì ông này đã bị thi hành kỷ luật và có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu với lý do sức khỏe.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo