Chứng khoán

Nhà đầu tư lo sợ, VN- Index mất mốc 580

(DNVN) - Dù đà tăng của thị trường vẫn được duy trì trên cả 2 sàn, nhưng phiên tăng điểm với thanh khoản tăng vọt hôm nay khi lực bán gia tăng mạnh khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy lo sợ.

Tưởng chừng thị trường sẽ có phiên tăng điểm ấn tượng thứ 2 liên tiếp và ngưỡng kháng cự khó chịu 580 điểm sẽ được chinh phục trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, dường như với VN-Index, đây vẫn là rảo cản khó vượt qua.

Ngay sau khi kéo VN-Index lên gần mức 586 điểm trong nửa đầu phiên chiều với hàng trăm mã tăng giá, trong đó nhiều mã được kéo lên mức giá trần, thì lực bán đã ồ ạt được tung vào, khiến các lệnh mua đuổi không kịp rút đã bị hấp thụ hết. Càng về cuối phiên, áp lực bán càng tăng mạnh và đẩy VN-Index xuống mức điểm gần thấp nhất trong ngày.

Kết thúc phiên, VN-Index tăng 1,76 điểm (+0,3%), lên 579,83 điểm với 135 mã tăng và 102 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 193,17 triệu đơn vị, giá trị 2.934,32 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ phiên 20/3 - phiên chốt danh mục của ETFs. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp hơn 10,3 triệu đơn vị, giá trị 157 tỷ đồng.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,14 điểm (+1,31%), lên 87,85 điểm với 119 mã tăng và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 94,9 triệu đơn vị, giá trị 1.135,66 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ ngày 9/12/2014. Trong đó, giao dịch thỏa thuận cũng đóng góp khá khiêm tốn với hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 44,9 tỷ đồng.
Giao dịch trong phiên hôm nay diễn ra sôi động, thanh khoản thị trường tăng vọt lên mức trên 4.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị giao dịch trên sàn HNX phiên hôm nay đạt hơn 1.100 tỷ đồng, đã từ rất lâu thanh khoản của sàn HNX mới đạt trên 1.000 tỷ đồng kể từ phiên giao dịch ngày 14/12/2014 (1.077,5 tỷ đồng).
Về cuối phiên giao dịch, lực bán có phần bị đẩy lên cao và khiến khá nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu như BVH, GAS, MSN, VCG… Trong đó, BVH giảm 600 đồng xuống còn 35.300 đồng/CP. GAS giảm 500 đồng xuống còn 63.500 đồng/CP.

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu dòng ngân hàng là CTG, VCB, ACB… vẫn duy trì được sắc xanh, tuy nhiên, mức tăng của các mã này đã suy yếu đáng kể so với phiên sáng. Khép phiên giao dịch, CTG chỉ còn tăng 300 đồng lên 19.900 đồng/CP và khớp lệnh gần 3,5 triệu đơn vị.
 ACB tăng 300 đồng lên 21.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, mặc dù có mức tăng rất mạnh ở phiên sáng, tuy nhiên, BID đã lùi về đứng ở mức giá tham chiếu, với khối lượng khớp lệnh hơn 2,9 triệu đơn vị.
Trên HOSE, đợt sóng cuối phiên sáng, đầu phiên chiều kéo nhiều mã tăng mạnh, như DCM, GTN, QCG, CII, thậm chí là FLC cũng có lúc được kéo thẳng lên mức trần 9.600 đồng trong nửa đầu phiên chiều.

Tuy nhiên, áp lực bán cuối phiên đã kéo nhiều mã trở lại, trong đó FLC được khớp tới 29,8 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 3,33%, lên 9.300 đồng, nhỉnh hơn phiên sáng 1 bước giá.
CII dù có lúc được đẩy lên trên tham chiếu, nhưng cuối cùng cũng chấp nhận đóng cửa giảm 1,29%, xuống 23.000 đồng với 14,95 triệu đơn vị được khớp. HHS cũng có lúc lên mức giá trần 31.600 đồng, nhưng cuối cùng chỉ đóng cửa ở mức 30.500 đồng, tăng hơn 3% với gần 4 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, OGC vẫn an vị ở mức sàn 2.600 đồng với hơn 6,35 triệu đơn vị được khớp, tuy nhiên, biên độ dao động của mã này chỉ 3 bước là sàn, tham chiếu và trần. Các mã khác như HAI, DLG, ITA, VHG vẫn chỉ loanh quanh tham chiếu.

Đà tăng của nhóm ngân hàng, dầu khí, chứng khoán cũng không còn được duy trì mạnh như phiên sáng, thậm chí có một số mã đóng cửa trong sắc đỏ như GAS, nhóm chứng khoán, cùng một số mã lớn khác như MSN, BVH, FPT…
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên HOSE và mua vào trên HNX. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 2,44 triệu đơn vi, giá trị bán ròng 57,27 tỷ đồng trên HOSE, trong khi mua ròng nhẹ hơn 419.000 đơn vị, giá trị mua ròng 14,85 tỷ đồng trên HNX.
Phiên tăng điểm với thanh khoản tăng vọt hôm nay đem lại cảm giác run sợ về phiên phân phối đỉnh với nhà đầu tư. Nếu điều này xảy ra, giống như phiên 4/3 và nó đánh dấu xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường có thể đã chấm dứt. 
Tuy nhiên, với tâm lý lạc quan hiện nay, hy vọng đây chỉ là áp lực chốt lời, hiện thực hóa lợi nhuận của một số nhà đầu tư, nhằm sàng lọc bớt những người “yếu bóng vía” để thị trường bước vào đợt sóng mới, đón đầu kỳ đảo danh mục của các quỹ ETFs.

Ngọc Huệ (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo