Chứng khoán

Nhà đầu tư mong được… vay chứng khoán

Quy chế tổ chức hoạt động vay và cho vay chứng khoán (SBL) mà Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) vừa ban hành mở ra cơ chế cho phép nhà đầu tư có chứng khoán quyền được cho vay sinh lợi.

Tuy nhiên, đối tượng được đi vay hiện khá bó hẹp, chỉ có thành viên có giao dịch sửa lỗi và thành viên lập quỹ (AP).

Chứng khoán nhàn rỗi có thể cho vay

Do đối tượng được đi vay chứng khoán khá bó hẹp, nên nhà đầu tư có chứng khoán muốn cho vay sẽ không dễ dàng để tìm được người có nhu cầu vay. Tuy vậy, cơ chế cho phép người có chứng khoán được cho vay đã được quy định cụ thể, nên sẽ tạo ra cơ chế cho người có cổ phiếu nhàn rỗi tìm cách sinh lợi trên tài sản đó, bằng việc cho vay.

Điều 2, Quy chế của VSD quy định, bên cho vay chứng khoán là các tổ chức, cá nhân sở hữu chứng khoán đã lưu ký tại VSD. Có 2 hình thức để khớp nối nhu cầu vay – cho vay trên thị trường là thỏa thuận trực tiếp và thỏa thuận qua hệ thống. Thỏa thuận trực tiếp cho phép bên vay và cho vay trực tiếp trao đổi, thống nhất về điều kiện vay và cho vay trước khi chuyển thông tin vào hệ thống để xác lập thỏa thuận giữa hai bên. Thỏa thuận qua hệ thống là việc bên có nhu cầu vay hoặc cho vay đưa ra lời chào vào hệ thống SBL để tìm đối tác tương ứng.

Theo quy định, chứng khoán cho vay hợp lệ là chứng khoán được niêm yết/đăng ký giao dịch trên Sở GDCK thuộc sở hữu hợp pháp của bên cho vay và được đăng ký, lưu ký tại VSD. Chứng khoán không được cho vay gồm những chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát, cảnh báo, tạm ngừng giao dịch theo quy định tại Sở GDCK; những chứng khoán đang bị cầm cố, phong tỏa, tạm giữ tại VSD hoặc những chứng khoán bị hạn chế chuyển nhượng. Ngoài ra, trái phiếu chuyển đổi cũng là loại chứng khoán không được phép cho vay.

Thời hạn cho vay được quy định tối đa 5 ngày làm việc đối với thỏa thuận vay/cho vay để hỗ trợ thanh toán và tối đa 90 ngày đối với thỏa thận góp vốn hoặc hoán đổi danh mục quỹ ETF. Lãi suất do 2 bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 120% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. VSD sẽ giữ vai trò định giá tài sản thế chấp, làm trung gian kết nối nhu cầu vay - cho vay và quản lý việc sử dụng chứng khoán vay theo đúng quy định.

Nhà đầu tư mong được… vay chứng khoán

Quy chế SBL lần đầu tiên mở ra không gian cho phép nhà đầu tư có chứng khoán nhàn rỗi được cho vay chứng khoán, nhưng đối tượng đi vay khá bó hẹp. Các thành viên thị trường, đặc biệt là các CTCK và nhà đầu tư mong muốn nhà quản lý mở rộng thêm đối tượng được đi vay, mà cụ thể nhất là cho phép nhà đầu tư được vay chứng khoán. Có như vậy sẽ giải quyết được cả vấn đề cung lẫn cầu.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư mua chứng khoán sẽ phải chờ đến chiều ngày T+3 khi chứng khoán về đến tài khoản mới có thể bán chứng khoán. Nếu cơ chế cho vay chứng khoán được mở rộng đối tượng áp dụng, nhà đầu tư có thể vay chứng khoán của nhà đầu tư khác để bán ngay trong ngày (T+0) và khi “hàng” về sẽ trả lại phần chứng khoán đã vay, tất nhiên trong trường hợp này nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra một phần cho chi phí lãi suất. Đây mới chính là điều mà nhiều nhà đầu tư mong đợi.

Hơn nữa, hiện nay dù cấm các CTCK cho khách hàng vay chứng khoán, nhưng một số CTCK vẫn “lách luật” thực hiện với một số khách hàng, dựa trên thỏa thuận trực tiếp giữa môi giới với khách hàng. Điều này đã xảy ra những rủi ro, tranh chấp khi thị trường có biến động xấu. Do đó, nếu “luật hóa” được việc nhà đầu tư được vay và cho vay chứng khoán trên hệ thống SBL sẽ giúp cho các thành viên thị trường dễ dàng tiếp cận thông tin và thực hiện các giao dịch vay, cho vay chứng khoán một cách chính thống hơn, đảm bảo lợi ích, giảm chi phí cho các bên tham gia, qua đó sẽ hạn chế hoạt động cho vay “ngầm” cũng như đáp ứng nhu cầu quản lý thị trường của cơ quan quản lý.

Đánh giá về vấn đề này, lãnh đạo VSD cho biết, việc xây dựng hệ thống SBL xuất phát từ mục tiêu hỗ trợ việc sửa lỗi và giao dịch ETF nên chưa tính đến mục đích thương mại dù biết các thành viên thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư mong muốn có thể vừa vay và cho vay chứng khoán lẫn nhau để đáp ứng nhu cầu giao dịch, gia tăng lợi nhuận.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay, Luật Chứng khoán chưa cho phép thực hiện hoạt động “bán khống”, nên nếu có mở rộng đối tượng vay thì bản thân nhà đầu tư cũng chưa thực hiện được. Trong khi hệ thống SBL vừa mới ban hành nên cũng cần có thời gian để thị trường “làm quen”. Sau khi hệ thống đi vào vận hành trơn tru, việc bổ sung các cơ chế mới trong hệ thống cho phù hợp điều kiện thị trường sẽ được tính đến.

Theo Đầu tư chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo