Nhà đầu tư nước ngoài đang “tháo thân“?
Một số mã bị bán ra đúng lúc có thông tin về kế hoạch lợi nhuận giảm hay những dự báo tăng trưởng chững lại trong ngắn hạn. Câu hỏi đặt ra lúc này là, khối ngoại, sau khi bán ra những mã lớn đó, sẽ mua cổ phiếu nào?
Phiên ngày 7/4, DPM bị bán ra tới 4,45 triệu cổ phiếu và khối lượng bán ròng là gần 2,95 triệu đơn vị. Giá trị bán ròng tương đương 119,2 tỷ đồng. DPM là nguyên nhân chính khiến vị thế giao dịch của khối ngoại trên sàn HOSE chuyển thành bán ròng. Sang phiên 8/4, khối ngoại bán ròng phiên thứ hai liên tục, DPM tiếp tục bị bán mạnh với gần 2,2 triệu đơn vị, kế đến là các mã VIC (750.000), HAG (400.000), VSH, HGP, VCB…
Theo lý giải của nhiều CTCK, sở dĩ DPM bị bán mạnh là bởi thông tin DPM phải mua khí đầu vào với giá cao hơn, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động Công ty (trong khi đó, cổ phiếu GAS tăng giá mạnh nhờ khả năng Công ty sẽ tăng giá bán khí).
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh năm 2013 của DPM vừa bị điều chỉnh giảm tới 95,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết thúc năm 2013, DPM sản xuất được 822.000 tấn đạm, đạt doanh thu 10.807 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.142 tỷ đồng. Tuy vậy, năm nay, DPM đặt mục tiêu thấp hơn kết quả đạt được năm ngoái. Cụ thể, doanh thu kế hoạch là 8.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.384 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.219 tỷ đồng.
Mới đây, Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited đăng ký bán 3,4 triệu cổ phiếu VNM, cùng lúc các báo cáo đánh giá VNM vẫn giữ được vị thế đứng đầu nhưng biên lợi nhuận gộp sẽ chịu áp lực giảm trong ngắn hạn. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng doanh thu VNM trong thời gian tới sẽ ở mức vừa phải do có nhiều đối thủ mới, chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, về dài hạn, biên lợi nhuận gộp của VNM sẽ phục hồi nhờ tăng cường quy trình khép kín, danh mục sản phẩm tốt…
Theo ông Hoàng Công Tuấn, chuyên viên phân tích của CTCK MBS, việc khối ngoại bán ròng một số mã bluechips là hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư thông thường, khi họ đánh giá các mã đó ít có khả năng tăng trưởng trong thời gian tới. Điều này không có nghĩa là họ đánh giá TTCK Việt Nam kém hấp dẫn. Nhiều khả năng, khi bán các cổ phiếu bluechips trên, họ sẽ mua vào các mã cổ phiếu bluechips khác mà họ đánh giá có triển vọng kinh doanh khả quan.
Đối với trường hợp VNM, ông Tuấn bày tỏ quan điểm vẫn đánh giá cao cổ phiếu này, nhờ vị thế thị trường vững chắc trong mảng sữa nước và sữa bột trẻ em, cộng thêm sức khỏe tài chính rất vững mạnh. Tuy nhiên, đà tăng trưởng lợi nhuận của Công ty đã giảm tốc trong năm vừa qua. Mức độ cạnh tranh trong mảng sữa nước đã tăng lên khi có sự tham gia của TH True milk, trong khi thị trường sữa có khả năng sẽ giảm dần tốc độ tăng trưởng chung trong thời gian tới.
Theo ông Tuấn, NĐT nước ngoài bao gồm nhiều đối tượng với chiến lược, mục tiêu khác nhau, không nên coi họ là một thực thể duy nhất để đánh giá và phán đoán về việc họ sẽ ưa chuộng cổ phiếu nào. Về tổng thể, các quỹ nước ngoài lớn vẫn ưa chuộng các cổ phiếu bluechips do tính thanh khoản cao trên thị trường.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Trung, Phó tổng giám đốc CTCK VDSC cho rằng, NĐT nước ngoài bán ròng các phiên gần đây đơn thuần là để cơ cấu lại danh mục, không giống như đợt bán tháo của ETF nên không đáng ngại. Đối với những NĐT dài hạn, việc tăng/giảm danh mục chỉ đơn giản là có cổ phiếu đã đạt kỳ vọng hoặc cổ phiếu thuộc doanh nghiệp không tạo ra lợi nhuận kỳ vọng thì họ tìm cách bán bớt mã này, đầu tư vào mã khác.
Riêng trường hợp DPM, là cổ phiếu có EPS lớn, nhưng nhà đầu tư lo ngại chi phí đầu vào của DPM đang tăng theo lộ trình, trong khi doanh thu lại khó tăng tương ứng.
“Tựu trung lại, đánh giá hoạt động bán vừa qua của NĐT nước ngoài là không lỗ, nên không cần lo ngại về việc họ bán ròng để “tháo thân“. Xu hướng tiếp theo của khối ngoại vẫn là cổ phiếu bluechips. Ngoài ra, một vài quỹ vẫn chọn chiến lược đầu tư cổ phiếu midcaps, smallcaps, khi mà largecaps đang tăng quá mạnh, mặt bằng giá đã cao”, ông Trung nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo