Nhà giàu Việt chơi sang, chi hơn nửa triệu "săn" mứt vỏ bưởi nhập từ Thái Lan
Trong khi các đầu mối đứng ra nhập khẩu mứt vỏ bưởi Thái Lan về tiêu thụ tại thị trường trong nước quanh năm thì ngay tại thủ phủ của loại trái cây này, vỏ bưởi lại được mang vứt đi.
Giá đắt nhưng nhu cầu vẫn quanh năm
Được đồng nghiệp tặng một gói mứt vỏ bưởi nhập khẩu từ Thái Lan dùng vào dịp Tết vừa rồi, đến nay, trong nhà chị Mỹ Ngọc (nhân viên văn phòng, quận 6), lúc nào cũng có loại mứt này để “nhâm nhi” mỗi khi đi làm về.
“Mứt gần như giữ được màu xanh đặc trưng của vỏ bưởi. Vị chua và ngọt kết hợp hài hòa với nhau, khi ăn, tôi còn cảm nhận được vị the the ở đầu lưỡi. Cả nhà ai cũng thích nên lúc nào cũng có sẵn loại mứt này. Ngoài ra, ở công ty, tôi và đồng nghiệp cũng thường xuyên ăn cho đỡ buồn”, chị Ngọc nói.
Vì dùng quanh năm nên nữ nhân viên văn phòng này thường mua cùng lúc một 1 kg mứt vỏ bưởi Thái Lan, thay vì từng túi 200 g như nhiều người để tiết kiệm vài chục nghìn đồng.
Theo chị, mứt vỏ bưởi này không hề rẻ. Tại cửa hàng mà chị mua, mỗi kg được bán với giá 650.000 đồng. Mứt được chia theo từng túi nhỏ 200 g, có bao bì, nhãn mác chữ Thái Lan, giá mỗi túi này là 130.000 đồng.
Đây cũng là mức giá phổ biến nhất của mứt vỏ bưởi Thái Lan được bày bán ở các chợ lớn, nhỏ và các cửa hàng kinh doanh online. Một số nơi có giá thấp hơn nhưng chỉ chênh vài chục nghìn đồng/kg để cạnh tranh do có quá nhiều người cùng bán.
“Trước đây, tôi chỉ nhập mứt vỏ bưởi Thái về bán vào dịp Tết, do đây là thời điểm tiêu thụ bánh mứt mạnh nhất. Năm nay, mứt này được bán rất chạy mặc dù giá không rẻ. Qua Tết mà nhiều khách ghé hỏi mua nên tôi nhập hàng liên tục về bán”, một tiểu thương kinh doanh bánh, mứt tại chợ Bình Tây (quận 6) nói.
Tiểu thương này cũng cho biết thêm, mứt vỏ bưởi trong nước tuy rẻ hơn 2-3 lần, chỉ 200.000-300.000 đồng/kg, nhưng vẫn rất ít người mua hơn.
”Nhìn vào sẽ biết ngay đâu là mứt Thái và đâu là mứt làm trong nước. Hàng Thái cho màu sắc đẹp hơn, đó là điểm cộng lớn nhất. Nhiều khách hàng cũng nói với tôi như vậy khi quyết định mua. Ngoài ra, họ cũng cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng hàng ngoại”, bà khẳng định.
Đánh vào tâm lý làm đẹp của phụ nữ, nhiều người kinh doanh online mứt vỏ bưởi Thái Lan đã quảng cáo rầm rộ công dụng của sản phẩm này như giảm cân hiệu quả, chống lão hóa da, giải cảm, hơi thở thơm mát.
“Hàng này chúng tôi lấy trực tiếp từ Thái, đảm bảo không có chất bảo quản, không có đường hóa học nên rất an toàn. Chính vì vậy, mặc dù giá cao nhưng vẫn có rất nhiều người mua, đơn hàng cứ liên tục quanh năm”, chị Hải Yến chuyên kinh doanh online mứt vỏ bưởi Thái quả quyết.
Bưởi da xanh giá bằng 1/10 mứt vỏ bưởi Thái và vỏ bị... vứt đi
Theo tìm hiểu, hiện có hơn 10 đơn vị nhập mứt vỏ bưởi Thái Lan vào tiêu thụ tại thị trường trong nước với doanh số lên đến cả trăm tỷ đồng.
Một đầu mối chuyên nhập khẩu loại mứt này nhiều năm tiết lộ, doanh thu một năm có thể đạt 20 tỷ đồng. Theo vị này, giá mứt nhập vào chỉ khoảng 150.000-220.000 đồng/kg, tuy nhiên, khi đến tay người tiêu dùng, giá được đẩy lên cao do chi phí vận chuyển, bao bì, thiết kế, khấu hao.
Trong khi nguồn hàng được nhập về liên tục quanh năm thì ngay tại Bến Tre, vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của bưởi da xanh, vỏ của loại quả này vẫn chưa được tận dụng nhiều để chế biến làm mứt.
Hiện nay, giá bưởi da xanh loại ngon ở tỉnh này dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi kg mứt vỏ bưởi nhập từ Thái Lan đã gấp 10 lần so với giá bưởi da xanh tại vườn của nông dân.
Ông Thái Hòa, một nhà vườn tại tỉnh này cho biết, hiện nay, bưởi da xanh chủ yếu vẫn được bán thành phẩm dưới dạng nguyên trái cho các thương nhân, do đó, các phụ phẩm từ loại quả này hầu như đều bị… vứt đi.
“Trước đây, nhiều hộ cũng chế biến vỏ bưởi làm mứt Tết. Tuy nhiên, các công đoạn sản xuất rất vất vả, đa phần là làm thủ công. Sản phẩm mứt mang ra thị trường không được ưa chuộng nên hiện nay cũng hiếm có hộ nào tiếp tục công việc”, ông Hòa nói.
Mặc dù rất bất ngờ trước việc tại thị trường TP.HCM, giá thành mứt vỏ bưởi nhập từ Thái Lan lên đến hơn 600.000 đồng/kg, nhà vườn này vẫn không mấy mặn mà việc tận dụng vỏ bưởi. Theo ông, chi phí đầu tư cho quy trình sản xuất rất cao, nông dân không thể gánh nổi. Ngoài ra, tâm lý của người tiêu dùng phần nào cũng nghiêng về các sản phẩm ngoại hơn.
Theo kết quả điều tra của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, tỷ lệ người dùng Việt yêu thích và lựa chọn sản phẩm trong nước tuy vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm mạnh so với trước đó.
Đơn vị này dự đoán, trong tương lai gần, tỷ lệ sử dụng hàng ngoại sẽ tiếp tục tăng khi người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận nhiều sản phẩm hơn.
“Niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt” là một trong những nguyên nhân mà Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nêu để lý giải thực trạng trên. Đơn vị này cho rằng, niềm tin của người tiêu dùng có phần bị lung lay do nhiều doanh nghiệp làm ăn không minh bạch, chân chính, gây ảnh hưởng uy tín chung của hàng Việt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg