Tin tức - Sự kiện

Nhà khoa học "than" lương thấp: Có gì để đòi thù lao?

Không thể trách nhà khoa học bỏ Nhà nước ra làm cho các doanh nghiệp tư nhân khi hiệu quả trong nhà nước kém như thế, tiền chùa nên chẳng ai xót.

 TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phát biểu như vậy khi đề cập đến việc nhà khoa học "chân trong chân ngoài" hoặc bỏ Nhà nước ra làm cho doanh nghiệp.

 
Lương đủ tiêu nửa tháng
 
Theo ông Lê Hưng Quốc, có nhiều lý do khiến nhà khoa học ở các viện nghiên cứu nhà nước khó tạo ra được giống tốt, có chất lượng. Đầu tiên phải kể đến một thực tế được thừa nhận suốt nhiều năm qua là lương công chức quá thấp và người ta phải tìm kiếm các khoản khác ngoài lương. 
 
"Theo khảo sát của nhiều cơ quan điều tra, lương công chức chỉ đủ tiêu nửa tháng. Ngay như lương bộ trưởng cũng chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. Vì thế, nếu nói lương thấp là đụng đến cả hệ thống chứ không chỉ các nhà khoa học".
 
Thứ hai, theo ông Quốc, kinh phí đầu tư nghiên cứu, chế tạo giống ở Việt Nam còn thấp. Ở nước ngoài, để tạo ra một giống, các công ty phải chi hàng tỷ đồng. Muốn mua bản quyền giống thuần của nước ngoài cũng phải mất 1 tỷ đồng, còn giống lai phải 2-3 tỷ đồng. Trong khi đó, ở Việt Nam đầu tư theo đề tài được mấy chục triệu đồng, trong kinh phí dành cho mỗi đề tài lại chủ yếu tính chi phí khác chứ không tính lao động của nhà khoa học vào đó.
 
Dù khẳng định rằng các cơ quan nhà nước Việt Nam còn thiếu động lực khuyến khích nhà khoa học làm việc nhưng nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, không thể vì thế mà đổ lỗi rằng vì lương thấp nên nhà khoa học chỉ tạo ra giống kém chất lượng.
 
"Ngân quỹ chỉ có chừng ấy thôi, không thể so sánh một cách cơ học được. Ngay cả lương tổng thống Nga cũng khác tổng thống Mỹ. Huống chi từ trước tới nay lương có cao đâu mà Việt Nam vẫn có những nhà khoa học kiệt xuất như Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Đào Thế Tuấn, Bùi Huy Đáp..., vẫn có những thành tựu khoa học thế giới phải nghiêng mình, đảm bảo được an ninh lương thực cho 90 triệu con người?
 
Trước khi đòi lương cao, nhà khoa học đã hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm tương xứng chưa, đã làm hết lòng tự trọng của người trí thức chưa? Nhà nước đào tạo các anh bao nhiêu năm, giờ là lúc các anh phải có sản phẩm để trả công nhà nước chứ không thể đổ cho lương thấp mà không làm gì hoặc làm kém đi", ông Quốc thẳng thắn.
 
Việt Nam phải nhập khẩu nhiều giống cây trồng, vật nuôi
 
Ông cũng cho rằng, trước khi đòi hỏi lương cao, nhà khoa học hãy "tiên trách kỷ" bởi cho đến nay đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam chưa tự khẳng định được mình.
 
"Hội thảo do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức mới đây đã phải thừa nhận, trình độ khoa học và công nghệ nông nghiệp hiện còn thấp và chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam dù có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ hùng hậu, nhiều hơn cả Nhật Bản nhưng trình độ khoa học thậm chí còn không bằng các nước được cho là phát triển kém hơn.
 
Tôi được biết có hội nghị quốc tế quy tụ toàn những nhà khoa học xuất sắc nhưng Việt Nam không có ai tham dự, trong khi Campuchia lại có. Vì nhà khoa học Việt Nam có năng suất lao động thấp, không có thành tựu đột phá nên đừng vội đòi hỏi phải có thù lao cao".
 
Nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt nhắc đến PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, người rất nổi tiếng với  giống lúa lai 10 tỷ, và tỏ ra rất tâm đắc với những chia sẻ của bà. Theo đó, bà Trâm cho rằng, nhà khoa học cứ làm mãi thì cũng ra sản phẩm, nhưng nếu có một khoản đầu tư để nuôi sống nhà khoa học, để họ không vướng bận nỗi lo cơm áo thì họ có thể làm ra sản phẩm tốt hơn. Cuối cùng thành tựu của nhà khoa học không phải chỉ  của riêng họ mà đó là công sức của cả một tập thể.
 
"Một người có thành tựu khoa học như bà Trâm đâu có nói chuyện tiền nong ngay mà trước hết nói về sự say mê, nhiệt tình, sự kiên trì, quyết tâm của nhà khoa học, sau đó mới đến tiền... Vì thế nhà khoa học hãy cống hiến trước khi đòi hỏi thù lao", ông Quốc nói. 
 
"Chảy máu chất xám" được đã tốt
 
Trong ba nhóm giống hiện nay gồm giống do các viện tạo ra, giống của nông dân và giống của doanh nghiệp, giống của các doanh nghiệp xuất sắc hơn cả. Trong số 48 giống lúa được công nhận, có 61% giống do doanh nghiệp và các trung tâm giống nghiên cứu chọn tạo, 19/26 giống ngô được công nhận do doanh nghiệp chọn tạo… Theo ông Lê Hưng Quốc, đó là xuất phát  từ sự khác nhau giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu nhà nước. Doanh nghiệp nghiên cứu giống để kinh doanh, mang lại lợi nhuận cho họ, trong khi các viện nghiên cứu làm ra giống là để trả bài, thanh toán tiền với Nhà nước.
 
"Một bên là tiền túi bỏ ra nên phải nghiên cứu thật, chắt lọc, còn một bên là tiền chùa. Doanh nghiệp có cả mạng lưới chọn lọc giống, nhân lên,thuyết phục nông dân sử dụng còn các viện báo cáo xong, nghiệm thu đề tài xong là kết thúc, họ chỉ cần quyết toán tiền, còn giống có ra gì hay không cũng không cần biết".
 
"Thực tế đã chứng minh hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước rất kém, làm ăn thua lỗ, tiền chùa nên không ai xót. Đó là chưa nói thủ tục hành chính rườm ra, trong khi cơ chế tư nhân mới là động lực phát triển. Chính vì thế không thể trách nhà khoa học bỏ Nhà nước ra làm cho doanh nghiệp.
 
Chảy máu chất xám được đã tốt vì dẫu nhà khoa học có làm bên ngoài mà có sản phẩm thực sự chất lượng cùng cũng cống hiến cho xã hội. Huống chi doanh nghiệp tư nhân không phải ai cũng nhận, họ chỉ nhận người giỏi để chọn mặt gửi vàng mà thôi. Chính những người cả đời không có sản phẩm mới phải bám Nhà nước mà sống. Chỉ có điều trước khi đi, nhà khoa học hãy trả nợ Nhà nước công đào tạo", ông Quốc nói.
 
Trong cuộc gặp mới đây với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Cục trưởng Cục trồng trọt đã đề xuất thẳng phải xem lại kinh phí cấp cho các viện nghiên cứu. Trong số 700 tỷ đồng dành cho công tác nghiên cứu, theo ông Quốc không phải chi cho các viện mà cần dành cho doanh nghiệp vì những đơn vị này hoạt động hiệu quả hơn, có sản phẩm tốt hơn.
 
"Phải cải tổ các viện chứ không thể lấy ngân sách nuôi không mãi thế này trong khi hoạt động không hiệu quả. Nhà nước phải coi đó như khối ung thư, xác định rằng cắt bỏ thì vô cùng đau xót nhưng bắt buộc phải làm. Nghị định 115 quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị khoa học ra đời gần 10 năm nay nhưng không triển khai được, có chăng cũng cực kỳ cải lương vì chẳng ai dám làm. Đó là bởi làm thì động đến vợ con, người thân... Những người đó mác nhãn thì hay nhưng hỏi đến sản phẩm thì chẳng có rồi lại đổ cho lương thấp. Cơ chế của Việt Nam là vậy nên chữa rất khó", ông Quốc chia sẻ.
Theo Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo