Nhà ma 300 Kim Mã: Tụ điểm vui chơi mới của giới trẻ Hà Thành?!
Giống như một bức tranh sơn dầu cần những mảng màu khác biệt, vui chơi, giải trí là một nhu cầu thiết yếu của người trẻ, quan trọng không kém gì chuyện ăn học. Thế nhưng, khác với sự nghiệp học hành, ăn uống hoặc đã được lập trình sẵn hoặc dễ dàng chọn lựa, giới trẻ Thủ đô luôn phải đau đầu tìm kiếm nơi vui chơi, giải trí. Cà phê, cà pháo, ra rạp mãi cũng nhàm; lên bar, đi club thì bị cấm cản; mấy trò chơi nhập vai vừa đắt vừa dễ đoán; khu tổ hợp ăn chơi vừa được ra mắt đã sớm gây thất vọng vì chẳng có gì đặc biệt. Trong bối cảnh nghĩ mà "đắng lòng" đó, những lời đồn đã đưa Nhà ma 300 Kim Mã quay trở lại như một ngôi sao vang bóng một thời, tạo ra ra một trào lưu cho đến giờ phút này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt: trào lưu đột kích bắt ma?!
Nói nhà 300 Kim Mã là ngôi sao vang bóng một thời quả không quá lời, nhiều người đi trước có thể làm chứng cho điều đó. Một căn nhà cũ kỹ với chiếc cổng sắt hoen gỉ luôn đóng chặt, nằm lạc lõng giữa con phố tấp nập người lại qua là quá đủ để những bộ óc tinh quái thêu dệt nên những câu chuyện liêu trai kỳ bí với vô vàn dị bản. Và chuyện-ma-có-địa-chỉ-cụ-thể bao đời nay vẫn vậy, dù luôn được người kể đảm bảo tính chân thật kèm theo cảnh báo "Đừng kiểm nghiệm" nhưng luôn thôi thúc người nghe đứng lên đi tìm sự thật (Giá mà những ẩn số khoa học chưa tìm được lời giải trong sách vở cũng làm được điều đó!)
Trước đây, việc người dân đột nhập vào bên trong ngôi nhà để mục sở thị không phải là chuyện hiếm nhưng chưa thể đạt đến cảnh giới cao nhất, khiến "ma" cũng phải ngại như bây giờ. Bước sang tháng cô hồn (tháng 7 Âm lịch), trào lưu ngày càng nở rộ và thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Đêm nào cũng vậy, khi người bảo vệ cuối cùng rời khỏi cũng là lúc cuộc hành trình bắt ma chính thức bắt đầu. Từ mấy cậu nhóc choai choai thích mạo hiểm đến những cô nàng cá tính ưa khám phá đều chịu khó leo qua lỗ hổng trên hàng rào dây thép gai để được...gần ma thêm chút nữa. Họ thừa biết bên trong ngôi nhà có những gì vì trên các diễn đàn, báo mạng đã có đầy đủ hình ảnh, clip chân thực đến từng chi tiết nhỏ nhưng vẫn muốn đích thân trải nghiệm cảm giác “lạnh sống lưng” như miêu tả một lần.
Họ thừa biết nếu thiếu một trong những điều kiện hoặc "thủ tục" tâm linh đặc thù hoặc sự hiện diện của một người thông tỏ âm dương như nhà ngoại cảm chẳng hạn, các hiện tương siêu nhiên sẽ không thể xảy đến nhưng vẫn kéo bè kéo phái, cười đùa, chụp ảnh, quay phim hồn nhiên, vui như trẩy hội. Có nữ anh hùng vô tư mặc váy trèo cổng tái diễn lại hình ảnh phản cảm khi Công viên nước mở cửa miễn phí hôm nào. Có công tử no cơm ấm cật khoe chiến tích trèo tường bị rơi mất dép, tự hào hơn cả lúc leo Phan. Trong số ấy, chẳng biết có ai đặt tay lên trán tự hỏi hành động của mình có nguy hiểm, có phạm pháp, có “trẻ trâu” hay không…
Lại nói về cái kết của cuộc hành trình bắt ma, ai đó về nhà đăng lên Facebook tấm ảnh chụp mình đứng hiên ngang trước số nhà 300, đợi bạn vào hỏi: "Thấy gì không?" liền ôn tồn đáp:
- Có. Thấy...mệt!
Thiết nghĩ, nếu những hành động mê tín dị đoan này vẫn tiếp diễn, ai đó sẽ còn "mệt" vì nhiều thứ nữa!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội